THẨM TRA SƠ BỘ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA BÌNH ĐẲNG GIỚI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

06/09/2021

Thực hiện chương trình công tác, chiều 06/9, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

 

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự Phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, và một số bộ, ngành hữu quan.

Báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược 6 tháng đầu năm 2021, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược, Chính phủ đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo nguyên tắc về bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan; Xây dựng và triển khai các Chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được đẩy mạnh; Công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới được chú trọng.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà báo cáo

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19. Đại dịch đã tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội nhưng mức độ ảnh hưởng đối với nam và nữ là khác nhau, điều này đã góp phần làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia. Chiến lược 2021-2030 mới được ban hành trong thời gian ngắn (hơn 5 tháng) trong đó có nhiều mục tiêu, chỉ tiêu mới, khác so với các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược 2011-2020 nên các bộ, ngành địa phương cần thời gian để xây dựng các kế hoạch, giải pháp. Nhiều kết quả, chỉ tiêu được tính dựa trên kết quả Điều tra biến động dân số, Điều tra doanh nghiệp, Điều tra lao động việc làm hằng năm, đến nay các cuộc điều tra trên của năm 2021 đang trong quá trình tiến hành nên chưa có số liệu để báo cáo, đánh giá.

Đưa ra ý kiến thẩm tra tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, năm 2021 là năm bắt đầu thực hiện Chiến lược của giai đoạn mới với nhiều thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức. Với sự chỉ đạo quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện chiến lược đã được triển khai rộng khắp và bước đầu đạt được một số kết quả. Cụ thể: Các bộ, ban, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các nội dung của Chiến lược; Thực hiện các giải pháp một cách quyết liệt trong chỉ đạo điều hành góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới; Kịp thời đánh giá tác động xã hội, tác động giới, đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp trong đó có tính tới các nhóm đặc thù là phụ nữ, lao động nữ, trẻ em... chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ý kiến thẩm tra và một số đại biểu cũng cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chiến lược này. Theo đó: một số bộ, ban, ngành, địa phương còn chưa thực sự quan tâm về việc triển khai Chiến lược; Thời gian triển khai ngắn, nhiều số liệu các chỉ tiêu vẫn chưa thống kê được. Dưới tác động của đại dịch COVID -19 hàng loạt các vấn đề như lao động, việc làm, kinh doanh, y tế, giáo dục đã tác động đến phụ nữ làm gia tăng khoảng cách giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược. Hơn nữa, một số chính sách còn chưa có số liệu phân tách về giới nên ảnh hưởng đến việc ban hành cũng như triển khai các chính sách hỗ trợ; Sự quan tâm và nhận thức của một số cán bộ, lãnh đạo còn hạn chế; định kiến giới và bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục là những thách thức, khó khăn trong công tác bình đẳng giới trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Từ kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới thời gian qua, Ủy ban Xã hội và các đại biểu đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể:

Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tiếp tục có ít nhất một kỳ họp nghe báo cáo và thảo luận tại Hội trường về bình đẳng giới và việc thực hiện các mục tiêu này; Thực hiện nghiêm túc việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch COVID - 19; Tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Lồng ghép giới trong các nội dung giám sát; Quan tâm việc quyết định phân bố ngân sách nhà nước hàng năm phù hợp với tình hình thực tế cho lĩnh vực bình đẳng giới.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, cần tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP một cách nghiêm túc và hiệu quả, có các giải pháp thực hiện Chiến lược phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVID – 19; Các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn cần có sự phân tách về giới; Đảm bảo quy trình, thủ tục, nội dung, chất lượng đánh giá tác động giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, gia đình và xã hội về bình đẳng giới.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cần tăng cường giám sát, phản biện xã hội và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ; Phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc nâng cao năng lực lồng ghép vấn đề giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, sau buổi làm việc tích cực, khẩn trương, Phiên họp thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021 đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban sẽ hoàn thiện thêm báo cáo thẩm tra để trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chuẩn bị cho việc thẩm tra chính thức nội dung này vào Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban tới đây./.

Hồ Hương

Các bài viết khác