Nhìn lại một cách nghiêm túc và sâu sắc tiến trình gia nhập WTO

18/09/2015 19:29

Sáng 18/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp                                      Ảnh: Đình Nam

Theo Báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO” do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết, việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới đã tác động toàn diện đến mọi mặt kinh tế-xã hội của đất nước và kết quả đạt được là đáng ghi nhận.

Hệ thống thể chế pháp luật, chính sách ngày càng hoàn thiện, bước đầu đã tận dụng được cơ hội, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức, khó khăn và hạn chế được những tác động tiêu cực, đã có sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự đồng thuận xã hội.

Nổi bật là thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng, một số sản phẩm đứng hàng đầu thế giới. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch và được tái cơ cấu theo hướng tích cực. Công nghiệp-xây dựng và dịch vụ đóng góp cao vào tăng trưởng. Thu ngân sách nhà nước đã được điều chỉnh kịp thời, tăng thu nội địa để bù đắp cho phần giảm thuế nhập khẩu.

Năng lực sản xuất, kinh doanh, năng lực quản trị doanh nghiệp được nâng lên; đã hình thành một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân. Thị trường tài chính ngày càng đa dạng; cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông được phát triển; cải cách hành chính được tăng cường. Đời sống nhân dân được nâng cao…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giám sát

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi các cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung từ năm 2007 đến nay còn những hạn chế, bất cập. Chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện; cơ cấu hàng xuất khẩu chậm được thay đổi, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu còn thấp; chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa cao. Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm thương hiệu Việt Nam còn hạn chế. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu.

Báo cáo cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm giai đoạn 2007-2014 (5,94%) thấp hơn so với giai đoạn 2001-2006 (7,27%). Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thiếu bền vững là do vẫn chủ yếu dựa vào vốn và lao động, trong khi tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ trong tăng trưởng thấp hơn nhiều nước khác. Tăng trưởng GDP nước ta dựa vào yếu tố vốn chiếm 52-53%, yếu tố lao động 19-20%, yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chiếm 28-29%; trong khi yếu tố TFP ở một số nước trong khu vực chiếm 35-40%.

Báo cáo cũng chỉ rõ, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan là sau khi gia nhập WTO, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Nguyên nhân chủ quan là do một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế; chậm đổi mới về tư duy, chậm trễ thực hiện các cải cách khu vực công, điều hành thiếu quyết liệt; chưa năng động sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề có tính liên ngành phát sinh trong quá trình hội nhập; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chưa được coi trọng…

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền: áo cáo cần bổ sung phần đánh giá tác động đối với ngành nông nghiệp

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao Báo cáo giám sát đã được thực hiện một cách công phu với nhiều số liệu cụ thể, nhưng mặt khác, các đại biểu cũng đề nghị nhiều nội dung cần phân tích sâu hơn, đặc biệt là những nguyên nhân của hạn chế, bài học rút ra để từ đó có giải pháp cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, báo cáo cần bổ sung phần đánh giá tác động đối với ngành nông nghiệp và lao động nông nghiệp từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Những kết quả đạt được, những tác động tích cực và những áp lực, khó khăn, bất cập khi chúng ta đi ra biển lớn trong một nền kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, đồng thời nó tác động đến chủ trương của chúng ta trong xây dựng nông thôn mới thì sự tác động đó như thế nào. Đặc biệt nguồn nhân lực trong nông nghiệp có những tác động như thế nào? Bởi vì lao động nông nghiệp của chúng ta chiếm rất lớn trong lao động chung của cả nước và có áp lực rất lớn vì lao động nông nghiệp chưa có đào tạo về cơ bản, đào tạo nghề cũng đang rất khó khăn.

Các ý kiến thảo luận tại phiên họp đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập của quá trình hội nhập như chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện. Chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa cao như chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu, tính liên kết với doanh nghiệp trong nước kém…

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hôi bà Trương Thị Mai phát biểu tại phiên họp

Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm thương hiệu Việt Nam còn hạn chế. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trước các rào cản kỹ thuật thương mại của các nước, trong khi hình thành và áp dụng các rào cản kỹ thuật thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam còn thiếu và yếu.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hôi bà Trương Thị Mai băn khoăn về những kết quả đạt được đã thật tương xứng với những mục tiêu và kỳ vọng mà Việt Nam đặt ra hay chưa? Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, báo cáo cần có thêm những số liệu so sánh đối với các nước khác để có thể đánh giá nước ta đã thực hiện được tiến trình hội nhập ở mức độ nào. Hơn nữa, chũng ta có thể tìm kiếm được những bài học cũng như cách thức để tiếp tục vượt qua những khó khăn vướng mắc gặp phải.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là dịp để nhìn lại một cách nghiêm túc và sâu sắc tiến trình gia nhập WTO. Cuộc giám sát có tác động sâu rộng, công tác chuẩn bị của các Bộ, ngành địa phương rất kỹ lưỡng. Đây là đợt hoạt động, đánh giá để nhìn lại sâu sắc về vấn đề hội nhập. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần trả lời, đó là sau khi gia nhập WTO, Việt Nam có rút ngắn khoảng cách với các nước hay không; tăng trưởng đã tốt chưa, các yếu tố cấu thành kinh tế đã tốt chưa? Công nghiệp và nông nghiệp đã đạt được như mức đề ra hay không… Đây là những vấn đề cần tiếp tục xem xét để đưa ra câu trả lời, có như vậy mới thấy được thực trạng cụ thể, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có những giải pháp phù hợp, hiệu quả.

An Vy