![](/content/tintuc/PublishingImages/Thang%2010-2015/Phien%20Hop%2042-UBTVQH/hung-be%20mac.jpg)
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp thứ 42 của UBTVQH Ảnh: Đình Nam
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sau 5 ngày làm việc rất tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao, phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn và quan trọng, rà soát lại một cách tổng thể những vấn đề chủ yếu trình ra Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Đánh giá kỳ họp thứ 10 là một kỳ họp hết sức nặng nề, khối lượng công việc lớn và nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh, chuẩn bị tốt nhất các nội dung để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 sẽ khai mạc vào tuần tới.
Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020.
Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất với đánh giá sơ bộ của Chính phủ về kết quả đạt được của 16 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015 và cho rằng, trong thời gian qua, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, xác lập khung pháp lý, tạo căn cứ cho quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ tán thành việc tổ chức lại Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020 theo hướng thu gọn đầu mối, chỉ để lại 2 Chương trình là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho 2 chương trình này trong giai đoạn 2016- 2020 là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết của Đảng và định hướng phát triển kinh tế- xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia cần tập trung vào những tỉnh vùng sâu, vùng xa. Các tỉnh với mức độ khó khăn khác nhau cần phân bổ mức độ hỗ trợ khác nhau, cần tập trung nguồn lực vào những tỉnh chờ cấp ngân sách lớn.
Về các mục tiêu cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, mục tiêu, quy mô, phạm vi đầu tư của 2 Chương trình theo dự kiến của Chính phủ là quá rộng, bao hàm hầu hết các lĩnh vực. Như vậy là không đảm bảo cân đối nguồn lực, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp, chồng chéo. Do đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, thu hẹp phạm vi đầu tư; cân nhắc, loại bỏ các hạng mục đầu tư chưa rõ tính cấp thiết.
![](/content/tintuc/PublishingImages/Thang%2010-2015/Phien%20Hop%2042-UBTVQH/ngan%20-%20chieu16.jpg)
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.
Về phương thức phân bổ, quản lý nguồn lực, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc, thay đổi phương thức phân bổ nguồn lực theo hướng phân bổ tổng mức đầu tư cho địa phương và giao quyền chủ động cho địa phương trong việc phân bổ, bố trí vốn cho từng hạng mục, từng dự án thành phần, đảm bảo phù hợp với định hướng, nhu cầu đầu tư của từng địa phương.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thu gọn Chương trình mục tiêu quốc gia không có nghĩa là thay đổi mục tiêu, tuy nhiên, cần xem xét thứ tự mục tiêu, tùy theo nguồn lực để thực hiện. Phó chủ tịch đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu ý kiến báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách để hoàn chỉnh chủ trương trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.
Cũng trong chương trình làm việc chiều 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Hội đồng bầu cử quốc gia và ngày bẩu cử toàn quốc đối với bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.