Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội Việt Nam
Bài 3: Chấn chỉnh lề lối làm việc
Lề lối làm việc khoa học, giấy tờ gọn nhẹ và hợp lý là yêu cầu được Bác đặt ra ngay từ khi Nhà nước ta còn non trẻ. Bác đã phê bình rất thẳng thắn nạn giấy tờ, tình trạng làm việc luộm thuộm, thiếu tính khoa học ở nhiều cơ quan nhà nước. Bác nói, “Từ các Bộ ở trung ương đến cơ quan các xã, nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều. Như: Bộ Nội vụ: một bản thông tư (biên chế) dài 26 trang; một biên bản (hội nghị củng cố xã) dài hơn 100 trang; v.v...
Bộ Tài chính: riêng Vụ ngân sách, một tháng đòi hỏi hơn 10 báo cáo, có báo cáo hơn 10 trang; bản thống kê dài 53 cột; ...
Bộ Canh nông: là một Bộ có quan hệ nhiều nhất với nông dân, cho nên chúng tôi có nhiều thí dụ hơn:
- Giấy tờ quá nhiều, quá dài: Bộ đã gửi công văn (về việc mở trường chuyên nghiệp) cho 38 cơ quan, trong đó có nhiều cơ quan không cần nhận công văn ấy. Một biên bản (tổng kết vụ chiêm năm 1953) kèm thêm tài liệu phụ lục dài 120 trang. Một cơ quan canh nông địa phương đòi hỏi ở xã cung cấp một thống kê dài 153 cột.
- Quá chậm trễ: Chỉ thị của Bộ về việc giữ gìn cho trâu bò khỏi rét: mùa rét đã lâu rồi, chỉ thị mới đến. Bộ viết giấy xin giống nấm, Thứ trưởng ký lâu rồi, sau một tháng giấy vẫn còn nằm ở Văn phòng của Bộ...
- Cách làm luộm thuộm: như chương trình sản xuất, đánh máy luộm thuộm, đến nỗi QH xem không được, phải gửi trả lại...”(1).
Qua một vài sự kiện lịch sử, có lẽ tất cả chúng ta đều có chung cảm nhận sự việc như đang diễn ra ngay lúc này. Hầu như Bác biết chi tiết, tường tận, thấu đáo cung cách điều hành, xử lý công việc ở từng cơ quan trong bộ máy Chính phủ; trong khi lãnh đạo các cơ quan đó không chắc có biết tình trạng công việc của cơ quan mình.
Bây giờ sửa đổi lề lối làm việc, chống nạn giấy tờ thuộc lĩnh vực cải cách hành chính đang được toàn xã hội quan tâm. Mặc dù Chính phủ đã quyết định loại bỏ hàng trăm loại giấy tờ không cần thiết nhưng ở nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, bà con, cô bác vẫn phản ánh khá nhiều tình trạng giấy tờ rườm rà và phiền toái như, thủ tục đăng ký thi cử; thủ tục vay các loại vốn sản xuất - kinh doanh; thủ tục sang nhượng, mua bán quyền sử dụng đất; thủ tục để được cấp “bìa đỏ”; thủ tục chuyển, nhập hộ khẩu... Điều đáng quan tâm là, nhiều giấy tờ nhưng lại không mấy chặt chẽ. Từ năm 1998, Chính phủ đã coi cải cách hành chính là khâu đột phá và cải cách thủ tục là khâu đột phá đầu tiên, song tới nay kết quả mới chỉ là bước khởi đầu. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của cải cách hành chính nói chung, giảm bớt giấy tờ nói riêng, các ĐBQH, đặc biệt đại biểu là lãnh đạo các cơ quan nhà nước phải triệt để thực hiện biện pháp Bác đã chỉ đạo, “... phải rút bớt thời giờ viết công văn, thêm nhiều thời giờ công tác thực tế”(2). Người lãnh đạo nói riêng, cán bộ trong bộ máy công quyền nói chung phải sống cuộc sống của dân, phải bức xúc những điều bức xúc của dân, phải trăn trở những điều mà nhân dân trăn trở để rồi xử lý công việc đúng với tính chất là công bộc của dân.
_______________
* Nguyên Ủy viên UBTVQH, nguyên Chủ nhiệm VPQH.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, T. 7, tr. 263.
(2) Như (1), tr. 264.
TS. Bùi Ngọc Thanh *
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân Dân