Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, qua 10 năm thực hiện, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật và đáp ứng các yêu cầu của quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế, Luật hiện hành đã bộ lộ một số hạn chế, vướng mắc cần sửa đổi bổ sung.
Việc sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại. Bổ sung quy định nhằm đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các cam kết quốc tế, đảm bảo phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết; đưa các quy định về các biện pháp phòng vệ về thuế vào dự thảo Luật để bảo đảm giá trị pháp lý của các quy định này, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Sửa đổi, bổ sung Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật với các văn bản có liên quan đã được ban hành mới hoặc sửa đổi như Hiến pháp năm 2013, Luật đầu tư, Luật quản lý thuế, Luật hải quan…; đồng thời, khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thời gian qua, nhất là đối với các quy định về: đối tượng không chịu thuế; khung thuế suất; mức thuế suất; thời hạn nộp thuế và địa bàn, lĩnh vực cần được khuyến khích phát triển trên cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi như miễn thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong việc tăng cường và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Thảo luận tại Phiên họp, nhiều ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, ngoài việc đánh giá tác động tăng, giảm thu ngân sách nhà nước trong việc sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thì cần bổ sung đánh giá một cách tổng thể của chính sách thuế xuất, nhập khẩu tác động như thế nào đến các ngành, lĩnh vực đặc biệt là nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cần sửa đổi bổ sung dự án Luật sao cho có thể hỗ trợ được nông, lâm, ngư nghiệp, thủy hải sản; Tìm những biện pháp hỗ trợ cả doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp về nông thôn, giúp ngành nông nghiệp phát triển tốt, bền vững hơn. Cùng với đó là việc sửa đổi thuế để có thể trợ giúp tốt hơn cho ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ trong nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá sâu sắc hơn tác động của luật thuế này tới đời sống xã hội. Bởi vì, giảm thuế để các mặt hàng nhập khẩu vào tự do hơn thì người dân sẽ được hưởng lợi, nhưng ngược lại đối với một số ngành như chăn nuôi sẽ phải đối mặt với những khó khăn, nhất là những ngành chăn nuôi nhỏ lẻ, rộng hơn là nông nghiệp sẽ đối mặt với những khó khăn trong 10 năm tới. Vì vậy, Chính phủ nên chuẩn bị những giải pháp cho ngành nông nghiệp để đối mặt với mức độ hội nhập cao đối với thuế xuất nhập khẩu như thế này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp
Nhấn mạnh quy định về thuế phải cụ thể chứ không thể mơ hồ, định tính, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đặt câu hỏi, việc thay đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tác động thế nào đến nông nghiệp, công nghiệp của đất nước, liệu sự thay đổi có góp phần tích cực thúc đẩy hai ngành này phát triển tốt, hiệu quả nhất trong điều kiện hội nhập của đất nước hiện nay hay không.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trong dự thảo Luật chưa thể hiện được các quan điểm cũng như mục tiêu về vấn đề này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại dự thảo để có thể quy định cụ thể được tất cả các điều, nội dung đưa ra, vì trong luật còn một số quy định chung chung, có tính chất định hướng sẽ rất khó thực hiện, triển khai trong thực tế.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu cho rằng để bảo đảm tính khả thi, dự án Luật cần được rà soát bổ sung một số quy định để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; làm rõ các khái niệm về lượng hóa bán phá giá, mức trợ cấp đến mức nào thì sẽ áp dụng các biện pháp về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ; nguyên tắc áp dụng mức thuế, thời gian được áp dụng thuế chống bán phá giá, trợ cấp, thuế tự vệ tạm thời; thời gian áp dụng thuế chống phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ chính thức; xử lý các trường hợp có chênh lệch về mức thuế tạm thời và mức thuế chính thức (nếu có); thẩm quyền quyết định áp dụng mức thuế chống phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ.