THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ CÔNG AN VỀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI

09/09/2021

Sáng 09/9, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội làm việc với Bộ Công an về kết quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc làm việc.

 

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự cuộc họp có các đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; đại diện Bộ Y tế; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số bộ, ngành hữu quan.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công an đã chủ trì, tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung, tệ nạn xã hội nói riêng; Chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó lồng ghép với tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trong đó có nhiều chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, mại dâm, cờ bạc, cá độ bóng đá. Cụ thể:

Đối với tội phạm và vi phạm pháp luật đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc, qua đấu tranh cho thấy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về cờ bạc đã giảm đáng kể, nhất là hình thức cờ bạc "truyền thống" và các sới bạc hoạt động chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc phát hiện, bắt giữ các vụ cờ bạc hiện nay chủ yếu là giải quyết phần “ngọn", các đối tượng liên tục thay đối địa điểm để tổ chức đánh bạc. Riêng hoạt động đánh bạc bằng ghi số lô, số đề vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, có xu hướng chuyển sang lợi dụng công nghệ để hoạt động trên không gian mạng: hoạt động cá độ bóng đá, cá cược thể thao, các hình thức đánh bạc sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng diễn ra với quy mô rất lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi, sử dung thiết bị kết nối mạng Internet để điều hành, quản lý trên mạng tổng (máy chủ đặt ở nước ngoài).

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc báo cáo

Đối với tội phạm và tệ nạn liên quan đến mại dâm, tệ nạn mại dâm nơi công cộng đã giảm hẳn ở hầu hết các địa phương do thực hiện giãn cách xã hội phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, các hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, cà phê vườn, karaoke, massage.. dừng hoạt động nên các đối tượng không còn điều kiện để hoạt động trá hình. Tuy nhiên, hoạt động mại dâm có xu hướng dịch chuyển sang nhiều hình thức biến tướng như "gái gọi", "gái bao", "trai bao", "sugar baby", "con nuôi"... lợi dụng Internet, mạng xã hội để đăng hình ảnh tiếp thị, thoả thuận đến địa điểm cao cấp, như: biệt thự, căn hộ chung cư, trên tàu biển, tàu du lịch, theo các hoạt động, tour du lịch, thể thao..., thậm chí ra nước ngoài để hoạt động mại dâm. Các đối tượng, đường dây hoạt động chuyên nghiệp có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trong đó có sự tham gia của một số người mẫu, diễn viên, sinh viên, người tham gia các cuộc thi sắc đẹp.

Đối với tội phạm và tệ nạn liên quan đến ma túy, loại tội phạm này vẫn diễn biến rất phức tạp trong điều kiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia vẫn tìm mọi cách để hoạt động; tội phạm lợi dụng các phương tiện "luồng xanh" để cất dấu, vận chuyển ma túy vào các địa bàn phong tỏa phòng chống dịch, thậm chí đã phát hiện một số vụ sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở y tế, cơ quan nhà nước. Số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục gia tăng. Tình trạng trẻ hóa và sử dụng ma túy tổng hợp cũng có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại, đã xuất hiện một số loại ma tuý mới, chưa có trong danh mục, như: "tem giấy", “trà sữa", "khô gà"... đã và đang thu hút giới trẻ, len lỏi vào khu vực học đường.

Đại diện Bộ Công an cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tệ nạn xā hội; trọng tâm là đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đã ban hành từ lâu, không còn phù hợp với thực tế, như: Pháp lệnh số 10/PL-UBTVQH11 về phòng, chống mại dâm; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho ý kiến

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, nhất là Bộ Công an trong việc giữ gìn trật tự, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội; đồng thời nhất trí với một số giải pháp mà Bộ Công an đưa ra. Theo đó, các đại biểu cho rằng, việc tăng cường tuyên truyền về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là trên mạng xã hội là một trong những giải pháp quan trọng, có tính lan tỏa rộng, nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay.

Một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, trực tiếp đến nền kinh tế, xã hội đất nước và đời sống an sinh của người dân. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cần đẩy mạnh. Do đó, cần tiếp tục tăng cường vai trò của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm trong việc giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ liên ngành trong công tác phòng, chống mại dâm; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố trọng điểm.

Có ý kiến đại biểu cũng cho rằng, do thực hiện giãn cách xã hội và quản lý phòng chống dịch chặt chẽ, đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, hạn chế di chuyển, "ai  ở nhà đó".. nên hoạt động mua bán dâm nhiều nơi chiều hướng lắng xuống, tuy nhiên, một số cơ sở massage khách sạn, nhà nghỉ vẫn lén lút hoạt động. Một số người bán dâm ẩn danh trong vai trò tiếp viên nhà hàng, tiếp thị, buôn bán nhỏ…tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ nhiễm, lây lan bệnh dịch cao. Do đó, cần có biện pháp, cách thức triển khai kế hoạch và nhiệm vụ công tác năm 2021 phù hợp, cần khắc phục khó khăn về bệnh dịch, không để "đứt gãy" các hoạt động thường xuyên; Khẩn trương triển khai các chương trình phòng chống ma túy, mại dâm giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa phát biểu

Các đại biểu cũng cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đây cũng là điều kiện để các đối tượng tệ nạn xã hội, tội phạm tiếp tục lén lút hoạt động. Mặc dù đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, một số đối tượng vẫn tổ chức sử dụng ma túy, mại dâm, tụ tập đông người vi phạm quy định phòng chống dịch; đặc biệt có các loại tội phạm mới xuất hiện như lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tiêm vắc xin; đưa tin sai sự thật, tin giả liên quan đến dịch bệnh; kinh doanh các mặt hàng khẩu trang, bảo hộ...Do đó, Bộ chủ quản và các Bộ, ngành hữu quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, đưa ra các giải pháp đồng bộ để truy vết, phát hiện, xử lý các tội phạm, tệ nạn xã hội tuy không mới nhưng được bộc lộ trong nhận diện mới, quy mô mới.

Ngoài ra, tại cuộc họp, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Công an cần rà soát lại các số liệu trong báo cáo để có sự thống nhất, chuẩn hóa với báo cáo của các bộ, ngành có liên quan; làm rõ tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành; dự đoán tình hình trật tự xã hội hậu Covid-19 sau khi các địa phương hết giãn cách, cách ly để có các biện pháp ứng phó kịp thời trong thời gian tới./.

Hồ Hương

Các bài viết khác