QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

22/11/2018 10:56

Sáng ngày 22/11, tại Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo Quy định của pháp luật về hợp đồng lao động – Thực trạng và khuyến nghị. TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp, chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo Quy định của pháp luật về hợp sống lao động thực trạng và khuyến nghị

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện Liên đoàn lao động một số tỉnh; các chuyên gia uy tín đầu ngành về pháp luật lao động của Việt Nam; GS.TS Heinz BierBaum, ông Arne Brix, và ông Peeter Raane là những chuyên gia đến từ Cộng hòa liên bang Đức.

Năm 2017, Viện Nghiên cứu lập pháp cùng với Quỹ Rosa Luxemburg đã tổ chức các Hội nghị góp ý hoàn thiện về Dự thảo Luật về Hội và Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tại đó những vấn đề về liên quan đến tổ chức công đoàn tại Doanh nghiệp, tuổi nghỉ hưu, chính sách an sinh xã hội, tiền lương, thời gian làm việc đã được các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia lao động trao đổi kỹ và cụ thể. Trong năm 2018, tiếp nối chủ đề hoàn thiện chính sách và pháp luật về lao động, việc làm, an sinh xã hội, công đoàn... Viện Nghiên cứu lập pháp và Quỹ Rosa Luxemburg tiếp tục triển khai đẩy mạnh nghiên cứu sâu về tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động, việc giải quyết tranh chấp lao động. Kết quả của các Hội thảo cho thấy, thực tế quan hệ lao động đang còn nhiều bất cập kéo dài, dẫn đến các tranh chấp giữa người lao động và chủ sử dụng lao động liên quan đến tiền lương, thời giờ lao động, thời giờ làm thêm, thời gian nghỉ phép, phân chia phúc lợi từ lợi nhuận doanh nghiệp... Phần lớn các tranh chấp trên có nguyên nhân từ việc Hợp đồng lao động chưa cụ thể, rõ ràng. Người lao động chưa đủ thông tin, kiến thức, nhận thức hoặc được tư vấn kỹ trước khi ký hợp đồng lao động. Quyền và lợi ích của người lao động không được bảo đảm, Chủ lao động dễ dàng chối bỏ các quyền và nghĩa vụ liên quan. Đây là mấu chốt dẫn đến việc tranh chấp kéo dài, khó phân xử khi đưa ra hoà giải ở cấp trung gian, hoặc tranh tụng ở cấp Tòa án.

TS.Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp, phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp - cho biết, hội thảo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn từ hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các đạo luật: Bộ luật Lao động 2012, Luật Công đoàn, và một số luật khác liên quan đến quyền con người đã được Hiến định trong Hiến pháp năm 2013 trong thời gian tới.

Báo cáo tham luận tại hội thảo đã làm rõ thực trạng quy định của pháp luật về hợp đồng lao động; định hướng sửa đổi các quy định về hợp đồng lao động trong Bộ luật lao động; quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng lao động; một số vấn đề pháp lý trong hợp đồng lao động với người nước ngoài;…

Về định hướng sửa đổi các quy định về hợp đồng lao động trong Bộ luật lao động, Bà Phạm Thị Thanh Việt, Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho rằng, việc sửa dổi các quy định về hợp đồng lao động trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) phải bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn; đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong xác lập, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động; nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, phù hợp với trình độ, mức độ phát triển kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, hợp đồng lao động.

Trên cơ sở phân tích thực trạng quy định pháp luật về giao kết hợp đồng lao động, PGS.TS Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - đưa ra một số kiến nghị như: cân nhắc sửa đổi quy định về chủ thể giao kết hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động; nội dung của hợp đồng lao động bắt buộc phải ghi rõ công việc của người lao động phải làm và địa điểm làm việc cụ thể của người lao động sau khi giao kết hợp đồng lao động;…

GS.TS Heinz BierBaum Trưởng ban Quốc tế Đảng Cánh tả Đức trình bày tham luận

Chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức và công đoàn Châu Âu về lao động, GS.TS.Heinz BierBaum - Trưởng ban Quốc tế Đảng Cánh tả Đức - cho rằng, quyền lực của công đoàn đã bị giảm sút trong những năm qua, nhất là liên quan đến thương lượng tập thể và sự ảnh hưởng chính trị. Nhưng công đoàn có tầm quan trọng lớn trong việc bảo vệ người lao động và nhân viên. Chế độ tiền lương và điều kiện lao động về cơ bản vẫn do công đoàn điều chỉnh. Tuy nhiên, công đoàn hoạt động chủ yếu ở cấp quốc gia chứ chưa mở rộng ra khắp Châu Âu. Gần đây ủy ban Châu Âu đã thông qua một trụ cột về các quyền xã hội.

Tại hội thảo, sau khi nghe báo cáo tham luận, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung cơ bản trong lĩnh vực pháp luật về hợp đồng lao động như: nội dung sửa đổi các quy định về hợp đồng lao động trong Bộ Luật lao động; thực trạng vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; chấm dứt hợp đồng lao đồng trái pháp luật; vai trò của tổ chức công đoàn….

Hội thảo là diễn đàn giúp các Đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, có những đánh giá về hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực lao động, góp phần phục vụ việc sửa đổi, hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Hội thảo diễn ra trong 1,5 ngày bắt đầu từ ngày 22/11/2018./.

Lê Anh - Minh Công