
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII vừa qua.
Tại phiên họp, những vấn đề lớn được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến gồm: vấn đề chuyển đổi giới tính; vấn đề lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; vấn đề điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản; về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự…
Không nên quy định là Tòa án có quyền tự điều chỉnh hợp đồng của các bên khi hoàn cảnh thay đổi
Về điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản, tại khoản 3, Điều 427 dự thảo quy định: “Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thì Tòa án có thể sửa đổi hợp đồng theo yêu cầu của các bên hoặc chấm dứt hợp đồng theo yêu cầu của một bên”
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nếu quy định hai bên ký hợp đồng với nhau, tình hình thay đổi cơ bản hai bên không lường được thì đề nghị Tòa án sửa hợp đồng thì trái hẳn nguyên tắc trong dân sự. Trong dân sự quyền tự quyết là quyền định đoạt tối thượng, không ai được can thiệp vào, trừ những quyền trái quy định của pháp luật, còn quyền khác là quyền của người ta, không phải nhờ đến Tòa án.
Hơn nữa, khái niệm “giao dịch dân sự” chính là sự thỏa thuận của các bên đương sự, không có khái niệm giao dịch dân sự hoặc hợp đồng là thỏa thuận của các bên đương sự có thêm trường hợp Tòa án phải giải quyết. Tòa án không quyết định được hợp đồng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây cũng là nguyên tắc trong giao dịch hợp đồng dân sự, đó là quyền tự quyết của các bên đương sự.
Do đó, lúc ký hợp đồng là hai bên tự nguyện đồng ý, ký hợp đồng rồi tình hình thay đổi, người ta đồng ý chấp nhận hoàn cảnh đấy thì giữ nguyên hợp đồng, nếu không đồng ý với hoàn cảnh mới thì đề nghị hủy hợp đồng, ký lại hợp đồng khác. Còn trong trường hợp bị lừa dối, hoặc ký hợp đồng bị nhầm lẫn thì có các điều luật điều kiện hợp đồng vô hiệu, không có trường hợp nào Tòa án phải giải quyết.
Đồng quan điểm trên, Phó trưởng Ban nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, không nên quy định là Tòa án có quyền tự điều chỉnh hợp đồng của các bên khi người ta đã ký kết khi hoàn cảnh thay đổi. Bởi vì, tuân theo nguyên tắc chủ đạo của dân sự, đó là việc quyết định cả nội dung, hình thức của hợp đồng thì do các chủ thể tham gia giao dịch dân sự, tự nguyện quyết định. Hoàn cảnh thay đổi thì người ta có quyền thay đổi ở bất kỳ một giai đoạn nào đối với các giao dịch thì các bên đều có quyền thỏa thuận để tiến hành việc thay đổi hình thức của hợp đồng và điều chỉnh nội dung hợp đồng cho phù hợp, miễn là việc điều chỉnh phù hợp với pháp luật.
Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận thì lúc đó hợp đồng sẽ trở thành vô hiệu, chấm dứt hiệu lực hoặc sẽ tuân theo quy định khác của pháp luật. Nếu chúng ta cho Tòa án có quyền tự điều chỉnh hợp đồng là chúng ta can thiệp vào quyền cơ bản của các bên trong quan hệ giao dịch dân sự.
Cân nhắc quy định lãi suất cơ bản
Về vấn đề lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 475), cơ quan soạn thảo đã trình 2 phương án, Phương án 1: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Phương án 2: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp
Thảo luận về quy định lãi suất cơ bản trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, phải tính toán cơ sở khoa học của nó hay nói cách khác là phải có phương pháp tính rõ ràng về lãi suất cơ bản. Nếu chọn phương án cũ là quy định lãi suất cơ bản thì hiện nay ta bóc tách được quy định về quan hệ các tổ chức tín dụng với khách hàng. Còn lại quan hệ dân sự cho vay nặng lãi thì lãi suất cơ bản này không có thực mà phương pháp tính toán đó chỉ để tham chiếu thôi. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra hai quan điểm để tính lãi suất cơ bản, có thể lấy lãi suất huy động bình quân của các tổ chức tín dụng để hình thành lãi suất cơ bản. Cũng có ý kiến đưa quan điểm lấy lãi suất cho vay bình quân để hình thành. Dù lấy lãi suất nào cũng có cơ sở.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Đinh Văn Nhã cho rằng, đã nói đến lãi suất, nhất là lãi suất trong kinh tế thị trường thì ấn định theo hành chính hầu như không có mà nó hình thành trên quan hệ thị trường. Mặc dù, thị trường ấy quy mô thế nào, có sự chi phối của nhà nước không thì vẫn là quan hệ lãi suất. Nếu bây giờ ấn định luôn là 20% thì tạo đà cho vay nặng lãi nhiều hơn, vì bây giờ lãi suất thị trường thấp. Khi ta quy định 20% ở thời điểm như thế này thì chính ta lại tạo đà cho hoạt động vay nặng lãi hoành hành hơn. Do đó, đưa ra một căn cứ để điều chỉnh những quan hệ thị trường bằng biện pháp hành chính cố định ngay là rất khó, cho nên tôi nghĩ vẫn phải lấy một mức lãi suất hình thành trên thị trường. Tuy nhiên, cách tính lãi suất cơ bản đó bằng phương pháp nào thì nên cân nhắc.
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là Bộ luật quan trọng, có tác động lớn đến kinh tế xã hội, quyền con người, quyền công dân. Do đó, nhiều vấn đề lớn còn chưa thống nhất sẽ tiếp tục lấy ý kiến thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tới, sau đó các cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo mời các chuyên gia đang còn ý kiến khác nhau cân đối lại các chế định, các điều còn ý kiến khác nhau để đưa ra những ý kiến thống nhất, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội.