Những biến chuyển nhanh về kinh tế - xã hội ở nước ta gần đây đã làm nảy sinh nhiều sự kiện xã hội. Thực tế này tạo điều kiện thuận lợi cho DLXH thường xuyên xuất hiện trong đời sống xã hội. Trước thực tế này, các chuyên gia nghiên cứu DLXH cần hình thành ý tưởng và xác định rõ vấn đề cần điều tra, đặt câu hỏi hiện tượng DLXH xuất hiện trong hoàn cảnh nào, diễn ra ở đâu, phản ứng/diễn biến như thế nào? Chuyên gia nghiên cứu cũng cần tìm hiểu hiện tượng xã hội đó đã trở thành DLXH chưa, hay chỉ là những ý kiến lẻ tẻ của cá nhân, hoặc tin đồn v.v.. Sau khi hình thành ý tưởng và xác định xong vấn đề, chuyên gia cần phải thực hiện các bước tiếp theo:
(i) Xây dựng đề cương:
Tên đề cương phải xác định rõ vấn đề cần điều tra là vấn đề gì. Đề cương nghiên cứu cũng phải nêu mục tiêu, câu hỏi, thao tác hóa khái niệm, đối tượng, khách thể, địa bàn, mẫu điều tra, nhóm điều tra, kinh phí... Xây dựng đề cương nghiên cứu được xem là bước đầu tiên của mô hình tổ chức điều tra DLXH, nó cũng có ý nghĩa quan trọng quyết định toàn bộ cuộc điều tra. Sau khi hoàn thiện xong đề cương, chuyên gia nghiên cứu nhanh chóng xin ý kiến góp ý đề cương của chuyên gia và chuẩn bị triển khai bước tiếp theo xây dựng bộ công cụ điều tra và lựa chọn mẫu.
(ii) Xây dựng bộ công cụ và chọn mẫu:
Xây dựng phiếu điều tra: Để có thông tin liên quan đến nhận thức, quan điểm, thái độ... của các nhóm xã hội về một sự kiện nào đó, chuyên gia nghiên cứu cần tiến hành xây dựng phiếu thăm dò DLXH. Phiếu thăm dò DLXH có tiêu đề cụ thể, phần giới thiệu rõ ràng, thông tin xác định thời gian, đặc điểm xã hội của cá nhân rành mạch. Các câu hỏi nội dung của cuộc điều tra nhất thiết phải dựa trên hệ khái niệm đã được thao tác hóa. Các thang đo được chuẩn hoá, cấu trúc và hình thức hợp lý.
DLXH phản ánh nhận thức, thái độ, và xu hướng hành động của nhóm xã hội đối với vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Để nắm bắt đầy đủ, chính xác DLXH, nhà nghiên cứu cần đặt câu hỏi thu thập thông tin về cả 3 thành phần cơ bản là: nhận thức, thái độ và xu hướng hành động. Do đặc điểm, tính chất của DLXH mang tính chỉnh thể chứ không phải là tổng số các đặc điểm, tính chất của từng ý kiến cá nhân. Để giải quyết vấn đề này, câu hỏi phải bao gồm cả đánh giá, tình cảm, thái độ, hành động của cá nhân và của nhóm. Nói cách khác, phiếu thăm dò DLXH thiết kế không chỉ nhằm lấy thông tin cá biệt mà cả thông tin tổng hợp; cần phải đưa ra những câu hỏi về DLXH của nhóm người chứ không chỉ dừng lại ở những câu hỏi về ý kiến của từng cá nhân. Sau khi hoàn thành phiếu hỏi, cần tiến hành thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm giúp nhà nghiên cứu kiểm chứng phiếu thăm dò có hoạt động không, có thu thập được thông tin không?
Chọn mẫu: Điều tra tổng thể tốn nhiều nhân lực, thời gian và tài chính. Tương tự các cuộc điều tra xã hội, để có được thông tin phản ánh DLXH, chuyên gia nghiên cứu DLXH phải lựa chọn kỹ thuật chọn mẫu thích hợp. Nhà nghiên cứu DLXH phải tiến hành chọn mẫu (theo một quy tắc chọn mẫu nào đó) và họ có được một lượng thông tin với thời gian nhanh nhất và tính chính xác cao. Lượng thông tin này là mẫu đại diện. Dựa trên mẫu này, bằng các phương pháp và kết quả của thống kê ứng dụng, người ta cho đánh giá về thực tế DLXH. Độ tin cậy của các thông tin rút ra sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mẫu đại diện được chọn như thế nào, có phản ánh trung thực ý kiến của các nhóm xã hội không.
Có thể coi mẫu nghiên cứu là một tập hợp được lựa chọn từ tổng thể với những đặc điểm tiêu biểu và đại diện cho một dân số lớn hơn vốn là đối tượng quan tâm của nhà nghiên cứu. Tuỳ theo quy mô và cách phân bố của đối tượng mà lựa chọn dung lượng và cơ cấu mẫu điều tra. Trên cơ sở đặc điểm của đơn vị mẫu mà kết quả thu thập từ một nhóm nhỏ được quy chiếu khái quát thành bản chất chung cho đối tượng nghiên cứu. Với lợi thế đó, phương pháp điều tra mẫu thường là công cụ cơ bản trong các nghiên cứu trên bình diện rộng như thăm dò DLXH. Chi phí cho những điều tra chọn mẫu vì vậy thường tiết kiệm được nhiều so với một nghiên cứu tổng thể. Khả năng khái quát các kết quả điều tra trên diện rộng là hết sức lớn, có sức thuyết phục cao nếu được tiến hành đúng quy trình chất lượng.
(iii) Tiến hành điều tra
Sau khi hoàn thành công việc chọn mẫu cũng như thực hiện liên hệ địa bàn và kế hoạch điều tra, chuyên gia có thể triển khai cuộc điều tra theo kỹ thuật đề tài đặt ra (phát phiếu điều tra hoặc trực tiếp phỏng vấn đối tượng, v.v...). Điều cần lưu ý là trong quá trình điều tra, các yêu cầu kỹ thuật về lấy mẫu cũng như tiếp cận đối tượng cần thực hiện đúng nguyên tắc khoa học mà cuộc điều tra đặt ra (tỷ lệ giới tính, nhóm tuổi, nhóm mức sống, nghề nghiệp, khu vực sinh sống, v.v...). Các cuộc điều tra dư luận phục vụ hoạt động của Quốc hội cần được triển khai nhanh nhằm cung cấp kịp thời nguồn tư liệu tham khảo phục vụ các kỳ họp Quốc hội.
Các phiếu điều tra cần được kiểm tra làm sạch ngay tại thực địa. Cuộc điều tra theo hình thức phát phiếu hay hỏi trực tiếp cũng đều cần được kiểm tra xem các phiếu hỏi thông tin có đầy đủ không, còn sai sót, mâu thuẫn không. Sau khi hoàn thành công việc điều tra, bước tiếp theo là xử lý phiếu điều tra và viết báo cáo điều tra DLXH.
(iv) Xử lý phiếu điều tra và viết báo cáo
Xử lý phiếu điều tra: Phiếu điều tra DLXH có thể được xử lý bằng nhiều chương trình phần mềm khác nhau được cài đặt trong máy tính: Excel, SPSS, Stata,... Chuyên gia nghiên cứu phải tiến hành mã hóa các câu hỏi trong phiếu hỏi vào các lệnh của phần mềm mà cuộc điều tra đó sử dụng. Khi mã hóa xong, chuyên gia tiến hành nhập các thông tin của các phiếu hỏi vào phần mềm xử lý số liệu đã được mã hóa trên máy tính. Kết thúc công việc nhập phiếu, chuyên gia tiến hành đặt các lệnh chạy số liệu ra các kết quả điều tra phục vụ cho hoạt động viết báo cáo.
Báo cáo điều tra DLXH về cơ bản có cấu trúc tương tự các báo cáo điều tra xã hội (tiêu đề rõ ràng, nội dung báo cáo trình bày lý do điều tra, mục tiêu, kỹ thuật...). Tuy nhiên, điểm khác biệt với báo cáo điều tra xã hội là nội dung chính của báo cáo điều tra DLXH thường tập trung phân tích nhận thức, thái độ, và xu hướng hành động của các các nhân, nhóm xã hội về một vấn đề nào đó đang diễn ra trong đời sống xã hội. Các thông tin trên sẽ được các chuyên gia điều tra DLXH phân tích, đánh giá khách quan được thể hiện đầy đủ trong bản báo cáo điều tra. Kết quả cuối cùng của báo cáo điều tra nhanh chóng được chuyển đến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Có thể nói, kết quả điều tra DLXH là nguồn tài liệu quan trọng không chỉ cho Quốc hội mà cả các cơ quan hữu quan khác của Chính phủ tham khảo.
Trong bối cảnh đất nước đang có nhiều biến chuyển, diễn ra với tốc độ nhanh, dẫn đến nhiều sự kiện xã hội mới nảy sinh trong đời sống xã hội. Điều này cũng là cơ sở cho sự hình thành và phát triển các luồng DLXH. Việc triển khai mô hình điều tra DLXH để đánh giá và phân tích nhanh các luồng ý kiến của các các tầng lớp xã hội về các sự kiện xã hội mới là rất cần thiết. Kết quả điều tra sẽ là cơ sở quan trọng cho nội dung hoạt động của Quốc hội hiện nay. Quan trọng hơn là các chính sách và pháp luật do Quốc hội ban hành sẽ phản ánh đúng nguyện vọng của các tầng lớp xã hội.
Đối với hoạt động của Quốc hội nước ta hiện nay, việc quan tâm và đầu tư nhiều cho hoạt động điều tra DLXH, để qua đó nhận định, phân tích và đánh giá chính xác các quan điểm, thái độ của các tầng lớp nhân dân cả nước về các sự kiện, hiện tượng đang nổi lên trong đời sống xã hội là rất cần thiết. Kết quả điều tra không chỉ là những tư liệu thực tế sống động cung cấp cho các kỳ họp Quốc hội bàn luận, mà còn là nguồn tài liệu mới cho các cơ quan hữu quan của Chính phủ tham khảo trong việc đề xuất và điều chỉnh chính sách, góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.