PHÂN CHIA HỢP LÝ LỢI ÍCH GIỮA NHÀ NƯỚC, TÁC GIẢ VÀ TỔ CHỨC CHỦ TRÌ TRONG QUYỀN ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ

10/06/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật đã quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì trong quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

 

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về tên gọi của Luật và phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh và đổi tên Luật thành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi). Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với 07 chính sách được Chính phủ xác định khi đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến thì phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật phù hợp với hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều.

Hơn nữa, theo yêu cầu nội luật hóa Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA được xác định tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 phê chuẩn Hiệp định CPTPP và Nghị quyết số 102/2020/QH14 phê chuẩn Hiệp định EVFTA thì cần phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để thực hiện một số cam kết quốc tế có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 và 14/01/2022. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật như Tờ trình của Chính phủ để bảo đảm tính khả thi, kịp thời và phù hợp với các chính sách Chính phủ đã trình.

Bên cạnh đó, về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả (chương trình máy tính, phần mềm máy tính); cần có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 20-NQ/TW).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội. Theo đó, đối với nội dung liên quan đến sở hữu công nghiệp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì (Điều 86a); đồng thời quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì (các điều 133a, 135 và 136a). Theo đó, trên cơ sở luật hóa một số quy định hợp lý, đã được kiểm nghiệm trên thực tế, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan, đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà Nhà nước hỗ trợ đến 30% tổng số vốn, phần lợi nhuận sau thuế thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền, góp vốn bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Nhà nước được sử dụng theo quy chế quản lý tài chính của tổ chức chủ trì nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà Nhà nước hỗ trợ trên 30% tổng số vốn, căn cứ vào tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng số vốn đầu tư cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ, việc chia lợi nhuận sau thuế thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền, góp vốn bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc: Thanh toán cho người môi giới (nếu có) theo hợp đồng môi giới nhưng không quá 10%; Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước thì tối thiểu 50% phần lợi nhuận còn lại được dùng để đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ; số lợi nhuận còn lại được sử dụng theo quy chế quản lý tài chính của tổ chức chủ trì nhiệm vụ; Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn thì phần lợi nhuận còn lại được chia cho các bên tương ứng với tỷ lệ vốn đã đóng góp vào nhiệm vụ khoa học và công nghệ đó, sau đó, phần lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp của Nhà nước được tổ chức chủ trì sử dụng.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, đối với thù lao cho tác giả, điểm b khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 43 của Luật Khoa học và Công nghệ về việc “Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%…” thành quy định về khung thù lao tại khoản 2 Điều 135 của Luật Sở hữu trí tuệ. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục sự thiếu chặt chẽ của quy định nêu trên trong Luật Khoa học và Công nghệ là chỉ quy định mức thù lao tối thiểu mà không có khống chế mức tối đa, có thể dẫn đến sự thông đồng giữa tổ chức chủ trì và tác giả, gây khó khăn cho việc thực thi chính sách theo quy định của dự thảo Luật là tổ chức chủ trì phải dành tối thiểu 50% phần lợi nhuận còn lại để đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ hoặc bổ sung quỹ phát triển khoa học và công nghệ nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, thúc đẩy đầu tư cho khoa học và công nghệ. 

Minh Hùng