Cuộc thử thách máu lửa
Cuộc gặp mặt tại TP Hồ Chí Minh năm 1989, do Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tổ chức, đã vinh dự được đón tiếp bà Ngô Thị Huệ cùng các đại biểu Quốc hội Khóa I. Tại cuộc gặp mặt này, đầy xúc động, bà Ngô Thị Huệ đã kể lại những gì diễn ra trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 - cuộc thử thách máu lửa đối với nhân dân ta.
Trong Quốc hội Khóa I có 10 nữ đại biểu. Đó là: Bùi Thị Diệm, Ngô Thị Huệ, Vũ Thị Khôi, Cao Thị Khương, Trịnh Thị Miếng, Trương Thị Mỹ, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Thục Viên và Lê Thị Xuyến. Đến nay duy nhất một người còn sống là bà Ngô Thị Huệ - người bạn đời, người đồng chí của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Bà sinh năm 1918, năm nay 97 tuổi. Đấy là một con người kỳ diệu.
|
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Đó thực sự là một cuộc thử thách máu lửa đối với nhân dân ta. Ở các tỉnh miền tây Nam Bộ, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra dưới đạn bom rất ác liệt của quân thù. Đi bỏ phiếu bầu Quốc hội lúc đó là thể hiện ý chí độc lập thống nhất, kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, bảo vệ tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Nhân dân miền Nam đã thể hiện ý chí độc lập, thống nhất cao, bất chấp bom đạn của thực dân Pháp, mọi người vẫn đi bỏ phiếu rất đông, đạt trên 90%. Chiến sĩ bỏ phiếu ở ngay trận tuyến, người bị thương bỏ phiếu ở ngay bệnh viện. Nhiều nơi, cử tri phải đánh đổi cả xương máu để thực hiện cho được quyền tự do, dân chủ của mình.
Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân khắp cả nước vùng lên giành chính quyền. Bà Ngô Thị Huệ thoát khỏi nhà tù trở lại quê hương hoạt động. Trong hoàn cảnh ấy, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc, bà đã giành được lá phiếu từ những bà mẹ buôn gánh bán bưng, những nữ dân quân... Nhớ về những người mẹ nghèo khổ tự tay bỏ lá phiếu cho mình, bà nói:
- Tôi nhớ mãi hình ảnh của những bà mẹ buôn gánh bán bưng ngoài chợ đã viết tên tôi trên tấm lá chuối hay giấy gói hàng chuyển cho người khác. Những bà mẹ cổ động mọi người bỏ phiếu cho tôi bằng những dòng chữ nguệch ngoạc. Làm sao tôi có thể quên đến giờ, dầu đã hơn 90 tuổi...
Ngay ở Bạc Liêu, nơi bà Huệ ứng cử, tiếng súng kháng chiến đã nổ ra dưới nhiều hình thức: diệt tề trừ gian, tập kích, đốt phá kho tàng của giặc... Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở đây diễn ra trong sự lùng ráp, khủng bố gắt gao của quân thù. Máy bay địch rà theo kênh rạch bắn phá suốt ngày, nhưng cán bộ ta vẫn chèo ghe, xuồng, đánh trống, chở hòm phiếu len lỏi vào các kênh mương, rạch nhỏ nơi đồng bào tản cư để cử tri bỏ phiếu.
Bà Ngô Thị Huệ đã trở thành 1 trong 3 nữ đại biểu đại diện cho miền Nam trong Quốc hội.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một chiến công huy hoàng. Nó càng có ý nghĩa bởi thời khắc nhân dân ta vừa thoát khỏi kiếp nô lệ của cả nghìn năm phong kiến và gần trăm năm thuộc địa, đế quốc Pháp lại đang gây chiến hòng cướp nước ta, đô hộ dân ta một lần nữa.
Bà Ngô Thị Huệ (hàng sau, thứ hai, từ trái) Ảnh: TL của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
- Tôi hy vọng các đại biểu Quốc hội Khóa XIII cố gắng phản ánh được nguyện vọng của dân, làm sao cuộc sống người dân luôn yên bình. Tôi cũng mong các đại biểu phải gần dân hơn, nghe dân và nói tiếng nói của dân. Các đại biểu phải chống tiêu cực, đưa đất nước đi lên. Đặc biệt, hứa thì phải làm, dẫu có mất chức đi nữa thì cũng phải làm cho đến nơi, đến chốn. Nếu hứa mà không làm thì quần chúng sẽ mất lòng tin. Trong buổi gặp mặt năm 1989 ấy, với thâm niên làm đại biểu Quốc hội 29 năm, từ Khóa I đến Khóa IV, bà Ngô Thị Huệ tỏ ra vui mừng về những đổi mới bước đầu của Quốc hội. Bà cho rằng, vào năm 1988, Quốc hội đã giới thiệu 2 ứng cử viên để tranh cử chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là điều rất mới mẻ, được nhân dân đồng tình. Hiếm có người như bà Ngô Thị Huệ, đại biểu Quốc hội từ Khóa I - khóa Quốc hội đầu tiên của Nhà nước giành được độc lập - đến Khóa IV, khóa Quốc hội sau 20 năm kháng chiến, đánh đuổi hai đế quốc, mà nay vẫn say sưa với công việc của Quốc hội. Ngày 22.5.2011, bà Ngô Thị Huệ là cử tri có “thâm niên” suốt 13 khóa Quốc hội Việt Nam đi bỏ phiếu tại phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Trả lời phỏng vấn, như thời trẻ khi đến với cách mạng, nay trong bà vẫn đau đáu những vấn đề vì nước, vì dân. Bà nói:
Vũ Mão
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân Dân