• Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 4
  • Phiên họp thứ 3
  • Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ 1
  • Góc nhìn
  • Quốc hội khóa XII
  • ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY NHANH, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XỬ LÝ ĐƠN THƯ VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

    22/11/2023

    Để góp phần đẩy nhanh, nâng cao chất lượng xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, các ĐBQH đề xuất một số giải pháp như: giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương; nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền...

    GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: GIÁM SÁT VIỆC XỬ LÝ ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

    ĐẠI BIỂU KIẾN NGHỊ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

    Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH đối với nội dung này là đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong đó, các ĐBQH nhấn mạnh đến việc các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương...

    Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. 

    Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận mong muốn Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định giao nhiệm vụ cụ thể để sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ nhưng bị kéo dài, chậm giải quyết để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua đó cũng là cơ sở để cho các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và công dân có điều kiện để tập trung giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của các đối tượng được Quốc hội giao nhiệm vụ. Theo đó, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị quy định sửa đổi các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

    Tại báo cáo cũng đã chỉ rõ 3 nghị quyết: Nghị quyết số 228 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ khóa X năm 1999, Nghị quyết số 694 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ khóa XII năm 2008, Nghị quyết số 759 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ khóa XIII năm 2014. Các nghị quyết này đã ban hành lâu đề nghị sửa đổi, bổ sung 3 nghị quyết này cũng đã được kiến nghị nhiều.

    Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Nghị quyết của Quốc hội cũng cần quy định giao nhiệm vụ, thời gian cụ thể để các nghị quyết này sớm được nghiên cứu, sửa đổi thành một nghị quyết thống nhất các quy định để thuận lợi trong áp dụng thực hiện thống nhất. Khi rà soát nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật cũng cần quan tâm nghiên cứu quy định cụ thể hơn về công tác xử lý đối với đơn thư do công dân ngoài tỉnh gửi đến đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội.

    Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận.

    Thực trạng báo cáo cũng đã chỉ ra loại đơn này đã gửi đến nhiều đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội. Đề nghị cần rà soát quy định cụ thể hơn để đảm bảo cơ chế cho đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội xử lý đối với loại đơn này một cách thống nhất, nhằm đảm bảo yêu cầu quyền lợi chính đáng của công dân. Cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về cơ chế xử lý đối với các loại đơn thư của công dân gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Kiến nghị xem xét yêu cầu đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại đối với những bản án quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Các vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã lâu đã phù hợp với quy định của pháp luật, được rà soát trả lời nhiều lần nhưng công dân vẫn chưa đồng ý, công dân tiếp tục theo đuổi.

    Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội cần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại. Vì công dân cho rằng, đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại để đảm bảo cơ chế quy định pháp luật cho đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội xử lý tốt đối với loại đơn thư này cần rà soát, nghiên cứu xem xét quy định cụ thể đảm bảo cơ chế cho đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Quy định pháp luật cụ thể cũng là điều kiện để công dân chia sẻ, đồng thuận với việc xử lý đơn thư của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

    Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

    Đề cập về một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An khẳng định, công tác xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là một chức năng rất quan trọng của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Nếu làm tốt sẽ giúp cho cơ quan dân cử cũng như đại biểu dân cử thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri, qua đó cũng củng cố niềm tin của cử tri đối với các cơ quan dân cử cũng như đại biểu dân cử.

    Đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình cao với các kiến nghị, giải pháp được nêu tại báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từ thực tiễn công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn ĐBQH, cá nhân ĐBQH. Đại biểu Thái Thị An Chung nhận thấy, có một số bất cập kính mong được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm giải quyết.

    Thứ nhất, trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử chưa có quy định về phân loại đơn đối với các cơ quan dân cử. Việc phân loại đơn này căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 05/2021 của Thanh tra Chính phủ. Việc phân loại đơn để xử lý hoặc không xử lý của cơ quan dân cử cũng tương tự như các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, sẽ dẫn đến một thực tế nếu áp dụng triệt để các quy định về đơn không đủ điều kiện thụ lý bao gồm đơn được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân; trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết thực tế số lượng đơn đủ điều kiện được xử lý sẽ rất ít. Bởi lẽ, đa số công dân khi gửi đơn tới các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết xem xét, trả lời, tuy nhiên họ thấy chưa thỏa đáng.

    Cùng một nội dung nhưng đơn gửi đến cơ quan Quốc hội, ĐBQH không phải người dân mong muốn nhờ đại biểu làm công tác bưu tá mà mong muốn Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đôn đốc, giám sát, theo dõi việc giải quyết đã đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hay chưa. Do đó, đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm nghiên cứu sửa đổi các quy định về phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử.

    Hai là, công tác tiếp công dân, xử lý đơn là một việc khó, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững kiến thức pháp luật, vừa có kỹ năng xử lý các tình huống. Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đại biểu dân cử và cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc của các đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này trong thời gian tới.

    Ba là, tôi đồng tình với các đại biểu đã phát biểu, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đơn thư sử dụng chung giữa các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội để thuận lợi hơn trong việc quản lý, lưu trữ, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư.

    Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

    Để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia một số kiến nghị, đóng góp. Một là, nhằm hạn chế trường hợp nhiều vụ việc đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, đã được các cơ quan trung ương và địa phương rà soát, có thông báo chấm dứt việc thụ lý, giải quyết nhưng đoàn đại biểu Quốc hội vẫn chuyển đơn. Đối với các địa phương, cần có quy định thống nhất về phần mềm như đơn thư khiếu nại, tố cáo riêng với hệ thống quản lý văn bản và điều hành để dễ tra cứu, theo dõi các vụ việc, vì đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động theo nhiệm kỳ nên thực tế cho thấy tồn tại nhiều công dân, vụ việc chờ đến nhiệm kỳ sau để tiếp tục khiếu nại, tố cáo, gây khó khăn cho đoàn đại biểu Quốc hội khóa sau.

    Đối với Trung ương, cần mở hệ thống phần mềm tập hợp, tổng hợp các vụ việc phức tạp, nổi cộm đã chấm dứt thụ lý để giảm tải lượng đơn của đoàn đại biểu Quốc hội chuyến đơn ngoài tỉnh hoặc đến các cơ quan trung ương mà tình hình một vụ việc, một công dân hoặc tổ chức gửi một lúc đơn thư đến đoàn đại biểu Quốc hội ngày càng nhiều. Đồng thời, đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.

    Hai là, đại biểu Phạm Thị Kiều hoàn toàn thống nhất với báo cáo tại phần kiến nghị là phải nhanh chóng thiết lập quy định về trường hợp người có thẩm quyền tự mình rà soát, sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai sót. Việc này phù hợp với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong các vụ việc hành chính hiện nay là nguyên tắc sửa sai, văn hóa xin lỗi, nhận lỗi của người có trách nhiệm.

    Phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài

    Trước những kiến nghị, đề xuất của các ĐBQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã làm rõ hơn về kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài và thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đúng pháp luật, hết thẩm quyền.

    Theo đó, Thực hiện Nghị quyết số 623 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài. Thanh tra Chính phủ đã tích cực phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng và các địa phương tiến hành rà soát, phân loại, giải quyết rất cụ thể được 1.003 vụ việc.

    Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

    Theo báo cáo của các địa phương đã tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại và giải quyết được 856/1.003 vụ việc, đạt 85,3%; còn lại 147 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Đến nay, qua theo dõi trụ sở tiếp công dân trung ương, tình trạng các đoàn khiếu kiện đông người lên trụ sở các cơ quan Trung ương để khiếu nại, tố cáo các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã giảm, cơ bản được kiểm soát.

    Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường và phát huy trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành trung ương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn lại. Đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã có quyết định, kết luận giải quyết đúng quy định pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thông báo chấm dứt xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, làm cơ sở để các cơ quan trung ương khi nhận được các đơn thư ở dạng này không chuyển về địa phương. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục công dân chấp hành bảo đảm ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội như ý kiến thẩm tra và ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đã nêu.

    Về ý kiến kiến nghị thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và các ý kiến khác của ĐBQH nêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định: Tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và các ý kiến khác của ĐBQH, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới./.

    Bích Lan