QUỐC DÂN ĐẠI HỘI - TIỀN THÂN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM - Bài 3: Chương trình 10 điểm - “bản Hiến pháp tạm thời”

16/12/2015 19:05

Chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng kết quả của Quốc dân Đại hội (những quyết nghị của Đại hội) đã làm nền tảng cho khởi nghĩa ở các địa phương, cho Tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành lại chính quyền và làm cơ sở cho việc xây dựng Nhà nước ngay sau khi cách mạng thành công.

QUỐC DÂN ĐẠI HỘI - TIỀN THÂN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

Bài 3: Chương trình 10 điểm - “bản Hiến pháp tạm thời”

          Chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng kết quả của Quốc dân Đại hội (những quyết nghị của Đại hội) đã làm nền tảng cho khởi nghĩa ở các địa phương, cho Tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành lại chính quyền và làm cơ sở cho việc xây dựng Nhà nước ngay sau khi cách mạng thành công.

          Cơ sở pháp lý cho hành động của Ủy ban Dân tộc giải phóng

          Như đã trình bày, Đảng ta và Bác Hồ đã tiên lượng rất sớm trình tự, bước đi của việc dựng xây một Nhà nước. Vì cách mạng chưa đến ngày thắng lợi, chưa có chính quyền nên phải có Quốc dân Đại hội làm căn cứ cho việc xây dựng chính quyền sắp tới. Quốc dân Đại hội Tân Trào có vai trò như một tiền Quốc hội hay một Quốc hội lâm thời. Với cơ cấu đại biểu đại diện cho khắp các vùng miền, cho các giới, các đoàn thể ái quốc, các tầng lớp nhân dân, nên quyết sách của Đại hội là quyết sách của nhân dân. Nói cách khác Quốc dân Đại hội Tân Trào đã tạo dựng cơ sở pháp lý cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho sự hình thành một Chính phủ lâm thời ngay sau khi cách mạng thành công. Có Quốc dân Đại hội thì mới có cơ sở cho việc ra đời một chính phủ, cũng như sau này, phải Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội, và có Quốc hội rồi mới thành lập được Nội các/Chính phủ.

          Như chúng ta đã biết, Tổng khởi nghĩa thành công vang dội. Ngày 25.8.1945, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh về Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra, được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều đáng lưu ý về Chính phủ lâm thời là, nhiều Ủy viên Việt Minh trong Chính phủ đã tự nguyện rút ra để mời thêm nhiều nhân sĩ ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ, như cụ Nguyễn Văn Tố, ông Nguyễn Mạnh Hà, Luật sư Vũ Trọng Khánh... “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân” (Hồ Chí Minh).

          Quyết nghị Chương trình 10 điểm

          Quốc dân Đại hội đã quyết nghị Chương trình 10 điểm và giao cho Ủy ban Dân tộc giải phóng thi hành:

          1 - Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

          2 - Võ trang nhân dân. Phát triển Quân giải phóng Việt Nam.

          3 - Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tùy từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo.

          4 - Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ.

          5 - Ban bố những quyền của dân, cho dân: nhân quyền; tài quyền (quyền sở hữu); dân quyền; quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.

          6 - Chia lại ruộng đất cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân.

          7 - Ban bố Luật Lao động: ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm.

          8 - Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở mang quốc gia ngân hàng.

          9 - Xây dựng nền quốc dân giáo dục, chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp, kiến thiết nền văn hóa mới.

          10 - Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ.

          Vào thời điểm lịch sử tháng 8.1945, chúng ta có thể coi Chương trình 10 điểm trên đây như một Hiến pháp tạm thời. Trừ một vài tiểu tiết nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình trong thời gian ngắn trước và sau cách mạng, còn phần lớn các điểm có sự tương ứng với các Hiến pháp trong suốt 70 năm qua. So với Hiến pháp năm 2013 - Hiến pháp hiện đại nhất, ta vẫn thấy có sự tương đồng, tương ứng:

          - Điểm 1, tương ứng với Chương I - Chế độ chính trị (thể chế Nhà nước).

          - Điểm 2, tương ứng với Chương IV - Bảo vệ Tổ quốc (trong đó có nhân tố quan trọng là các lực lượng vũ trang nhân dân).

          - Điểm 5, tương ứng với Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (cần nói thêm là, ngay từ khi ấy, vấn đề nhân quyền đã được đặt ra với tinh thần là một vấn đề cấp bách của thời cuộc).

          - Các điểm 4, 6, 7, 8, 9, tương ứng với Chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (cũng ngay từ bấy giờ các vấn đề phổ cập giáo dục sơ cấp; bảo hiểm xã hội, đặt lương tối thiểu, cứu tế nạn dân, ban bố Luật Lao động - những trụ cột chính của An sinh xã hội; nam nữ bình quyền đã được đặt thành nhiệm vụ của cách mạng mà đến bây giờ vẫn còn phải tiếp tục và còn tiếp tục lâu dài).

          - Điểm 10, tương ứng với Đường lối đối ngoại ở Điều 12 (thuộc chế độ chính trị) của Hiến pháp năm 2013.

          Với “Hiến pháp tạm thời” này, Ủy ban Dân tộc giải phóng (Chính phủ lâm thời) có đầy đủ cơ sở pháp lý để hành động, điều hành công việc.

_______________

* Nguyên Ủy viên UBTVQH, nguyên Chủ nhiệm VPQH

* Tít bài và tít xen do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

TS. Bùi Ngọc Thanh*

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân Dân

(Báo Đại biểu Nhân Dân)