VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP: NHIỀU ĐỔI MỚI, CẢI TIẾN TRONG CÔNG TÁC THAM MƯU, GIÚP VIỆC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA UBTVQH

27/12/2023

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học (HĐKH) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã có nhiều tham mưu trong tổ chức và hoạt động, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, có cải tiến, đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động, luôn bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của HĐKH và các hoạt động của Quốc hội, UBTVQH để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

PHIÊN HỌP THỨ TÁM CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Hình ảnh phiên họp của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong năm 2023, HĐKH đã thực hiện tốt theo chức năng, nhiệm vụ; cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH. Qua đó, góp phần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cũng như đóng góp vào những thành công chung trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Để đạt được kết quả như vậy không thể không nhắc tới vai trò tham mưu, giúp việc của Viện Nghiên cứu lập pháp trong hoạt động của HĐKH. Cụ thể:

Trong công tác triển khai thực hiện đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt: “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”: Nhận thức rõ việc triển khai thực hiện đề tài cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là tư liệu chính để xuất bản cuốn sách “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, góp phần thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam. Do vậy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chủ nhiệm đề tài, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, yêu cầu của Lãnh đạo Quốc hội, Ban Chủ nhiệm đề tài.

Đối với công tác quản lý và nghiệm thu đề tài: Thực hiện đúng quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, quy định của Nghị quyết số 1227 của UBTVQH, Viện Nghiên cứu lập pháp triển khai quản lý các đề tài đúng quy định, cố gắng bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. Đối với các đề tài triển khai từ năm 2022, Viện đã hạn chế tối đa việc gia hạn các đề tài, không để tình trạng gia hạn nhiều lần như các năm trước đây, không để tình trạng chuyển nguồn kinh phí sang năm sau. Đến ngày 30/11/2023, tất cả các đề tài năm 2022 đã được tổ chức đánh giá nghiệm thu.

Thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào các hoạt động nghiên cứu

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch HĐKH của UBTVQH, Viện Nghiên cứu lập pháp đã có những biện pháp quản lý chặt chẽ và hiệu quả, kiên quyết không gia hạn thời gian thực hiện đề tài đối với các đề tài thực hiện từ năm 2023 trở đi. Đồng thời, Viện tham mưu cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nơi chủ nhiệm đề tài công tác trong việc tổ chức triển khai bảo đảm tiến độ đề tài. Ngoài ra, việc thực hiện đề tài đúng hạn cũng là điều kiện để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chủ nhiệm đề tài và cán bộ chuyên quản trực tiếp quản lý đề tài.

Trong hoạt động hợp tác với các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia, nhà khoa học: Năm 2023, với nhiệm vụ là cơ quan thường trực của HĐKH, Viện đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội để tổ chức triển khai các hoạt động nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng đã có cơ chế thu hút các chuyên gia, cộng tác viên có kinh nghiệm, uy tín để tham gia vào các hoạt động nghiên cứu. Tính đến thời điểm hiện nay, Viện đã thu hút được hơn 400 chuyên gia, cộng tác viên ở các ngành, các lĩnh vực và tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia, cộng tác viên.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển 

Trong năm 2024, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Viện tiếp tục thực hiện nhiệm vụ là cơ quan thường trực của HĐKH của UBTVQH. Cụ thể: Chủ động tham mưu từ sớm để tổ chức các phiên họp của HĐKH hoặc xin ý kiến bằng văn bản các thành viên HĐKH với các nội dung sau: (1) Cho ý kiến về Danh mục NVKH năm 2025; (2) Cho ý kiến về một số dự án Luật phục vụ Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV hoặc những nội dung quan trọng khác khi được UBTVQH, Lãnh đạo Quốc hội yêu cầu;…

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban Chủ nhiệm đề tài cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” theo đúng Kế hoạch triển khai thực hiện đề tài. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTQVH và Văn phòng Quốc hội để triển khai tốt các hoạt động tham mưu cho Quốc hội, UBTVQH và HĐKH.

Tăng cường thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp vào hoạt động của Quốc hội, UBTVQH và các hoạt động của HĐKH; tăng cường phối hợp và ký thoả thuận hợp tác với các cơ quan, cơ sở nghiên cứu để có nhiều hoạt động hợp tác sâu rộng, hữu ích phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, UBTVQH; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đã ký Thoả thuận hợp tác để có Kế hoạch triển khai các hoạt động phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về hình thức khen thưởng, biểu dương những thành viên HĐKH có nhiều đóng góp cho hoạt động của HĐKH. Tiếp tục xây dựng cơ chế hợp tác thường xuyên, định kỳ với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu (như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số Viện Nghiên cứu khác …) để phối hợp tham gia nghiên cứu các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội.

Tiếp tục tăng cường áp dụng các hình thức liên lạc, trao đổi thông tin với thành viên HĐKH bảo đảm hiệu quả hoạt động; ngoài hình thức gửi văn bản thì tăng cường áp dụng hình thức qua các ứng dụng như: zalo, tin nhắn, email, gọi điện trực tiếp… cho từng thành viên HĐKH, đổi mới phương thức phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của UBTVQH để có tài liệu kịp thời gửi cho thành viên HĐKH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ghi nhận, biểu dương và đánh giá những đóng góp của Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị trong năm 2024, phát huy những kết quả đạt được, Viện chú trọng thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục tham mưu hiệu quả cho Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, Viện Nghiên cứu lập pháp cần tiếp tục tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm trong việc liên kết các thành viên Hội đồng khoa học để huy động, phát huy hiệu quả trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia phục vụ hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao của Quốc hội.

Thứ ba, phát huy vai trò đầu mối trong công tác huy động chuyên gia, Viện Nghiên cứu lập pháp cần tích cực phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong hệ thống chính trị trong việc huy động các chuyên gia tham gia sâu vào các hoạt động nghiên cứu phục vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát, phản biện các dự án luật, dự thảo chính sách và tăng cường cung cấp thông tin cho Mặt trận Tổ quốc về các dự án luật và những nội dung khác mà Mặt trận Tổ quốc quan tâm./.

Lê Anh