CẦN NGĂN CHẶN HIỆN TƯỢNG CÒ ĐẤU GIÁ, THÔNG ĐỒNG DÌM GIÁ, TRỤC LỢI TRONG LĨNH VỰC ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

28/11/2023

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các ý kiến ĐBQH chỉ rõ nhiều bất cập, tiêu cực như: tình trạng quân xanh, quân đỏ thông đồng khống chế giá, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá… Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 28/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Không để sơ hở, bất cập, các đối tượng tham nhũng trục lợi trong lĩnh vực đấu giá tài sản

Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Dương Khắc Mai tán thành cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật này cũng như Báo cáo của thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, hiện nay trong hoạt động đấu giá tài sản còn nhiều bất cập, tiêu cực như: tình trạng "quân xanh, quân đỏ" thông đồng khống chế giá, còn tình trạng thông đồng giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá. Quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập. Quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn một số chưa hợp lý, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm. Việc định giá tài sản xác định giá khởi điểm để đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý. Còn một số trường hợp xác định giá khởi điểm rất thấp so với giá thị trường dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, lợi ích nhóm gây nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản lợi dụng để trục lợi.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên tổ chức đấu giá tài sản quy định cụ thể việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm từ 500 triệu đồng trở lên thì nên quy định tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến.

Ngăn chặn hiện tượng cò đấu giá, quân xanh, quân đỏ lộng hành, thông đồng dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá

Đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, việc đấu giá tài sản lần này khác biệt, có nhiều bất cập, cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản, như đấu giá quyền sử dụng đất quy định tại Điều 9 của Luật Đấu giá tài sản. Qua đó góp phần ngăn chặn nạn tham nhũng, nhũng nhiễu, lạm dụng, gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.

Để ngăn chặn hiện tượng cò đấu giá, "quân xanh, quân đỏ" lộng hành, thông đồng dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá hay đe dọa người tham gia đấu giá để dìm giá, bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, ngoài việc xử lý nghiêm việc để lộ, lọt thông tin như dự thảo là cần thiết, cần bổ sung điểm 2, điểm 3 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản quy định "Nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không có đủ năng lực tài chính, nguồn vốn tham gia đấu giá".

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Bên cạnh đó, về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại Chương III, Điều 38 quy định đăng ký đấu giá tài sản tại điểm 4: "Những người không được tham gia đăng ký đấu giá tài sản cần bổ sung quy định không đủ năng lực tài chính, nhằm xác định lý lịch tài chính người tham gia đấu giá vào hồ sơ, trong đó xác định rõ về ngành nghề, công việc, nguồn vốn lịch sử tham gia đấu giá, việc đóng thuế, vi phạm hành chính kinh tế...”.

Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, những bổ sung này là rất cần thiết để người tham gia đấu giá những tài sản có giá trị rất lớn, tài sản phi vật thể là quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản hay quyền sử dụng rừng, quyền sử dụng đất trong nhiều trường hợp là tài sản rất lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng lâu dài liên quan đến an ninh, kinh tế quốc phòng. Vì vậy, không phải ai cũng đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá. Từ những thực tế nêu trên, đại biểu Trần Văn Khải kiến nghị Luật Đấu giá tài sản nên bổ sung nội dung các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản.

Bổ sung các hành vi nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản

Cùng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, các quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện nay đang bỏ trống các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản, quá trình tổ chức thi hành. Có ý kiến cho rằng, tổ chức đấu giá tài sản được làm những gì pháp luật không cấm, có quyền tự do thỏa thuận các giao dịch dân sự.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Do đó, đại biểu đề nghị tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 9 cần bổ sung các hành vi nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản như: Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để không thực hiện việc đấu giá tài sản hoặc thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản như sau: “Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản, kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”. Bởi Luật Đấu giá tài sản hiện hành chỉ mới quy định cấm việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích để nhằm mục đích làm sai lệch kết quả đấu giá, chưa có quy định cấm đối với hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích để nhằm mục đích làm sai lệch kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, vấn đề này trên thực tế đã có xảy ra./.

Bích Ngọc