Khai mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

12/10/2015 17:43

Sáng 12/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 42 với nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sắp diễn ra. Theo Chương trình làm việc, Phiên họp thứ 42 sẽ diễn ra từ 12- 16/10.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 42 của UBTVQH                  Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của Phiên họp thứ 42 nhằm rà soát lại và hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, mặc dù diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng Phiên họp 42 có khối lượng công việc rất lớn, bên cạnh xem xét, cho ý kiến vào 9 dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác như: các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020; đồng thời cho ý kiến về đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Hội đồng bầu cử quốc gia và Ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…

Với mức độ quan trọng đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung xem xét, cho ý kiến vào các nội dung của Phiên họp lần này, bảo đảm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII tới.

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Theo Báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 của Chính phủ, nước ta đã ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những biến động kinh tế, chính trị khó lường của thế giới trong năm 2015 và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa đạt khá so với cùng kỳ. Niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, số doanh nghiệp được thành lập mới và số vốn đăng ký tăng cao.

Cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, nhất là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến môi trường kinh doanh được quan tâm chỉ đạo. Lĩnh vực an sinh và phúc lợi xã hội được triển khai thực hiện tốt, đời sống nhân dân được cải thiện. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao được quan tâm.

Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả. Nhiều hiệp định thương mại tự do được đàm phán, ký kết; vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho biết rằng, cùng với những kết quả đạt được thì tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như chưa có nhiều giải pháp cụ thể, có hiệu quả để khắc phục các mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển biến chậm; nợ công và áp lực trả nợ công, nợ nước ngoài ngày càng tăng; an ninh trật tự ở một số khu vực nông thôn còn nhiều bất ổn; kết quả giảm nghèo chưa ổn định, nguy cơ tái nghèo cao…

Về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, Báo cáo của Chính phủ đưa ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.

Báo cáo cũng đề ra một số dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016 như: GDP tăng khoảng 6,7% so với năm 2015; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 5%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt 76%..v.v..

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được về kinh tế- xã hội trong năm 2015 và những định hướng thực hiện trong năm 2016 của Chính phủ, tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2014. Nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn, xuất siêu khoảng 10 tỷ USD nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng “được mùa- mất giá”, khó khăn tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người sản xuất, nhất là nông dân.

Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét, chưa có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân; nếu không thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước thì cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp.

Kiểm soát chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động; cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách nhà nước là 5% không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).

Việc thực hiện một số chính sách mới như gói giải pháp hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp 30.000 tỷ đồng đã có chuyển biến nhưng dư nợ cho vay vẫn rất thấp. Tình hình trật tự an toàn xã hội còn một số tồn tại, một số lễ hội thiếu lành mạnh, kém văn minh gây phản cảm, một số vụ án hình sự nghiêm trọng, một số vụ thảm sát nhiều người gây lo lắng trong nhân dân.

Đối với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, Báo cáo thẩm tra cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá thêm các mặt thuận lợi, thời cơ mới, thách thức mới, nhất là sau các chuyến thăm và làm việc rất thành công của các đồng chí lãnh đạo cao nhất nước ta tại một số nước có nền kinh tế lớn gần đây và sự kiện kết thúc đàm phán TPP. Đồng thời, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 phải bám sát Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm  (2011- 2020) và dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nước ta sẽ thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiếp tục những mục tiêu đang được triển khai “ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

+ Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lắng nghe và cho ý kiến đối với Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; báo cáo về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020.

+ Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến về những nội dung trên; xem xét, cho ý kiến về Luật đấu giá tài sản.

Quang Minh- Mai Trang