TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội
Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần củng cố tiềm lực khoa học và công nghệ trên cơ sở làm chủ công nghệ hiện đại, công nghệ lõi và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.
Tập trung nghiên cứu, đề xuất luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghiên cứu triển khai KH&CN hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống; triển khai các dự án đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm chiến lược, sản phẩm trọng điểm quốc gia; huy động nguồn lực tài chính Nhà nước và các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư cho phát triển KH&CN; thu hút, đào tạo, giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực KH&CN có chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực khối kỹ thuật; khuyến khích, phát huy, trọng dụng nhân tài…
Tiếp tục chuyển một số viện nghiên cứu sang mô hình doanh nghiệp KH&CN và nghiên cứu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp, nhất là đối với công nghiệp lưỡng dụng quốc phòng - dân sinh. Xây dựng đề án và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực cho các trung tâm công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp FDI thành lập các tổ chức chuyển giao công nghệ.
Khuyến khích tự chủ trong sản xuất vật liệu, làm chủ công nghệ chế tạo nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Chú trọng, ưu tiên phát triển nhóm vật liệu hợp kim trở thành vật liệu then chốt tầm cỡ quốc gia. Đầu tư sản xuất sản phẩm thép cuộn và thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép không gỉ là các sản phẩm hiện nay còn thiếu.
TS.Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất hợp kim có giá trị kinh tế cao cho các ngành công nghiệp năng lượng, điện tử, điện thoại, linh kiện, phụ kiện, nhiệt áp cao, các ngành công nghiệp dân dụng và quốc phòng của đất nước để giảm nhập khẩu. Đi đôi với phát triển thị trường vật liệu công nghiệp trong nước.
Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên; chú trọng đầu tư, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai... Đây tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược để thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, tăng cường hội nhập quốc tế đi đôi với bảo vệ thị trường trong nước và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế đáp ứng các yêu cầu của các FTA thế hệ mới nhằm thúc đẩy phát triển và phát huy tối đa nội lực, tận dụng các cơ hội và kết hợp có hiệu quả với các xu thế phát triển của thế giới, tham gia ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiếp tục đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường. Ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hoá, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, nhất là FDI hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước. Tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của các cấu trúc khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi.
Nâng cao năng lực dự báo và năng lực phản ứng chính sách trước những tác động của thế giới và khu vực và sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu, trên cơ sở đó có những kịch bản chủ động hội nhập và ứng phó hiệu quả.
Có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút FDI từ các đối tác thuộc các nước phát triển. Ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.