QUỐC DÂN ĐẠI HỘI - TIỀN THÂN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM - Bài 2: Sôi sục không khí Tổng khởi nghĩa

16/12/2015 19:03

Dù khó khăn và thời gian gấp gáp nhưng sự chuẩn bị cho Quốc dân Đại hội vẫn chu đáo. Đại hội đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết giành chính quyền toàn quốc và sẽ thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh. Theo đề nghị của Tổng bộ Việt Minh, Đại hội cũng đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng, coi như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam…

QUỐC DÂN ĐẠI HỘI - TIỀN THÂN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

Bài 2: Sôi sục không khí Tổng khởi nghĩa

          Dù khó khăn và thời gian gấp gáp nhưng sự chuẩn bị cho Quốc dân Đại hội vẫn chu đáo. Đại hội đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết giành chính quyền toàn quốc và sẽ thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh. Theo đề nghị của Tổng bộ Việt Minh, Đại hội cũng đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng, coi như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam…

          Đủ thành phần, vùng miền

          “Ngày 16.8.1945 trong không khí hết sức khẩn trương, hào hùng, Quốc dân đại hội đã khai mạc tại đình Tân Trào. Đại hội có hơn 60 đại biểu. Có đủ đại biểu khắp Bắc, Trung, Nam, đại biểu Việt kiều ở Thái Lan, Lào, đại biểu các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị. Các đại biểu đã phải vượt qua bao chặng đường vất vả gian nguy để đến được Tân Trào”(6). Khi đất nước chưa có chính quyền thì mọi công việc đều do Đảng chỉ đạo, điều hành. Cơ cấu đại biểu, Đảng ta đã thực hiện đúng chủ trương “phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta”.

          Theo cơ cấu vùng miền thì Nam Bộ có Ung Văn Khiêm...; Trung Bộ có Hoàng Hữu Nam, Phạm Ngọc Thạch...; cơ cấu theo đoàn thể có Vũ Quang (Thanh niên cứu quốc), Thanh Thúy, Nguyễn Thị Như (Phụ nữ cứu quốc), Văn Tân (Công nhân cứu quốc)...; cơ cấu dân tộc ít người có Chu Văn Tấn...; đại diện cho nông dân có Trần Đức Thịnh...; cơ cấu theo đảng phái chính trị thì đảng Dân chủ có nhiều đại biểu, dẫn đầu là Dương Đức Hiền...; cơ cấu trí thức có Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi... Nói tóm lại là đại biểu vùng miền, trí thức, công, nông, thanh, phụ, dân tộc đều có cả. Trong điều kiện giao thông liên lạc khó khăn, đi lại qua các vùng địch kiểm soát gắt gao, hết sức phức tạp và nguy hiểm mà cơ cấu thực tế của Đại hội đạt được như vậy là khá tiêu biểu và rất tốt đẹp.

          Chuẩn bị chu đáo

          Trong những ngày Đại hội, đình Tân Trào được trang hoàng đẹp hẳn lên, xung quanh đình được căng vải đỏ. Cờ đỏ sao vàng được treo ở chính giữa, Đại hội làm việc ở gian bên trái (nhìn từ trong đình ra). Gian giữa triển lãm sách báo cách mạng như báo Việt Nam mới, Cờ giải phóng... và trưng bày một số loại vũ khí ta thu được của địch. Gian bên phải là nơi giải lao, trà nước cho đại biểu. Phía trong bên trên kê một chiếc bàn dài, đó là bàn Chủ tịch đoàn. Phía dưới là các hàng ghế đại biểu được ghép bằng thân cây tre mai thẳng. Dù khó khăn và thời gian gấp gáp nhưng sự chuẩn bị vẫn chu đáo.

          Chủ tịch đoàn gồm các đồng chí Hồ Chí Minh (dù còn rất mệt nhưng Bác vẫn dành cho Đại hội thời gian quý báu), Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng. Thư ký đoàn là các đồng chí Cù Huy Cận và Khuất Duy Tiến.

          Đại hội đã lần lượt nghe các báo cáo:

          - Đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh báo cáo về tình hình thế giới và trong nước, trong đó nói rõ quân Đồng minh đang thắng lớn trên các mặt trận và ngày thất bại hoàn toàn của phát xít Đức - Ý - Nhật đã đến. Nhật đầu hàng quân Đồng minh; thời cơ cả nước khởi nghĩa đã điểm. Báo cáo nêu rõ yêu cầu cấp bách phải bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng để sau khi giành được chính quyền sẽ trở thành Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

          - Đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo về phong trào công nhân.

          - Đồng chí Trần Đức Thịnh báo cáo về tình hình nông dân.

          - Đồng chí Nguyễn Đình Thi báo cáo về “Một nền văn hóa mới”.

          - Đồng chí Vũ Oanh báo cáo về phong trào cách mạng sôi nổi ở Hà Nội.

          - Đồng chí Hoàng Đạo Thúy báo cáo về phong trào hướng đạo.

          Nghị quyết giành chính quyền toàn quốc

          Sau khi nghe hết các báo cáo, Đại hội đi vào thảo luận. Các đại biểu Bắc, Trung, Nam đều lần lượt phát biểu, ý kiến rất sôi nổi. Tất cả đều nhất trí cao với chủ trương khởi nghĩa trong cả nước để giành chính quyền. Một vài ý kiến trao đi, đổi lại về thái độ của chúng ta khi quân Đồng minh tiến vào giải giáp quân đội phát xít Nhật. Đồng chí Hồ Chí Minh phân tích kỹ để các đại biểu hiểu rõ: Ta phải trên tư thế là người làm chủ và đón tiếp quân Đồng minh với thái độ chủ nhân đất nước. Phải cảnh giác đề phòng thực dân Pháp có thể nấp sau quân Đồng minh xâm nhập vào nước ta để hy vọng đặt nhân dân ta dưới ách nô lệ một lần nữa. Nhưng chúng ta phải thật bình tĩnh để không mắc vào âm mưu khiêu khích của Pháp và bọn phản động.

          Đại hội đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết giành chính quyền toàn quốc và sẽ thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh. Theo đề nghị của Tổng bộ Việt Minh, Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng (coi như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam). Ủy ban do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Phó chủ tịch là đồng chí Trần Huy Liệu và Ủy viên là các đồng chí: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Lê Văn Hiến, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực Ủy ban là các đồng chí: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng và Dương Đức Hiền(7). Ủy ban Dân tộc giải phóng thay mặt quốc dân giao thiệp với các nước trên thế giới và chủ trì xử lý mọi công việc trong nước.

          Sáng 17.8.1945, Ủy ban Dân tộc giải phóng ra mắt Quốc dân Đại hội và làm lễ tuyên thệ. Hôm đó đường sá lầy lội vì đêm trước mưa to. Bác phải đi chân đất từ lán Nà Lừa đến đình Tân Trào. Gần tới đình, Bác xuống suối rửa chân rồi mới vào đình. Bác đứng giữa, các thành viên của Ủy ban đứng hai bên. Trong không khí trang trọng, Bác đọc lời tuyên thệ: Chúng tôi là những người được Quốc dân dại biểu bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước(8).

          Đại hội bế mạc trong không khí sôi sục Tổng khởi nghĩa (Lệnh khởi nghĩa đã được truyền đi từ hôm 13.8.1945). Các đại biểu phải khẩn trương trở về địa phương lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền theo ba nguyên tắc: Tập trung, Thống nhất và Kịp thời. Thời gian rất cấp bách, phải hành động cho kịp thời cơ.

__________________

* Nguyên Ủy viên UBTVQH, nguyên Chủ nhiệm VPQH

* Tít bài và tít xen do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

* Chú thích:

(6) Di tích lịch sử Tuyên Quang, NXB Văn hóa dân tộc, H. 2004, tr.51.

(7), (8) Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946 -1960), NXB CTQG, H. 1994, tr. 21, 22.

TS. Bùi Ngọc Thanh*

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân Dân

(Báo Đại biểu Nhân Dân)