TS. NGUYỄN KIÊN BÍCH TUYỀN: CẦN CÓ QUY ĐỊNH BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG DỊCH VỤ TÀI CHÍNH

10/06/2022

Theo Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 (10/2022). Góp ý Dự thảo Luật, TS. Nguyễn Kiên Bích Tuyền, Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

 

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 (10/2022)

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương và 80 Điều (Dự thảo luật). So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có 06 Chương, 51 Điều, Dự thảo luật hiện nay bổ sung thêm Chương III: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh”.

Nghiên cứu Dự thảo luật, TS. Nguyễn Kiên Bích Tuyền cho rằng, so với Luật hiện hành, dự thảo đã có một số nội dung sửa đổi, bổ sung như: khái niệm người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, quyền của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, lĩnh vực thu hồi hàng hóa có khuyết tật, các phương thức bán hàng, giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mới, ưu điểm, Dự thảo luật vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục được hoàn thiện.

Về nội hàm của khái niệm “người tiêu dùng”: Điều 2 của Dự thảo luật có quy định đối tượng áp dụng là “người tiêu dùng” và "cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”. Điều 3 của Dự thảo luật có giải thích: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình”.

Như vậy, “người tiêu dùng” ở đây có thể được hiểu bao gồm nhóm đối tượng là người được doanh nghiệp hoặc người khác tặng sản phẩm, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt, dù họ không phải là “cá nhân mua… sản phẩm, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình”. Tuy nhiên, trong Chương về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh” hiện chỉ có 3 mục chính là Giao dịch từ xa, Cung cấp dịch vụ liên tục, Bán hàng liên tục, chưa có mục Giao dịch liên quan đến thẻ quà tặng.

Về đối tượng “người tiêu dùng dễ bị tổn thương”: Điều 6 của Dự thảo luật có đề cập đến các nội dung nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, như: người tiêu dùng là người cao tuổi, người tiêu dùng là người khuyết tật, người tiêu dùng là trẻ em, người tiêu dùng là người dân tộc thiểu số.

Quy định này thể hiện tính nhân văn, nhân ái, nhưng sự liệt kê trên chưa thật sự đầy đủ vì còn một nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương nữa là người nghèo. Việc chưa liệt kê người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương là chưa phù hợp.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), TS. Nguyễn Kiên Bích Tuyền kiến nghị” một số nội dung cụ thể, như sau:

Một là, cần bổ sung thêm giao dịch liên quan đến thẻ quà tặng có trả tiền trước: Cách tính giới hạn thời gian của thẻ quà tặng hiện nay là không giống nhau giữa các nhà cung cấp. Có cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định là giá trị thẻ từ quà tặng 500.000 đồng trở lên sẽ có thời hạn 01 năm, có doanh nghiệp quy định thẻ quà tặng từ 1.000.000 đồng trở lên thì thời hạn là 01 năm, dưới những mức giá trị đó thì thời hạn là 6 tháng hoặc 3 tháng. Trong khi đó, tham khảo hệ thống chuỗi siêu thị Woolworths của Úc thì tất cả các thẻ quà tặng để có thể sử dụng tại các siêu thị và các điểm bán lẻ khác sẽ được bán mà không có ngày hết hạn.

Ngay cả khi việc giới hạn thời hạn của thẻ quà tặng trả trước có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ đặc thù nào đó thì giao dịch đó cũng cần được điều chỉnh cho thống nhất, nhằm bảo đảm quyền lợi chung của người được tặng thẻ quà tặng, không nên để mỗi doanh nghiệp có một quy định khác nhau như hiện nay. Điều 5 của Dự thảo luật có đề cập đến chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, chúng ta phải đẩy mạnh hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiêm quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Như vậy, ngoài việc bổ sung quy định về thẻ quà tặng vào Luật, thì nội dung này có thể được quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật để việc sửa đổi, bổ sung được linh hoạt theo sự phát triển, thay đổi của đời sống xã hội.

Hai là, cần bổ sung người nghèo vào nhóm những người bị dễ bị tổn thương: Tham khảo Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, chúng ta thấy người nghèo đã được liệt kê trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bên cạnh trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo. Việc đưa người nghèo vào nhóm người dễ bị tổn thương là phù hợp, vì người nghèo còn được xem là dễ bị tổn thương hơn bất kỳ nhóm nào khác trước các vấn đề như thảm họa thiên nhiên, bệnh tật phát sinh, sức khỏe, thu nhập bị giảm, sự đối xử bất công, hoặc lời nói xem thường của người bán đối với họ khi đi mua hàng hóa, dịch vụ.

Ba là, cần có quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính: Người tiêu dùng dịch vụ tài chính hiện nay đa phần là người nghèo, là công nhân, khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, hiểu biết về tài chính hạn chế. Đây cũng là nhóm người dễ bị tổn thương, là cộng đồng, nhóm người có vị thế về kinh tế, xã hội thấp hơn đòi hỏi có sự chú ý bảo vệ đặc biệt so với những cộng đồng, nhóm người khác trong xã hội… Trong khi đó, quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính là chưa rõ ràng, cần tiếp tục được hoàn thiện.

Như vậy, cần có quy định rõ ràng, thống nhất và phù hợp hơn về quyền của người tiêu dùng dịch vụ tài chính trong Luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến từng vấn đề như: về lãi suất, về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán, v.v… Điều này là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 82/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nghị quyết này đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cho Bộ Công Thương là “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010), trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phù hợp với yêu cầu quản lý của đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới”./.

Lê Anh