
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp Ảnh: Đình Nam
Trên cơ sở những ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng như ý kiến thảo luận tại các phiên họp trước, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét các vấn đề lớn gồm: việc hạn chế hình phạt tử hình; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên; việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt trục xuất; việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án; quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân…
Về việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, cơ quan thẩm tra dự án luật Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với quy định bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) trình Quốc hội và đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2014, Tòa án chủ yếu áp dụng hình phạt tử hình đối với hai loại tội là tội giết người và tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy.
Việc quy định và áp dụng hình phạt tử hình đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma túy có trường hợp chưa thực sự thỏa đáng, như việc tử hình đối với những người chỉ đơn thuần tàng trữ hoặc vận chuyển thuê ma túy như cửu vạn mà không phải chủ mưu, cầm đầu hoặc nằm trong đường dây buôn bán ma túy.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị, để thực hiện chủ trương cải cách tư pháp về giảm án tử hình, nhất là trên thực tế thì cần sửa đổi Điều 194 của Bộ luật hình sự hiện hành theo hướng tách thành các tội độc lập, đồng thời chỉ giữ hình phạt tử hình đối với tội mua, bán trái phép chất ma túy, còn tội vận chuyển, tàng trữ là không tử hình.
Thảo luận tại phiên họp, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với chủ trương giảm hình phạt tử hình trên 3 phương diện. Một là rà soát lại để bỏ các tội danh có quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự hiện hành. Hai là quy định khung định lượng trong các tội này để có thể giảm được hình phạt tử hình. Ba là không áp dụng hình phạt tử hình đối với một số đối tượng như phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ đang có thai, người già trên 75 tuổi...
Tuy nhiên, khi xem xét bỏ hình phạt tử hình cần cân nhắc tội phạm chiến tranh và tội diệt chủng bởi dự thảo Luật vẫn quy định tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe,… có hình phạt cao nhất là tử hình, trong khi đó tội diệt chủng hàng loạt, tội phạm chiến tranh đều có thể có hành vi giết người mà bỏ hình phạt tử hình thì không hợp lý. Do đó, phải cụ thể hóa những tội như tội phạm chiến tranh, nhưng không có hành vi giết người hàng loạt, nếu giết người hàng loạt là vẫn phải tử hình.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự và việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
Ủy ban Tư pháp tán thành với ý kiến đề nghị giữ quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, theo đó người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp
Tuy nhiên, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng nên theo phương án sửa đổi của dự thảo Bộ luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp lập luận, quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội là không rõ ràng, minh bạch nên dẫn đến bản thân các em không thể hoặc khó có thể nhận biết được chính xác thực hiện hành vi phạm tội nào và trường hợp nào thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, có những loại tội phạm do chủ thể đặc biệt thực hiện mà người chưa thành niên nói chung và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nói riêng không thể trở thành chủ thể của loại tội phạm này như các tội về chức vụ, các tội hoạt động tư pháp, các tội xâm phạm về trách nhiệm, nghĩa vụ quân nhân, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hoặc phá hoại môi trường…
Trường hợp các em chưa thành niên tham gia vào các tội khác do người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa thì xử lý hình sự đối với các em trong trường hợp này có phần rất nghiêm khắc, gượng ép, ít có tác dụng giáo dục, phòng ngừa cũng như giúp các em nhận ra sửa chữa những lỗi lầm của mình.
Do đó, đại diện Ban soạn thảo đề nghị cần cân nhắc quy định này và không thể quy định chung chung như Bộ luật hình sự hiện hành.
Về việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, Ủy ban Tư pháp đề nghị, cân nhắc không quy định riêng các biện pháp thay thế xử lý hình sự mà chỉ nên bổ sung một số biện pháp phù hợp vào các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên như hòa giải tại cộng đồng, giám sát, giáo dục tại gia đình.
Bày tỏ tán thành với phương án bổ sung quy định về các biện pháp xử lý thay thế, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn lưu ý việc chuyển hướng này liên quan đến biện pháp tư pháp mà biện pháp tư pháp hiện nay đang không được áp dụng là biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng vì trong thực tế biện pháp này tuơng đối hà khắc. Do đó, cần xem xét biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: các biện pháp thay thể phải qua tố tụng tư pháp, do tòa tuyên mới có thể áp dụng
Phát biểu về vấn đề nay, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung các biện pháp như hòa giải tại cộng đồng, giám sát, giáo dục tại gia đình. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội không thể mở rộng cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân áp dụng các biện pháp thay thể bởi những biện pháp này phải qua tố tụng tư pháp, do tòa tuyên mới có thể áp dụng.