TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NHẬP KHẨU PHIM CHỊU TRÁCH NHIỆM TRƯỚC PHÁP LUẬT VỀ NỘI DUNG PHIM NHẬP KHẨU

10/06/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước, dự thảo Luật quy định “Người đứng đầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim nhập khẩu để phổ biến phim; quản lý, sử dụng phim phục vụ hoạt động nghiên cứu, giáo dục, lưu trữ và lưu hành nội bộ”.

 

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về xuất khẩu phim, nhập khẩu phim, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến cho rằng cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu phim, bổ sung quy định “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu phim” (khoản 4 Điều 17).

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem xét bỏ quy định “Phim xuất khẩu phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng” (khoản 1 Điều 17) vì sẽ hạn chế các doanh nghiệp xuất khẩu phim, phim xuất khẩu chỉ cần tuân thủ pháp luật của nơi nhập khẩu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc kiểm soát nội dung phim trước khi xuất khẩu là cần thiết, tránh phổ biến ra nước ngoài các bộ phim Việt Nam có nội dung vi phạm điều cấm, gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, an ninh quốc gia, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam. Quy định tại Điều 32 về phân loại phim, có loại phim không được phép phổ biến. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quy định như khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật.

Về kiến nghị bổ sung tại Điều 17 quy định “phim nhập khẩu phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật bãi bỏ quy định điều kiện phát hành, kinh doanh xuất, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim, nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia xuất, nhập khẩu phim; cùng với sự phát triển của công nghệ, sau khi Luật có hiệu lực, số lượng phim nhập khẩu sẽ có xu hướng tăng thông qua nhiều hình thức nhập khẩu vào Việt Nam. Do vậy, việc kiểm duyệt toàn bộ phim nhập khẩu là khó khả thi. Để quản lý phim nhập khẩu, dự thảo Luật quy định theo hướng kiểm soát nội dung phim khi phổ biến, thông qua hoạt động cấp Giấy phép phân loại đối với phim chiếu rạp, Quyết định phát sóng đối với phim phổ biến trên hệ thống truyền hình và tự phân loại trước khi phổ biến đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước, dự thảo Luật quy định “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim phải bảo đảm không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này” và “Người đứng đầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim nhập khẩu để phổ biến phim; quản lý, sử dụng phim phục vụ hoạt động nghiên cứu, giáo dục, lưu trữ và lưu hành nội bộ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Với nội dung về phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, trong thời gian qua, có tình trạng vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ, quay lén phim tại rạp và phát tán trên mạng internet gây thiệt hại cho chủ sở hữu phim. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung quy định cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim có quyền “Ngăn chặn việc sao chép, ghi âm, ghi hình phim trái pháp luật, yêu cầu cá nhân vi phạm rời khỏi rạp chiếu phim, xem xét kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý cá nhân vi phạm”. Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định cơ sở phổ biến phim có quyền “Từ chối đối với người xem trong trường hợp sử dụng chất cấm, chất kích thích; mang vũ khí, vật liệu gây cháy, nổ, chất phóng xạ, chất độc hại vào rạp chiếu phim” (khoản 2 Điều 19) để đảm bảo an toàn cho người xem và cơ sở phổ biến phim.

Cùng với đó, một số ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định về miễn, giảm giá vé xem phim theo hướng khuyến khích, không nên áp đặt bắt buộc. Có ý kiến đề nghị quy định giảm giá vé xem phim đối với trẻ em, người có công với cách mạng, một số đối tượng hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết các trường hợp được miễn giảm giá vé, mức giảm giá vé xem phim (điểm c khoản 3 Điều 19) để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của chính sách và phù hợp thực tiễn.

Đối với các ý kiến đề nghị quy định khung giờ vàng dành nhiều thời gian hơn cho phim Việt Nam phổ biến trên truyền hình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Luật chỉ nên quy định về nguyên tắc ưu tiên phổ biến phim Việt Nam trên truyền hình, còn các chính sách cụ thể về thời lượng, tỷ lệ phát sóng và khung giờ phát sóng phim Việt Nam, giờ phát sóng phim Việt Nam do văn bản dưới luật hướng dẫn để linh hoạt và phù hợp với từng giai đoạn phát triển điện ảnh.

Đồng thời, có ý kiến đề nghị có cơ chế khuyến khích phổ biến phim Việt Nam, đặc biệt là phim sử dụng ngân sách nhà nước trên hệ thống truyền hình. Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định “Khuyến khích phổ biến phim Việt Nam sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước, phim do tổ chức, cá nhân tài trợ, hiến, tặng” trên hệ thống truyền hình (khoản 4 Điều 20); quy định quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu phim, cơ sở lưu trữ phim trong việc mua, nhận, chuyển giao, cho thuê, phổ biến phim (Điều 35), nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, khắc phục hạn chế hiện nay phim Việt Nam sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước chưa được khai thác hiệu quả để phổ biến rộng rãi đến người xem, gây lãng phí.

Ngoài ra, về phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn, có ý kiến đề nghị chính sách phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn phải phù hợp nhu cầu thực tế của từng đối tượng, địa bàn, sự phát triển của khoa học, công nghệ và việc phổ biến phim trên truyền hình.

Giải trình vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, trong những năm qua, hoạt động chiếu phim lưu động ở các địa phương đã góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Mặc dù, hoạt động này còn hạn chế, chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau, như thiếu nguồn phim, kinh phí, phương tiện, thiết bị kỹ thuật chiếu phim và chế độ phụ cấp cho đội ngũ chiếu phim thấp, còn phải thực hiện các thủ tục xin phép về bản quyền... nhưng việc hỗ trợ chiếu phim lưu động ở các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, bổ sung quy định giao chính quyền địa phương bảo đảm kinh phí, quyết định và đầu tư thiết bị phổ biến phim, phương tiện vận chuyển phù hợp với thực tế của từng địa phương.

Minh Hùng