Từ “thuở ban đầu Dân quốc ấy”...
Việc tiến hành Tổng tuyển cử để bầu QH nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau thắng lợi giành chính quyền từ Cách mạng tháng Tám là quyết định táo bạo, mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn đó, góp phần bảo vệ các thành quả cách mạng vừa đạt được. Từ các bài học kinh nghiệm sâu sắc của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, các đại biểu nguyên là Lãnh đạo QH, ĐBQH qua các thời kỳ và đông đảo nhà khoa học dự Hội thảo “QH Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển” cho rằng, QH cần tiếp tục con đường đổi mới để không ngừng hoàn thiện tổ chức, hoạt động, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Bài học lịch sử còn nguyên giá trị
Cách mạng tháng Tám đã được nhân dân Việt Nam thực hiện để đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế trong gần một nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Nhưng nếu dừng ở đây, Cách mạng tháng Tám chỉ là khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân, chính quyền nhân dân là chính quyền lâm thời và về lý là chưa hợp pháp. Vì vậy, 4 tháng sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân Việt Nam làm tiếp cuộc cách mạng thứ hai: tiến hành Tổng tuyển cử bằng phương thức phổ thông đầu phiếu để chính thức hóa chính quyền bằng cách lập ra Quốc hội, từ đó cử ra Chính phủ chính thức, ban hành Hiến pháp tạo dựng một bộ máy chính quyền chính thức, hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho toàn thể Nhân dân Việt Nam. Ý nghĩa đặc biệt của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên cho thấy, ngay từ những buổi đầu gian khó ấy, Cách mạng biết sử dụng biện pháp giành chính quyền, thiết lập chính quyền hợp pháp bằng bước đi phi vũ trang thông qua từng lá phiếu của công dân và bằng chính ý chí, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện giặc ngoài thù trong, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đất nước vô cùng khó khăn. Trong điều kiện như vậy, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học MTTQ Nguyễn Xuân Đức, đây không phải là cuộc Tổng tuyển cử thông thường mà thực chất là cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt. Từ một dân tộc nô lệ, lầm than, từ đây, Nhà nước hợp pháp và dân chủ nhân dân của Việt Nam có địa vị ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Diễn ra trong điều kiện lịch sử khó khăn là vậy, nhưng cuộc Tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu đầu tiên ngày 6.1.1946 ấy đã hội tụ sinh động và đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới. Đó là tự do bầu cử, ứng cử của công dân (được hiểu như là bầu cử phổ thông), bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín - là phương thức không phải một nước dân chủ nào ngay từ đầu đều có thể thực hiện, thậm chí hiện nay một số quốc gia trên thế giới cũng chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ các nội dung, yêu cầu và nguyên tắc bầu cử như vậy. Việc tuyên truyền, vận động bầu cử cũng được tiến hành rộng rãi, dân chủ và thực chất. Các ứng cử viên được tự do vận động bầu cử miễn không được trái với nền Dân chủ cộng hòa, không phương hại đến nền độc lập non trẻ và công cuộc bảo vệ trị an. Quy định này cho phép các ứng cử viên có nhiều hình thức tiếp xúc với cử tri và vận động bầu cử khác nhau. Theo nhìn nhận của các đại biểu dự Hội thảo, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra QH Việt Nam đã áp dụng quy trình tổ chức bầu cử dân chủ, tiến bộ nhất, và cần tiếp tục được nghiên cứu nhân rộng trong cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sắp tới.
Với phương thức bầu cử, ứng cử tiến bộ cũng như thực hiện vận động bầu cử dân chủ và thực chất, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra QH Việt Nam đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, còn nguyên giá trị đến hôm nay.
Niềm tin mãnh liệt vào Nhân dân
Cũng theo các đại biểu dự Hội thảo, Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6.1.1946 không chỉ hợp pháp hóa, chính đáng hóa quyền lực nhà nước, mà còn là giải pháp căn bản để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột giai cấp, đảng phái tại thời điểm đó. Thử hỏi cơ chế nào, biện pháp nào tốt hơn một cuộc Tổng tuyển cử trong điều kiện “chưa bao giờ đất nước có nhiều kẻ thù đến thế” để “thu phục thù trong, giặc ngoài” mà không cần sử dụng bạo lực? Cách nào tốt hơn khi các lực lượng đối lập cũng tìm mọi cách chống phá để cuộc bầu cử không thực hiện được, thậm chí trì hoãn công nhận kết quả bầu cử sau khi cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra trong dân chủ, tự do?
Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6.1.1946 được thực hiện thành công trong điều kiện khó khăn chồng chất cũng là nhờ Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin sâu sắc vào Nhân dân, tôn trọng tự do công dân trong bầu cử. Ở thời điểm đó, không chỉ thế nước trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, khó khăn chồng chất khó khăn, trình độ dân trí quá thấp. Với 90% dân số thất học thì tâm trạng lo lắng cuộc Tổng tuyển cử sẽ không có kết quả cũng là dễ hiểu. Nhưng với niềm tin tưởng tuyệt đối vào Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh dứt khoát: Nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình! Thật vậy, với sách lược khôn khéo của Chính phủ lâm thời, mặc dù không hề mong muốn, các lực lượng đối lập đã phải công nhận kết quả bầu cử, thừa nhận Nghị viện nhân dân được hình thành từ ý chí dân tộc, ước vọng của Nhân dân. Như cách nói của nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, sự thấu hiểu sâu sắc khát vọng của dân tộc và niềm tin tuyệt đối với Nhân dân là hai nhân tố quan trọng giúp thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên cũng như dẫn đến nhiều thắng lợi quan trọng khác của cách mạng nước ta.
Từ cái thuở ban đầu Dân quốc ấy (Xuân Diệu), đến nay, QH đã trải qua chặng đường 70 năm với 13 nhiệm kỳ. Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, trong chặng đường 70 năm ấy, QH đã xây dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, không ngừng lớn mạnh và phát triển, ngày càng khẳng định vững chắc vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực hiện tốt chức năng cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tự hào với thành quả đã đạt được trong 70 năm qua, nhưng với tinh thần đổi mới không ngừng, QH cũng tự nghiêm khắc với chính mình, thẳng thắn chỉ ra hạn chế, tồn tại, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức và phương thức hoạt động của QH, bắt kịp những yêu cầu mới của đất nước, của thời đại. Đây cũng như là nguyên do để UBTVQH tổ chức một cuộc hội thảo khoa học rất có ý nghĩa: QH Việt Nam - 70 năm hình thành và phát triển, tạo diễn đàn để những người đã và đang trong cuộc, ĐBQH qua các thời kỳ, cùng các nhà khoa học trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách khách quan về những đóng góp của QH vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhìn thẳng vào những điểm còn hạn chế, thách thức đối với hoạt động của QH, nhất là trong giai đoạn mới hiện nay. Từ bài học kinh nghiệm lịch sử của 70 năm qua, đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của QH trong những nhiệm kỳ tiếp theo.
Từ dấu mốc cái thuở ban đầu tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu ra QH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam ấy, QH đã, đang và sẽ chỉ có một con đường: Lòng Dân.
Ghi chép của Phương Thủy
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân Dân