GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: MỘT SỐ GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

22/11/2023

Chiều nay (22/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Nhằm tiếp tục thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết “Một số góp ý vào dự thảo luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi)” của đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ ĐỔI MỚI TAND TỈNH, HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG THEO THẨM QUYỀN XÉT XỬ

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 22/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Qua hơn 08 năm thi hành, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, đã thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án theo chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý về những vấn đề sau: (1) Nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa án là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” và việc xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; (2) Tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử của các Tòa án; (3) Tổ chức các đơn vị và nhân lực giúp việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao; (4) Nhiệm kỳ Thẩm phán và việc phân chia các ngạch Thẩm phán; (5) Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; (6) Chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật cần tăng cường hơn; (7) Cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai Tòa án điện tử; (8) Cơ chế bảo vệ cho các Thẩm phán, Tòa án;…

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015. Qua hơn 08 năm thi hành, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp

Hệ thống Tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như: yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề mới;… Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Do vậy, phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, pháp luật liên quan và bố trí các điều kiện bảo đảm để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để Tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các Tòa án trong khu vực và trên thế giới.

Để tiếp tục thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân là hết sức cần thiết. Tôi tán thành với nội dung này.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, tôi tham gia góp ý, đề nghị được xem xét, làm rõ hơn một số vấn đề sau:

Dự thảo Luật bổ sung 02 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án, đó là: (1) “Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật” để cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW; (2) “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” vì đây là nhiệm vụ mà tất cả các Hội đồng xét xử đang thực hiện từ trước đến nay khi xét xử các vụ án.

Tại dự thảo Luật quy định “Toà án có thẩm quyền xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật” tại khoản 4 Điều 26 dự thảo nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp “mở rộng thẩm quyền của tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính” được Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra. Và theo giải trình tại Tờ trình của Chính phủ thì việc quy định như trên không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan Nhà nước khác. Tòa án chỉ xử lý vi phạm hành chính trong bốn trường hợp đang được luật quy định và sẽ mở rộng thẩm quyền thực hiện thêm nhiệm vụ khác khi được Quốc hội giao trong luật, bảo đảm tính khả thi và nguồn lực hiện nay của Tòa án.

Tuy nhiên, đối với quy định này đề nghị xem xét trên một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, việc quy định thẩm quyền của Tòa án trong việc quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay đã được quy định tại khoản 2 Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), vì vậy có cần thiết phải quy định lại ở trong Luật này hay không;

Thứ hai, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính là việc của người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; và người có thẩm quyền thẩm quyền có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính, cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính có quyền tự minh hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Như vậy, việc xử lý vi phạm hành chính do người có thẩm quyền theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện trên cơ sở kết quả xác minh. Tại Khoản 4 Điều 26 dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân “Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật.”, như vậy có trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa Tòa án nhân dân với người có thẩm quyền theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính. Đề nghị, cân nhắc làm rõ thêm nội dung này.

Tại Điều 34 dự thảo Luật quy định “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền xây dựng pháp luật thông qua các hoạt động sau:

(1) Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(2) Xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(3) Ban hành văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

(4) Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác xây dựng pháp luật.”

Đối với quy định này, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại sự cần thiết trong việc quy định về xây dựng pháp luật của Tòa án nhân dân. Bởi vì, việc xây dựng pháp luật, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, chính quyền địa phương đã được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn như việc đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh của Tòa án nhân dân đã được quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Ban hành văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân đã được quy định tại chương VI Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, có cần thiết phải quy định lại nội dung về xây dựng pháp luật của Tòa án nhân dân tại Luật này.

Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng quy định Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện như hiện nay. Về vấn đề này, tại dự thảo Tờ trình của Chính phủ có lập luận nhằm phù hợp với nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, Tòa án thực hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia, không phải là Tòa án của tỉnh, huyện hay địa phương nào. Về bản chất, Tòa án hoạt động theo thẩm quyền tố tụng nên việc tổ chức và quy định Tòa án theo cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm là phù hợp, khẳng định đúng bản chất là các “Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử”. Việc thay đổi nêu trên sẽ góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy việc sửa đổi như trên mặc dù có thể phân định rõ thẩm quyền xét xử của các tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm; tuy nhiên, tại dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ được thẩm quyền xét xử của tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm và đang quy định tòa án nhân dân cấp cao cũng có thẩm quyền xét xử phúc thẩm và tòa án nhân dân cấp tỉnh vẫn có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Như vậy, việc sửa đổi như dự thảo là chưa phù hợp với thẩm quyền của tòa án các cấp, cũng như không thống nhất với các nội dung trong dự thảo.

Hơn nữa, việc thay đổi hệ thống tòa án nhân dân như trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong hệ thống tòa án, phát sinh thêm nhiều chi phí cũng như ảnh hưởng đến việc tiếp cận của các đương sự, trong khi đó thẩm quyền của các tòa vẫn không thay đổi và được quy định cụ thể trong các bộ luật, luật có liên quan và vẫn bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Do đó, đề nghị cân nhắc, xem xét lại sự cần thiết trong việc sửa đổi đối với nội dung trên.

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán (Điều 100), dự thảo Luật quy định: Thẩm phán TANDTC làm việc đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác; Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 05 năm, Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Tôi nhất trí với dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, luật hoá một số quy định tại Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Toà án nhân dân; có thể cân nhắc bổ sung thêm điều khoản tại điều này hoặc tại Điều 107 quy định về miễn nhiệm Thẩm phán, để ràng buộc trách nhiệm của Thẩm phán, đảm bảo chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án đúng quy định, tránh tình trạng án để quá hạn, án bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan khi không còn bị ràng buộc về điều kiện để được bổ nhiệm lại như hiện nay.

Về phân công Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ xét xử, khoản 1, 2 Điều 125 quy định:

“1. Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân.

2. Hội thẩm quân nhân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự theo phân công của Chánh án Tòa án nơi mình được cử làm Hội thẩm quân nhân.”

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại quy định này, liệu có nên giữ nguyên quy định Chánh án phân công Hội thẩm như hiện nay không? Quy định như vậy có bảo đảm tính khách quan và có xảy ra tình trạng Chánh án ưu tiên lựa chọn những Hội thẩm thường có cùng quan điểm xét xử với Thẩm phán, mà ít lựa chọn những Hội thẩm có quan điểm xét xử độc lập, thẳng thắn?

Do đó, nên chăng cần quy định ngay trong Luật những quy định chung về cơ cấu tổ chức của Đoàn hội thẩm (gồm bao nhiêu người, gồm những ai…); đồng thời giao trách nhiệm cho Trưởng Đoàn Hội thẩm phối hợp cùng Chánh án trong việc phân công Hội thẩm tham gia xét xử các vụ án. Trên cơ sở những quy định này, “Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm” (khoản 2 Điều 131 dự thảo Luật)./.

                            

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình