Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc;…
Luật BHXH sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp, đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
PGS.TS Trần Thị Thuý Lâm, Trưởng Bộ môn Lao động và an sinh xã hội – Đại học Luật Hà Nội
Giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm
Theo PGS.TS Trần Thị Thuý Lâm, tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, một trong những điều kiện để hưởng bảo hiểm hưu trí hàng tháng là người lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 20 năm. Tuy nhiên, điều kiện 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là khá dài không phù hợp, đặc biệt là những người tham gia thị trường lao động muộn hoặc làm công việc không ổn định. Điều kiện để hưởng chế độ hưu trí này cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người lao động - phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt - nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp cho hệ thống BHXH để được hưởng hưu trí trong tương lai khi về già. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc nhiều người lao động đã dừng lại, không theo đuổi việc đóng bảo hiểm để hưởng bảo hiểm hưu trí. Nếu so sánh với pháp luật của một số nước thì mức thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng BHHT của chúng ta cũng được xem khá là dài. Chẳng hạn như Ở Đức thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng bảo hiểm hưu trí chỉ là 60 tháng (5 năm) .
Bởi vậy, việc sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng BHXH hưu trí là cần thiết. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm là hợp lý bởi các lý do sau.
Thứ nhất, việc giảm thời gian đóng BHXH để hưởng hưu trí hàng tháng không chỉ tạo cơ hội cho nhiều người hơn được hưởng lương hưu (vì thời gian đóng BHXH không quá dài) mà còn khuyến khích người lao động tham gia đóng bảo hiểm, trường hợp có nghỉ việc cũng sẽ bảo lưu thời gian đóng BHXH, tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng.
Thứ hai, thực tế cho thấy, số lượng người lao động không đủ 20 năm đóng BHXH tương đối nhiều. Theo số liệu thống kê, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 500 nghìn người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên, có 70 nghìn người hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do không đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc, có trên 20 nghìn người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian tham gia BHXH phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.
Bởi vậy, việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm sẽ tạo cơ hội để nhiều người lao động, đặc biệt là đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH được hưởng bảo hiểm hưu trí hàng tháng, thay vì hưởng BHXH một lần. Bên cạnh đó, việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí sẽ khuyến khích NLĐ bảo lưu và tiếp tục đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng bảo hiểm hưu trí hàng tháng.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm
Cần đảm bảo quyền lợi cho những người có thời gian đóng BHXH dài hạn
PGS.TS Trần Thị Thuý Lâm cho biết, theo Luật BHXH năm 2014 (Điều 58) người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn số năm được tính tỷ lệ hưởng tối đa là 75% ( trên 35 năm đối với nam và trên 30 năm đối với nữ) thì sẽ được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội . So với mức hưởng BHXH một lần thì mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu hơi thấp.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần là: cứ mỗi năm được tính 1,5 tháng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014, bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy mức trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu cho 1 năm đóng bảo hiểm vượt chỉ bằng 1/3 thậm chí là 1/4 so với BHXH một lần.
Chính vì vậy, đã dẫn đến tình trạng người lao động không muốn đóng BHXH vượt số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Người lao động sẽ tìm cách lách luật để hưởng BHXH một lần, sau đó mới đóng BHXH để hưởng bảo hiểm hưu trí. Bởi vậy, cần nâng cao mức trợ cấp này để khuyến khích người lao động đóng BHXH lâu dài.
Dự thảo luật BHXH sửa đổi cũng đã quy định theo hướng: “Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Luật này mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 02 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội”. Tuy nhiên, quy định này chủ yếu mới hướng tới nhóm đối tượng là người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà chưa tính đến quyền lợi cho những người tham gia quan hệ lao động, tham gia đóng BHXH từ sớm. Bởi vậy, thiết nghĩ cần đảm bảo quyền lợi cho những người lao động có thời gian đóng BHXH dài hạn. Có thể cân nhắc điều chỉnh mỗi năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 1 tháng mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã xội. Mức này cũng đảm bảo sự tương quan phù hợp với mức hưởng BHXH 1 lần./.