Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

18/09/2015 19:49

Sáng 18/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tiến hành họp phiên toàn thể nhằm thẩm tra, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đồng chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có các đại biểu Quốc hội là thành viên của Ủy ban Pháp luật và một số Ủy ban của Quốc hội.

Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), sau hơn 12 năm thi hành, Nội quy kỳ họp Quốc hội đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội nói chung và nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội nói riêng; tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp. Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã nỗ lực, đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đổi mới, cải tiến cách thức, quy trình, thủ tục chuẩn bị, tiến hành kỳ họp.

Số lượng nội dung quan trọng được thảo luận, xem xét, quyết định tại mỗi kỳ họp ngày càng tăng, chất lượng các quyết định của Quốc hội được nâng lên. Các kỳ họp Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, kịp thời đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước.

Tuy nhiên, Tờ trình cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội, chất lượng, hiệu lực các quyết định của Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội một cách toàn diện, hợp lý, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về quy trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại Kỳ họp là cần thiết.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ càng và đầy đủ của Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, nhằm hoàn thiện hơn nữa dự thảo Nghị quyết, các đại biểu đã xem xét và góp ý một số nội dung trong dự thảo.

Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (Điều 5 - dự thảo Nghị quyết), đa số ý kiến đại biểu đồng tình với quy định này khi Ban soạn thảo đã kế thừa những quy định hiện hành trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác như Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân..., bên cạnh đó cũng bổ sung một số quy định nhằm thực hiện tốt hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp như việc vắng mặt, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin về kỳ họp, bảo quản và sử dụng tài liệu kỳ họp.

Đồng tình với quy định trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đề nghị, bổ sung thêm trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc nghiên cứu tài liệu. Theo đại biểu Trần Thị Dung, việc nghiên cứu trước tài liệu sẽ góp phần đảm bảo chất lượng các bài phát biểu của đại biểu cũng như trong việc biểu quyết thông qua, từ đó góp phần đảm bảo chất lượng chung cho cả kỳ họp.

Về chương trình Kỳ họp Quốc hội, đa số đại biểu đồng tình việc dự thảo quy định về việc lập dự kiến chương trình kỳ họp, quy trình Quốc hội xem xét, thông qua chương trình kỳ họp (Điều 7); bổ sung quy định về nguyên tắc, thẩm quyền tiến hành tổng kết kỳ họp (Điều 13). Các đại biểu cho rằng, đây là những nhiệm vụ thường kỳ, góp phần quan trọng vào việc đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội nên cần được quy định rõ hơn để tăng cường trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền.

Tuy nhiên, một số đại biểu khác cho rằng, hiện Điều 7 trong dự thảo Nghị quyết đang nêu lại Điều 91 của Luật tổ chức Quốc hội 2014, như vậy không thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cho thấy, Chương trình kỳ họp Quốc hội được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua tại Phiên họp trù bị ở các kỳ họp, tuy nhiên, trong quá trình diễn ra kỳ họp thì Chương trình này bị điều chỉnh nhiều lần. Do đó, các ý kiến này đề nghị cần xem xét để quy định lại Điều 7 trong dự thảo cho hợp lý và có tính khả thi cao hơn.

Về khách mời, người dự thính tại các phiên họp (Điều 8- Dự thảo Nghị quyết), đa số ý kiến đại biểu ủng hộ dự thảo chỉ quy định có tính nguyên tắc về vấn đề công dân dự thính kỳ họp và giao Tổng thư ký Quốc hội quy định riêng, chi tiết, cụ thể.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, thể hiện gần dân, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước, do đó trong  Nội quy cần quy định rõ hơn về vấn đề công dân dự thính kỳ họp Quốc hội, nhất là các vấn đề về điều kiện dự thính, số lượng, thành phần, vị trí ngồi, trường hợp nào không được dự thính phiên họp của Quốc hội…

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng, tại Khoản 5, Điều 8 cần bỏ chữ “có thể” trong việc công dân được dự thính. Đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng, đây là quyền của công dân, của cử tri cả nước, là cơ hội để người dân giám sát hoạt động của Quốc hội, của đại biểu dân cử mà mình bầu ra.

Đồng tình với ý kiến trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị cần xem xét lại Khoản 5, Điều 8 bởi quy định như hiện nay trong dự thảo sẽ thu hẹp nội dung so với Điều 93 của Luật tổ chức Quốc hội về người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội; dự thính tại phiên họp Quốc hội

Về vấn đề chất vấn tại phiên họp toàn thể (Điều 17- Dự thảo Nghị quyết), đa số ý kiến đại biểu đồng tình với quy định việc chất vấn được thực hiện theo quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong đó chất vấn nội dung theo các nhóm vấn đề. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung thêm quy định cụ thể về thời gian trả lời chất vấn bằng văn bản; đề nghị bổ sung quy định Chủ tọa có quyền nhắc trong trường hợp đại biểu đặt câu hỏi quá thời gian cho phép...

Bên cạnh những nội dung trên, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại nội dung của dự thảo Nghị quyết so với Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác có liên quan nhằm tránh quy định lặp, quy định thừa hoặc quy định thiếu; đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 9 về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội, tại Điều 12 về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hình thức phiếu xin ý kiến, tại Điều 25 về bảo đảm trật tự tại các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội…

Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý ghi nhận và cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý lại dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 41 đang diễn ra và tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 sắp tới.

Quang Minh