QUỐC DÂN ĐẠI HỘI - TIỀN THÂN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM - Bài 1: Hai sự kiện quan trọng trước Quốc dân Đại hội

16/12/2015 19:02

Nói đến Quốc dân Đại hội Tân Trào thì trong muôn vàn sự kiện lịch sử quan trọng, không thể không nói trước hai sự kiện có ý nghĩa cực kỳ lớn lao.

QUỐC DÂN ĐẠI HỘI - TIỀN THÂN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

Bài 1: Hai sự kiện quan trọng trước Quốc dân Đại hội

          Nói đến Quốc dân Đại hội Tân Trào thì trong muôn vàn sự kiện lịch sử quan trọng, không thể không nói trước hai sự kiện có ý nghĩa cực kỳ lớn lao.

          Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu

          Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (Khóa I) diễn ra tháng 5.1941 do Bác Hồ chủ trì. Hội nghị này đã đánh dấu sự chuyển biến lớn, có tính chất cơ bản về đường lối cách mạng của Đảng ta, đó là đưa vấn đề giải phóng dân tộc lên nhiệm vụ hàng đầu. Nghị quyết của Hội nghị chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn dề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc”(1).

          Theo nội dung Nghị quyết của Hội nghị thì phải lập ra Mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi, mà tên gọi là Mặt trận Việt Minh; phải chuẩn bị lực lượng vũ trang khởi nghĩa; khởi nghĩa từng phần, tiến lên Tổng khởi nghĩa. Nghị quyết đã quyết định: “... sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung của toàn dân tộc...”(2). Như vậy, từ sau Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng là đánh đuổi Pháp - Nhật, lập nên một nước Việt Nam, một Nhà nước dân chủ kiểu mới.

          Đến tháng 10.1944, Đảng ta khẳng định lại một lần nữa, đoàn kết dân tộc trong một tổ chức thống nhất và nhất tề hành động là yêu cầu cấp bách của cách mạng. Trong thư gửi đồng bào toàn quốc, Bác đã chỉ ra rằng: “... chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”(3).

Bản Yêu sách của nhân dân An Nam

          Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền

          Tư tưởng Nhà nước pháp quyền của Bác Hồ đã được hình thành ngay từ những năm đầu Bác đi tìm đường cứu nước. Ngày 18.6.1919, tại Paris, Nguyễn Ái Quốc đã gửi Tổng thống Mỹ và trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Versailles một giác thư kèm theo bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Trong bản yêu sách mà Nguyễn Ái Quốc nói là những yêu sách khiêm tốn gồm 8 điểm thì có 2 điểm (2 và 7) nói về pháp luật.

          “2. Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách cho người bản xứ được quyền hưởng những đảm bảo về pháp luật như người châu Âu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt đang làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;...

          7. Thay các chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật...”(4).

          Đến năm 1921 khi chuyển Yêu sách của nhân dân An Nam từ văn xuôi sang văn vần cho dễ nhớ với tựa đề Việt Nam yêu cầu ca, Nguyễn Ái Quốc viết:

Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng,
     Những tòa đặc biệt bất công,
Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành...
     Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền...(5)

          Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được, mặc dù ngày thắng lợi của cách mạng còn xa xôi nhưng từ năm 1919 trong tư duy của Bác đã hình thành một luận điểm cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước khi cách mạng thành công. Đó là việc điều hành hoạt động của một xã hội, của một đất nước phải bằng Hiến pháp, pháp luật. Thần linh pháp quyền - ngôn ngữ những năm 20 của thế kỷ XX nhưng rất đúng với tinh thần “Nhà nước pháp quyền” sau này. Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền thường trực trong tâm trí Bác trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng. Bác hiểu thấu đáo trình tự, thủ tục việc thành lập một nhà nước. Trước tiên phải có cơ quan đại diện cho nhân dân, đó là Quốc hội/Nghị viện (như đã nói ở cuối Điểm 1); từ đó mới thành lập được Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan tư pháp.

          Hai sự kiện trên cho thấy, ngay từ khi chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, Đảng và Bác đã xác định đúng đắn việc xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền nhân dân. Đó là khi cách mạng thành công thì nước ta phải là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, có Quốc dân Đại hội thì mới có cơ sở pháp lý để thành lập Chính phủ. Trong khi cách mạng còn ở giai đoạn chuẩn bị, việc sớm nhìn nhận ra vấn đề lớn lao của đất nước sau này, đó là trí tuệ tuyệt vời của Đảng, là sự sáng suốt, anh minh của Bác.

________________

* Nguyên Ủy viên UBTVQH, nguyên Chủ nhiệm VPQH

* Tít bài và tít xen do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

* Chú thích:

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7 (1940 -1945), NXB CTQG, H. 2000, tr.113.

(2) Sách đã dẫn (SĐD), tr. 114.

(3) SĐD, tr. 352 - 353.

(4), (5) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1 (1919 - 1924), NXB CTQG, H.1995, tr. 435 - 439.

TS. Bùi Ngọc Thanh*

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân Dân

(Báo Đại biểu Nhân Dân)