Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi)
Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế
Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành ngày 23.11.2009 đến nay đã qua 13 năm thực thi. Trong quá trình thực hiện, Luật đã góp phần xây dựng và củng cố hệ thống khám chữa bệnh ở Việt Nam, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần tăng cường khả năng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng đã bộc lộ một số bất cập về thời hạn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, phương thức cấp chứng chỉ hành nghề, về hình thức tổ chức hành nghề khám chữa bệnh, về khám chữa bệnh từ xa, về an ninh bệnh viện...
Do vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực y khoa, việc sửa đổi, ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là vô cùng cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh; bảo đảm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng cao cho cộng đồng, thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hội nhập quốc tế về lĩnh vực khám chữa bệnh và tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
TS.BS. Cao Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, TS.BS. Cao Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ rõ, đối với một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh như: khám bệnh, chữa bệnh từ xa; điều trị nội trú ban ngày; phục hồi chức năng; khám sức khỏe; chăm sóc người bệnh; dinh dưỡng lâm sàng; sử dụng sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng; phòng ngừa sự cố y khoa ... chưa được quy định trong Luật hiện hành nên chưa có cơ sở pháp lý để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức triển khai thực hiện.
Vì vậy, TS.BS. Cao Thị Thanh Thủy kiến nghị những nội dung trên cần được luật hóa trong quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bên cạnh đó, nội dung về cấp khám bệnh, chữa bệnh cần chi tiết hơn tại Luật mặc dù đã có tại các văn bản của Bộ Y tế để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu như: Mô hình bác sĩ gia đình, đặc biệt là trạm y tế xã/phường.
Ngoài ra, TS.BS. Cao Thị Thanh Thủy cũng lưu ý, trong quy định về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh chữa bệnh, cần bổ sung nội dung liên quan đến quyền lợi của nhân viên y tế tuyến cơ sở cũng như các hỗ trợ tài chính hay xã hội hóa để đảm bảo giữ được nguồn nhân lực cũng như tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; cân nhắc bổ sung về việc người có đủ tiêu chuẩn điều trị PrEP có bào hiểm y tế sẽ được điều trị PrEP thông qua bảo hiểm y tế;…
TS.BS Trần Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo Phát triển Cộng đồng
Theo TS.BS. Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh vô cùng cấp thiết cho bối cảnh hiện nay. Để đáp ứng mục tiêu đề ra, khắc phục nhưng bất cập hiện nay, ngoài những yêu cầu chung đặt ra cho bất kỳ một luật nào, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần đáp ứng 5 yêu cầu đặc thù, gồm: (1) Bảo vệ tốt người sử dụng dịch vụ y tế tránh được các nguy cơ lạm dụng trong hoạt động khám chữa bệnh thời kinh tế thị trường toàn cầu hóa; (2 ) Bảo vệ người thầy thuốc không bị kéo vào tiến trình vi phạm y đức, hậu quả trực tiếp, nhãn tiền của thương mại hóa chăm sóc y tế; (3) Rõ ràng, minh bạch và giải trình trách nhiệm của tất cả các bên tham gia hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung và công tác khám bệnh, chữa bệnh nói riêng; (4) Hình thành được cơ chế đảm bảo đánh giá khoa học, khách quan, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”; (5) Tuân thủ theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới: Đảm bảo hệ thống y tế/hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thiết kế và vận hành lấy người dân/người bệnh làm trung tâm, thực thi hành động toàn cầu về an toàn bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh 2021-2030 nhằm loại trừ tình trạng sai sót và lạm dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong nền kinh tế thị trường gây tổn thương thêm cho bệnh nhân trong chăm sóc y tế.
Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) BS.LG. Trịnh Thị Lê Trâm, Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, Hiv/Aids cho rằng, việc sửa đổi ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới là vô cùng cần thiết để khám chữa bệnh Việt Nam hòa nhập với thế giới và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, trong Luật cần phải có những nội dung sau: Xây dựng cơ chế kiểm soát giá tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh; Trong quá trình đào tạo chuyên môn, cấp chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật cần quy định có sự tham gia của các hội chuyên môn nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế; quy định cụ thể điều kiện hoạt động của cơ sở cung cập dịch vụ vận chuyển cấp cứu; quy định rõ quyền lợi của nhân viên y tế bị thương tích bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; …
Quy định cụ thể, có tính nguyên tắc về chuyển tuyến, chuyển cấp khám chữa bệnh
Nghiên cứu dự thảo luật, TS.BS Khương Anh Tuấn, Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho rằng, việc quy định về phân cấp hệ thống khám bệnh, chữa bệnh theo 3 cấp, tuyến chuyên môn là phù hợp với định hướng của Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng như phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm quốc tế. Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện đang phân cấp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành 4 tuyến, trong đó tuyến huyện và xã được coi là tuyến y tế cơ sở với chức năng cốt lõi là cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và cơ bản. Cách phân cấp này cũng khá tương đồng với quốc tế. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất và cần được quan tâm luật hóa, đó là Việt Nam đang thiếu các quy định trong việc kiểm soát vượt tuyến, chuyển tuyến bất hợp lý cùng với việc phân hạng bệnh viện được áp dụng chung cho tất cả các tuyến. Bệnh viện tuyến dưới hiện nay được phép cung ứng các dịch vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ và phạm vi của tuyến trên nhưng không có cơ chế để hạn chế bệnh nhân vượt tuyến không cần thiết.
Do đó, TS.BS Khương Anh Tuấn đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể, có tính nguyên tắc của chuyển tuyến, chuyển cấp khám chữa bệnh cũng như phạm vi thu dung khám chữa bệnh của từng cấp. Nếu không kèm theo các quy định này, thì việc phân cấp khám chữa bệnh đơn thuần sẽ không còn ý nghĩa và không có cơ sở kiểm soát hiệu quả của toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh.
TS.BS Khương Anh Tuấn, Viện Chiến lược và Chính sách y tế
Cũng liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Đệ nêu rõ, khoản 1, Điều 83 của dự thảo Luật quy định, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh bao gồm cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân, được chia thành ba cấp. Cấp ban đầu bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cấp cơ bản bao gồm các cơ sở thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú tổng quát. Và cấp chuyên sâu bao gồm các cơ sở thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú chuyên sâu...
Đánh giá đây là điểm mới của dự thảo Luật, tuy nhiên theo GS.TS Nguyễn Văn Đệ, sau khi phân cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh như dự thảo Luật đề ra, thì việc quy định phân hạng bệnh viện còn tiếp tục được áp dụng hay không và quy định như thế nào? “Có cần được bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi lần này hay không? Ngoài ra, trước khi quyết định nội dung này, cần có sự đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) để làm rõ việc quy định hưởng bảo hiểm y tế ở từng tuyến….”, GS.TS Nguyễn Văn Đệ đề xuất.
Đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời bổ sung dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2022, các chuyên gia trong giới y khoa tin tưởng, qua thảo luận và tham vấn ý kiến rộng rãi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ có những quy định mang tính đột phá,là cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động y tế, góp phần tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới./.