GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ ĐỔI MỚI TAND TỈNH, HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG THEO THẨM QUYỀN XÉT XỬ

21/11/2023

Được trình tại Kỳ họp thứ 6, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết “Một số ý kiến về đổi mới TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương theo thẩm quyền xét xử” của ThS.Nguyễn Thị Kiểm, Thẩm phán Toà án nhân dân huyện Thanh Oai, Tp.Hà Nội.

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: QUỐC HỘI VIỆT NAM TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC – NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN

HOÀN THIỆN TỔ CHỨC BỘ MÁY, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG VÀ UY TÍN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA CHÁNH ÁN TANDTC, VIỆN TRƯỞNG VIỆN KSNDTC… CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG 2023

Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử là vấn đề được đặt ra ngay từ những ngày đầu thành lập Tòa án. Điều 63 Hiến pháp năm 1946 quy định Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà gồm có: (a) Toà án tối cao; (b) Các Toà án phúc thẩm; (c) Các Toà án đệ nhị cấp và sơ cấp. Từ năm 1959 đến năm 2014, hệ thống Tòa án được tổ chức thành 03 cấp gồm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và hệ thống các Tòa án quân sự.

Trong tiến trình cải cách tư pháp, để xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp quan trọng mà Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân. Tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử…”

Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội thông qua với nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, theo đó, Tòa án trong cả nước được tổ chức trong một hệ thống thống nhất là hệ thống Tòa án nhân dân, gồm các Tòa án nhân dân và các Tòa án quân sự, trong đó, các Tòa án nhân dân được tổ chức theo 4 cấp, gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh…; Đây là mô hình tổ chức có sự kết hợp giữa mô hình tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ và mô hình tổ chức theo cấp xét xử.

Theo mô hình này, Tòa án nhân dân cấp cao được thành lập đã khắc phục được một số hạn chế về thẩm quyền xét xử của hệ thống Tòa án theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002. Cụ thể khắc phục được tình trạng các Tòa án cấp trên đều có thẩm quyền xét xử hỗn hợp, thậm chí Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vừa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, vừa giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, dẫn đến tình trạng vị trí, vai trò của mỗi cấp Tòa án trong hệ thống Tòa án chưa được phân định rành mạch; khắc phục được tình trạng Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của mình…; bước đầu khắc phục được việc trong hệ thống Tòa án có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái phẩm (gồm 63 Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 5 Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) khiến cho việc áp dụng pháp luật và đảm bảo thống nhất về đường lối xét xử trong công tác giám đốc thẩm, tái thẩm còn hạn chế.

Sơ đồ tổ chức của hệ thống Tòa án.

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương vẫn chưa được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, còn gắn với địa giới hành chính một cách chặt chẽ, dẫn đến một số hạn chế nhất định như nhận thức Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Tòa án của địa phương đó còn khá phổ biến nên chưa thực sự bảo đảm được nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính, khi một bên trong vụ án là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, từ đó gây nhiều khó khăn cho việc tổ chức và hoạt động của Tòa án. Bên cạnh đó, do số lượng biên chế tại nhiều Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương được bố trí ít, dẫn đến không tổ chức được các Tòa chuyên trách, gây khó khăn trong việc đầu tư đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành chuyên sâu trong các lĩnh vực xét xử cho Thẩm phán, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc đặc thù.

Để giải quyết những vướng mắc, bất cập nêu trên của thực tiễn; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong lần sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân lần này, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra giải pháp đổi mới Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương theo thẩm quyền xét xử. Theo đó, dự thảo Luật quy định tổ chức Toà án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (ví dụ: Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, Tòa án nhân dân sơ thẩm Hoàn Kiếm…) để thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Quy định này phù hợp với truyền thống tư pháp nước nhà khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập các Tòa án của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phù hợp với quy định của Hiến pháp “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án. Thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. Tòa án nhân dân phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Theo tinh thần của dự thảo Luật thì Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm vẫn được tổ chức và có thẩm quyền theo địa hạt tương ứng với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Việc sửa đổi Luật Tổ chức tòa án Nhân dân nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập của thực tiễn; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân.

Theo tôi, giải pháp mà dự thảo Luật đưa ra là phù hợp và cần thiết cho sự phát triển của hệ thống Tòa án nói riêng và nền tư pháp nước nhà nói chung vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội…”. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra các giải pháp “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; “Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử. Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng tòa án điện tử.” Vì vậy, chúng tôi thấy rằng giải pháp đổi mới Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương theo thẩm quyền xét xử là phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng và phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án.

Thứ hai, về bản chất, Tòa án hoạt động theo thẩm quyền tố tụng nên việc tổ chức và quy định Tòa án theo cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm là phù hợp, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong hoạt động của Tòa án.

Thứ ba, việc tổ chức thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm không đơn thuần chỉ là sự thay đổi về tên gọi mà hàm chứa trong nó có sự thay đổi căn bản về tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, là cơ sở để hình thành nên tư duy về Tòa án được tổ chức độc lập theo cấp xét xử, không phải Tòa án được tổ chức theo địa giới hành chính; Tòa án thực hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia, không phải là Tòa án của tỉnh, huyện hay địa phương nào.

Thứ tư, mặc dù Tòa án nhân dân phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm đối với một số loại vụ án theo quy định của Luật tố tụng nhưng nhiệm vụ chính yếu của Tòa án này là xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, trong tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền thì trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân sơ thẩm, tiến tới chuyển toàn bộ thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm cho Tòa án nhân dân sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. Việc đổi mới này cũng là một trong những động lực thúc đẩy tiến trình thực hiện tăng thẩm quyền cho các Tòa án nhân dân sơ thẩm diễn ra nhanh hơn.

Thứ năm, Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, Tòa án thực hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia, không phải là Tòa án của tỉnh, của huyện hay của địa phương nào. Tòa án hoạt động theo thẩm quyền tố tụng nên việc tổ chức Tòa án theo cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không chỉ đơn thuần là đổi tên mà chính là tuân thủ Hiến pháp và thực hiện đúng chủ trương của Nghị quyết Trung ương 27 về các “Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử”. Góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thứ sáu, các Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm vẫn được tổ chức và có thẩm quyền theo địa hạt tương ứng với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nên việc tổ chức Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm theo thẩm quyền xét xử không phải là việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực. Do đó, cơ chế lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của cơ quan dân cử địa phương đối với các Tòa án; quan hệ phối hợp công tác với các Cơ quan thực thi pháp luật vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành, không ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động và quan hệ phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, việc tổ chức Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm theo tinh thần của dự thảo Luật sẽ không làm tăng thêm đầu mối, biên chế; không gây xáo trộn về tổ chức cán bộ trong hệ thống Tòa án nhân dân; không đặt ra vấn đề phải sửa đổi các luật có liên quan vì đã được quy định trong điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật.

Trong bất kỳ công cuộc cải cách nào, việc đổi mới sẽ gặp những trở ngại, vướng mắc ban đầu như có thể làm phát sinh kinh phí tổ chức thực hiện… nhưng vì lợi ích lâu dài, vì sự phát triển của hệ thống Tòa án và sự thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách tư pháp mà Đảng ta đã đề ra, cần thiết phải thực hiện bước đi đầu tiên trong việc đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, làm cơ sở để có những bước đổi mới tiếp theo về sau này./.

                          

ThS.Nguyễn Thị Kiểm,

Thẩm phán Toà án nhân dân huyện Thanh Oai, Tp.Hà Nội