Quy định cụ thể hơn về ưu tiên phát triển thuốc cổ truyền

18/09/2015 20:09

Chiều 18/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật dược (sửa đổi). Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

Ảnh: Đình Nam

Trình bày tờ trình về dự thảo Luật dược (sửa đổi), đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo có 14 chương, 98 điều, tăng 25 điều và 3 chương so với Luật dược hiện hành. Các chương được bổ sung gồm: Chính sách của nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; Hành nghề dược; Dược lâm sàng  và quản lý giá thuốc. Dự thảo bỏ chương Quản lý giá thuốc phải được kiểm soát đặc biệt và đưa các nội dung của chương này vào các phần tương ứng trong dự thảo.

Đại diện cơ quan soạn thảo cũng nhấn mạnh, dự thảo lần này tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản chính sách của Nhà nước về dược, phát triển công nghiệp dược, quản lý nhà nước về giá thuốc, kinh doanh dược, đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc và các nội dung liên quan đến bảo đảm chất lượng thuốc. ..

Một điểm mới cơ bản so với luật hiện hành là các chính sách phát triển công nghiệp dược. Theo đó, sẽ ưu tiên nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền; vắc xin, sinh phẩm; phát triển nguồn dược liệu làm thuốc; bảo tồn nguồn gen và những loài dược liệu quý, hiếm...

Đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thẩm tra cùng đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, hồ sơ dự thảo Luật dược được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp trước để bổ sung vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, cần phải rà soát kỹ các quy định của Dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất với Luật giá, Luật đấu thầu, Luật đầu tư, Luật sở hữu trí tuệ, Luật quảng cáo, cũng như các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết.

Tập trung vào một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, tại buổi thảo luận, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự quan tâm về thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược, phát triển dược liệu và thuốc cổ truyền, quản lý giá thuốc…

Về thời hạn của Chứng chỉ hành nghề dược (Điều 21của dự thảo Luật): Có 2 loại ý kiến về vấn đề này: thứ nhất, tán thành với quy định của dự thảo Luật, định kỳ cấp lại chứng chỉ hành nghề dược 5 năm/1 lần; thứ hai, đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề một lần và bổ sung quy định về nghĩa vụ tham gia đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp

Nhận thấy, việc cấp lại chứng chỉ hành nghề dược 5 năm/1 lần phù hợp xu hướng chung của thế giới nhằm mục đích kiểm soát, nâng cao năng lực của người hành nghề dược, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đồng tình với loại ý kiến thứ nhất.  Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước và khuyến khích các tổ chức nghề nghiệp tham gia một số nội dung trong việc cấp chứng chỉ hành nghề.

Đóng góp ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, luật cũng nên có những quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với những trường hợp bản thân người bán không có chuyên môn, không am hiểu về dược, mượn, thuê chứng chỉ hành nghề để buôn bán, kinh doanh thuốc. Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu không kiểm soát tình trạng này có thể sẽ dẫn đến việc mất an toàn đối với người mua và sử dụng thuốc.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm cho ý kiến, đó là vấn đề phát triển dược liệu cổ truyền. Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về ưu tiên phát triển thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; nuôi trồng dược liệu làm thuốc, các quy định đặc thù nhằm sử dụng thuốc nam được thu hái và nuôi trồng tại Việt Nam; gìn giữ và nâng cao các bài thuốc gia truyền quý và bài thuốc do cơ sở y học cổ truyền sản xuất.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước cho rằng, vấn đề phát triển thuốc và dược liệu cổ truyền, gia truyền ở các vùng miền, dân tộc trong luật cần phải được quan tâm hơn nữa bằng các chính sách bảo tồn, khuyến khích, phát huy góp phần thúc đẩy phát triển y học cổ truyền từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, gia đình thành các cơ sở sản xuất quy mô lớn hơn để phục vụ nhu cầu cho người bệnh. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị, luật cũng nên quan tâm đầu tư nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này, để y học cổ truyền có cơ sở phát triển chính đáng trong tình hình mới, khẳng định các bài thuốc này là có cơ sở khoa học chứ không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm lưu truyền.

Cũng đánh giá cao vai trò của y học cổ truyền trong đời sống hiện nay, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, những bài thuốc gia truyền thường là những bài thuốc quý mà người làm thuốc sẽ không muốn công bố. Trong khi đó, dự thảo Luật có nhiều điều, khoản quy định các bài thuốc cổ truyền phải được Bộ trưởng Bộ y tế công nhận mới được phép sử dụng, lưu hành. Phó chủ tịch cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp, mà cần phải đưa ra những quy định, chính sách ưu đãi hợp lý để khuyến khích được người làm thuốc gia truyền tình nguyện cùng với cơ quan y tế chia sẻ, phát huy những bài thuốc quý đó.

Nguyễn Phương- Hồ Hương