QUỐC DÂN ĐẠI HỘI - TIỀN THÂN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM - Bài 4: Kinh nghiệm quý cho Quốc hội sau này

16/12/2015 19:07

Trên giác độ về cơ quan lập pháp, Quốc dân Đại hội là một tiền Quốc hội hay Quốc hội lâm thời, đặt nền móng cơ bản cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội từ Khóa I và được hoàn thiện dần cho đến bây giờ.

QUỐC DÂN ĐẠI HỘI - TIỀN THÂN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

Bài 4: Kinh nghiệm quý cho Quốc hội sau này

          Trên giác độ về cơ quan lập pháp, Quốc dân Đại hội là một tiền Quốc hội hay Quốc hội lâm thời, đặt nền móng cơ bản cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội từ Khóa I và được hoàn thiện dần cho đến bây giờ.

          Trao đổi - hỏi đáp - chất vấn

          Như đã trình bày, có 6 báo cáo cơ bản được trình ra Đại hội, gồm báo cáo tổng thể toàn diện của đồng chí Trường Chinh, 3 báo cáo có tính chất lĩnh vực về công nhân, nông dân và văn hóa; 2 báo cáo có tính chất chuyên đề về phong trào cách mạng ở một đô thị lớn - Hà Nội và chuyên đề hướng đạo. Sau công đoạn trình các báo cáo là thảo luận. Đọc các tài liệu lịch sử, chúng ta nhận thấy, công đoạn thảo luận thực chất hàm chứa 3 tiểu công đoạn hay là 3 loại hoạt động xen kẽ nhau: trao đổi ý kiến để làm rõ tình hình; hỏi đáp để thông hiểu chủ trương mà hành động cho đúng; và chất vấn để làm rõ trách nhiệm. Sự đan xen này hoàn toàn hợp lý, vì Đại hội chưa phải Quốc hội hoàn chỉnh để tổ chức bộ máy phù hợp với các hoạt động. Vả lại, yêu cầu cấp bách (tính bằng ngày, thậm chí bằng giờ) toàn quốc nổi dậy Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền - vấn đề cơ bản của bất kỳ cuộc cách mạng xã hội nào.

          Trở lại 3 hoạt động nói trên, lấy hoạt động chất vấn làm ví dụ: Theo lời kể của đồng chí Vũ Quang (đại biểu dự Đại hội) thì đại biểu Trần Huy Liệu phát biểu tỏ ra chưa đồng tình với thái độ ứng xử mềm dẻo của ta khi quân Đồng minh tiến vào mà quân Pháp nấp bóng theo sau. Đại biểu Trần Huy Liệu nói:           “Thực dân Pháp bắt dân làm nô lệ 100 năm; nay nó muốn quay lại thì đề nghị Bác cho đánh ngay khi nó vừa đặt chân lên đất nước ta” (+). Và như đã trình bày (Bài 2, phần 3), Bác đã trả lời (giải thích) trước toàn thể Đại hội. Trong suốt thời gian chuẩn bị, Bác luôn nắm vững thời cơ nhưng đồng thời cũng luôn thấy rõ nguy cơ, nên với lý lẽ hợp lý, sắc bén của Bác, đại biểu Trần Huy Liệu đã tỏ rõ thái độ đồng tình. Tổng quát về hoạt động chất vấn, đại biểu Nguyễn Đình Thi viết: “Tôi còn nhớ anh Trần Đức Thịnh, lúc đó là xứ ủy viên phụ trách nông vận, đã nói rất hăng, nêu nhiều vấn đề gai góc. Và anh Dương Đức Hiền cũng nêu những câu hỏi thẳng thắn về mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Đảng Dân chủ Việt Nam. Bác đã trả lời cặn kẽ những câu hỏi của từng người, không sót một ai. Cho đến lúc không còn ai hỏi thêm nữa, và đều vui vẻ vì đã thông suốt các công việc, Bác chúc các đại biểu về nhanh các địa phương, giúp lãnh đạo khởi nghĩa thắng lợi”(10).

          Liên hệ với các kỳ họp Quốc hội những khóa trước đây và hiện nay thì trình tự, thủ tục cũng tương tự như thế, chỉ có khác là, bây giờ Quốc hội có bộ máy hoàn chỉnh, có thời gian đầy đủ, nên các hoạt động, công đoạn được tách bạch rõ ràng hơn.

Đình Tân Trào, nơi họp Quốc dân Đại hội từ ngày 16 - 17.8.1945                                  Ảnh: Hà Thế Đô

          Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng

          Thực ra thành công rực rỡ của Đại hội có nguồn gốc sâu xa là sự đổi mới đúng đắn, kịp thời đường lối của Đảng. Như đã nói, tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5.1941) Đảng ta đã xác định nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc. Ngay sau đó, ngày 6.6.1941 trong Kính cáo đồng bào, Bác đã viết: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi, lửa nóng”(11). Chủ trương đường lối đổi mới này nhằm khắc phục khuynh hướng đề cao quá mức, gần như tuyệt đối hóa lợi ích của giai cấp vô sản, chưa chú trọng đúng mức đến lợi ích chung của cả dân tộc trong một thời gian dài. Nhận ra điều đó, Đảng ta đã đánh giá lại đầy đủ hơn vai trò và lợi ích của các giai tầng trong xã hội, lợi ích chung của cả dân tộc. Do đó, Quốc dân Đại hội là một kết quả của việc tập hợp, thống nhất lực lượng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Rõ ràng Đảng ta đã lãnh đạo bằng chủ trương đường lối đúng đắn của mình để đi đến thắng lợi, đạt được mục tiêu của Đại hội.

          Còn trực tiếp tại Đại hội thì toàn thể đảng viên dự Đại hội đã nắm rất chắc Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng (họp từ ngày 13 - 15.8.1945). Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về nội dung Quốc dân Đại hội, trong đó có những vấn đề cực kỳ quan trọng, then chốt như quyết định Tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang trong cả nước thành giải phóng quân Việt Nam, thi hành 10 chính sách của Việt Minh... Đảng viên đã hăng hái phát biểu, các chính kiến có tính thuyết phục đã lan tỏa sang các đại biểu khác. Do đó Đại hội đã nhanh chóng thống nhất và thống nhất cao các quyết nghị của Đại hội.

          Trên giác độ về cơ quan lập pháp, Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiền Quốc hội hay một Quốc hội lâm thời đã đặt nền móng cơ bản cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội từ Khóa I và được hoàn thiện dần cho đến bây giờ, trong đó có những vấn đề là bài học rất quý:

          - Cơ cấu, thành phần dại diện cho nhân dân mang tính đại đoàn kết dân tộc ở một trình độ cao.

          - Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết về mọi mặt và sự lãnh đạo nhạy bén, sát sao của Đảng là nhân tố bảo đảm cho sự thắng lợi của Đại hội.

          - Trong ngổn ngang công việc lúc bấy giờ, việc lựa chọn những nội dung bức xúc, khẩn cấp nhất ở tầm quốc gia để trình Đại hội thể hiện trong các báo cáo là một bài học quý báu.

          - Chương trình nghị sự, quy trình, thủ tục, phương pháp điều hành, các hoạt động tại Đại hội có tính hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, bối cảnh cụ thể...

          Tất cả các vấn đề đó đều là những kinh nghiệm quý báu cho các khóa Quốc hội sau này, hiện tại và mai sau.

___________

* Nguyên Ủy viên UBTVQH, nguyên Chủ nhiệm VPQH

* Tít bài và tít xen do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

* Chú thích:

(10) Văn phòng Quốc hội: Quốc dân Đại hội Tân Trào, H 1995, tr. 43.

(11) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3 (1930 -1945), NXB CTQG, H. 2002, tr. 198.

(+) Như (10), trang 49.

TS. Bùi Ngọc Thanh*

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân Dân

(Báo Đại biểu Nhân Dân)