Đưa hoạt động Kiểm toán Nhà nước đi vào chiều sâu

21/09/2015 19:57

Chiều 21/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước. Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao hoạt động kiểm toán trong năm 2015 đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cho hoạt động trong năm 2016. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận                                         Ảnh: Đình Nam

Trình bày Kế hoạch kiểm toán năm 2016, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Kế hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 2016- 2020, là năm diễn ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cả nước để tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Đối với cơ quan Kiểm toán Nhà nước, năm 2016 là năm đầu tiên Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, toàn ngành tập trung tổ chức triển khai, tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực mọi mặt để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Do đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán 175 đầu mối, gồm: Kiểm toán ngân sách năm 2015 của 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 02 thành phố trực thuộc tỉnh; 16 bộ, cơ quan trung ương; 13 chuyên đề, trong đó 02 chuyên đề do nhiều đơn vị trong ngành cùng tham gia kiểm toán; 04 cuộc kiểm toán hoạt động; 41 chương trình, dự án; 31 doanh nghiệp và tổ chức tài chính- ngân hàng; 20 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khối cơ quan Đảng và Kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn: Năm 2016, KTNN sẽ tập trung kiểm toán 175 đầu mối    Ảnh: Đình Nam

Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển loại hình kiểm toán hoạt động, Kiểm toán Nhà nước dự kiến: Lựa chọn 13 quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh để tổ chức cho 13 Kiểm toán Nhà nước khu vực triển khai kiểm toán hoạt động đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2015 của các đơn vị này; đẩy mạnh kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm toán chuyên đề năm 2016 để tăng cường đánh giá tính kinh tế, hiệu quả việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; tính hiệu lực trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với các chương trình, dự án và chủ đề được lựa chọn kiểm toán.

Đánh giá cao kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2015, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng lên; kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động từng bước được mở rộng, chất lượng, hiệu quả kiểm toán được nâng cao, đi đúng trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi về quản lý kinh tế nói chung và quản lý tài chính- ngân sách nói riêng.

Về Kế hoạch kiểm toán năm 2016, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí với việc lựa chọn các đối tượng trong dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời đề nghị chú ý thêm một số nội dung như: tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán, không giảm so với kế hoạch năm 2015; Tăng cường kiểm toán các khoản chi sự nghiệp kinh tế của các Bộ, ngành, địa phương; Cân nhắc đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2016 một số tổ chức chính trị xã hội, một số hội có sử dụng ngân sách nhà nước để đánh giá về tính hiệu quả trong quá trình hoạt động của các tổ chức hiện nay trong bối cảnh các tổ chức này ngày càng mở rộng hơn về số lượng; Cân nhắc bổ sung lựa chọn kiểm toán một số Quỹ tài chính nhà nước có sự đóng góp lớn từ nguồn ngân sách, có liên quan đến nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm....

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện Kế hoạch Kiểm toán năm 2016.

Đánh giá cao hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua, tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, cho rằng, hiệu lực và giá trị một số kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước còn chưa cao, điều này dẫn đến việc một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn chưa chấp hành. Do đó, Phó chủ nhiêm Lê Thị Nga đề nghị trong kế hoạch hoạt động sắp tới, Kiểm toán Nhà nước cần nêu tên cụ thể, đích danh những địa phương, cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thị Nga cũng đề xuất cần kiểm toán các nguồn vốn ODA; đề nghị thực hiện chuyên đề kiểm toán đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng chống tội phạm nhằm đánh giá hiệu quả ngân sách hoạt động đối với công tác này.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, ngành kiểm toán cần giảm bớt số lượng Đoàn kiểm tra, thay vào đó tập trung nâng cao chất lượng của các Đoàn kiểm tra này. Kiểm toán Nhà nước cân nhắc, xem xét lại kế hoạch, công tác thực hiện kiểm toán năm 2016 cho phù hợp nhằm khắc phục hạn chế trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, năm 2016 là năm đặc biệt quan trọng trong đó có việc Quốc hội sẽ kết thúc nhiệm kỳ khóa XIII và bắt đầu khóa XIV, do đó Kiểm toán Nhà nước cần tập trung rà soát, đánh giá, kiểm toán lại các kế hoạch, chương trình trong 5 năm qua (2011-2015); đánh giá, kiểm toán những vấn đề mà Quốc hội đã quyết định.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động KTNN bởi đây là căn cứ quan trọng để đại biểu Quốc hội đưa ra những nhận định, đánh giá cho các vấn đề quan trọng của đất nước. Do đó, Kiểm toán Nhà nước cần khắc phục những hạn chế, nhằm đưa hoạt động kiểm toán đi vào chiều sâu, giảm bớt chiều rộng.

Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, từ đó rà soát, bổ sung vào Kế hoạch kiểm toán năm 2016 trước khi trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Quang Minh