PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH THUẬN: NĂM 2020, CHÚ TRỌNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỪ MỖI THÀNH VIÊN TRONG ĐOÀN

22/01/2020 11:23

Năm 2020, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề ra kế hoạch tiếp tục nỗ lực, nâng cao chất lượng hơn nữa hoạt động của từng thành viên của Đoàn trong quá trình tham gia hoạt động tại các kỳ họp thứ 9, thứ 10 của Quốc hội khóa XIV… là khẳng định của Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Phúc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

Phóng viên: Với trọng trách đại biểu của nhân dân, cử tri đại biểu có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận trong năm 2019?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Năm 2019, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực, cố gắng bám sự chỉ đạo của Ủy ban thương vụ Quốc hội và Thường trực Tỉnh ủy để triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, đặc biệt Đoàn có nhiều đổi mới trong hoạt động của mình.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, chúng tôi tiếp xúc cử tri tại 116 xã phường, thị trấn, tăng 10 cuộc so với năm 2018. Ngoài tập trung tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp thứ 7, thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chúng tôi đổi mới tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Ví dụ, liên quan tới Bộ Luật Lao động chúng tôi tổ chức 6 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề để lấy ý kiến về Bộ luật này. Nhằm phát triển kinh tế thủy sản, chúng tôi cũng tổ chức ba cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về thủy sản nhằm lắng nghe ý kiến từ phía ngư dân. Điểm mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri nữa là chúng tôi tổ chức tiếp xúc cử tri trực tuyến tại huyện đảo.

Về hoạt động giám sát, chúng tôi đã tổ chức được 12 cuộc bám sát theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động của Hội đồng Dân tộc và hoạt động của các Ủy ban của Quốc Hội. Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương thì chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc giám sát hơn so với các năm trước. Về nội dung giám sát, chúng tôi cũng có đổi mới thực hiện tái giám sát về những ý kiến, kiến nghị của cử tri ở các đợt tiếp xúc cử tri trước. Từ những kiến nghị qua các cuộc giám sát, đối với những ý kiến thuộc thẩm quyền địa phương thì Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có những văn bản chỉ đạo cụ thể đối với các ngành để các sở ngành địa phương nhanh chóng có giải pháp khắc phục. Với những kiến nghị chúng tôi gửi các Bộ, ngành Trung ương thì cũng được các Bộ, ngành quan tâm giải quyết cũng như trả lời những vấn đề mà chúng tôi đặt ra qua giám sát thực tế.

Về giải quyết đơn thư thiếu nại tố cáo của nhân dân, chúng tôi cũng có những đổi mới nhất định. Ví dụ, với các kiến nghị của cử tri, các đơn thư cử tri gửi đến cho Đoàn thì chúng tôi đi đến cùng, làm việc với các Bộ, ngành của Trung ương cũng như làm việc trực tiếp với các sở, ngành trong tỉnh. Theo đó, nhiều đơn thư, kiến nghị của cử tri được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời.

Phóng viên: Trong quá trình hoạt động, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh còn gặp những khó khăn gì, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Trong quá trình hoạt động, Đoàn có những khó khăn nhất định.

Do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chỉ có sáu đại biểu, trong đó chỉ có một đại biểu chuyên trách, còn lại năm đại biểu là kiêm nhiệm. Do kiêm nhiệm nên đôi khi có những hoạt động của Đoàn, đại biểu không sắp xếp tham gia được đầy đủ, có những cuộc giám sát chỉ có một đại biểu tham gia nên nhiều khi kết quả giám sát không được chu toàn.

Ngoài ra, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri hoặc đơn thư của cử tri không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được mà cần có thời gian giải quyết, tuy nhiên đôi khi cử tri, nhân dân không thông cảm nên cũng gây áp lực rất nhiều cho Đoàn.

Về chính sách, nhiều nội dung trong Luật, Thông tư, Nghị định….vẫn còn chồng chéo, do vậy rất cần phải có những điều chỉnh của các cơ quan ở trung ương thì sẽ tạo thuận lợi hơn cho Đoàn trong việc triển khai nhiệm vụ của mình.

Phóng viên: Để tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, đại biểu có thể chia sẻ về những mục tiêu, nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận trong năm 2020? 

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Năm 2020, bên cạnh tham gia tích cực, chủ động tại các kỳ họp thứ 9, thứ 10 của Quốc hội khóa XIV cũng như các hoạt động khác của Quốc hội thì chúng tôi cũng để ra kế hoạch từ mỗi đại biểu Quốc hội trong Đoàn phải nâng cao chất lượng hoạt động của mình, tăng cường các hoạt động để tham gia đóng góp vào hoạt động chung, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông qua việc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, thực hiện chức năng giám sát…Cụ thể, trong công tác tiếp nhận đơn thư, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và chuyển đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân sớm nhất đến các cơ quan chức năng để sớm xem xét, giải quyết, đồng thời có kế hoạch bám sát, đôn đốc việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong tiếp xúc cử tri, chúng tôi phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các cơ quan chức năng triển khai nhiệm vụ chủ động, linh hoạt trước và sau các kỳ họp Quốc hội, qua đó tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo, phản ánh tới các cơ quan chức năng.

Phóng viên: Đại biểu có mong muốn và gửi lời nhắn nhủ gì tới cử tri, nhân dân trước thềm năm mới?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Năm 2020 cũng là năm gần kết thúc nhiệm kỳ, đồng thời cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp do đó bản thân tôi sẽ nỗ lực, cố gắng hết sức để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.

Đối với cử tri, tôi cũng rất mong muốn cử tri hãy tin tưởng đối với Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh. Đoàn luôn đặt mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ của mình đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân nên cũng đi sâu, đi sát để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó theo bán các kiến nghị để cố gắng làm sao giải quyết tốt nhất các ý kiến, kiến nghị của cử tri./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lê Phương

Other news