TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 22/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

22/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, 14h00 ngày 22/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 22/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾT QUẢ TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN NĂM 2023

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: QUỐC HỘI VIỆT NAM TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC – NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Theo chương trình phiên họp, sau phần thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung thông tin:

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên họp chiều ngày 9/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật này. Đã có 119 lượt ý kiến phát biểu ý kiến tại tổ. Ngày 21/11/2023, Tòa án nhân dân tối cao đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật này, bày tỏ quan tâm đến những nội dung như quy định về thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử, giải thích pháp luât trong xét xử, đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về những nội dung lớn Tòa án nhân dân tối cao xin ý kiến trong tờ trình, sự phù hợp nội dung dự thảo luật với chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 27 của Trung ương, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành… cùng các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

14h03: Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Quy định Tòa án xét xử vi phạm hành chính là khó khả thi

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi thể hiện sự đồng tình cần thiết phải sửa đổi một cách toàn diện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, nhằm khắc phục những vướng mắc bất cập qua 8 năm thi hành luật; đồng thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và yêu cầu nhiệm vụ giải pháp về cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. 

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi quan tâm đến nhiệm vụ quyền hạn của tòa án nhân dân, theo đó tại điểm b khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật quy định: khi thực hiện quyền tư pháp, Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết xét xử vi phạm hành chính theo quy định của Luật và tại Điều 26 quy định cụ thể nội dung này. Quy định như dự thảo luật, đại biểu cho rằng sẽ gây áp lực rất lớn cho Tòa án nhân dân các cấp, vì hiện nay số lượng vụ án vụ việc quá nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi biên chế nguồn lực của ngành Tòa án còn hạn chế. 

Đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này cho phù hợp với thực tế khả năng triển khai thực hiện của ngành Tòa án. Hơn nữa, nếu bổ sung nhiệm vụ quyền hạn cho tòa án giải quyết xét xử vi phạm hành chính cần sửa trước các cái nội dung này trong các luật liên quan như: Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng hành chính…

Về tổ chức Toà án nhân dân, đại biểu cho biết, tại Khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật quy định: Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, Tòa án nhân dân phúc thẩm; Tòa án nhân dân sơ thẩm, TAND sơ thẩm chuyên biệt và Toà án quân sự. Như vậy TAND cấp huyện, cấp tỉnh hiện nay sẽ được thay bằng TAND sơ thẩm và phúc thẩm. Qua tờ trình của TANDTC, sự thay đổi này nhằm mục đích bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử. 

Tuy nhiên nghiên cứu về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định cụ thể tại các điều luật cho thấy vẫn không khác gì nhiều so với luật hiện hành. Các Tòa án này vẫn được tổ chức và có thẩm quyền theo địa hạt tương ứng với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. Nhìn chung, sự thay đổi này chỉ là ở tên gọi, còn nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong, cơ chế lãnh đạo của cấp ủy đảng, giám sát của cơ quan dân cử địa phương, quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan... vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành. Hơn nữa, Toà án cấp phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền. Đại biểu cho rằng sự thay đổi này chỉ là bình mới - rượu cũ, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm, nếu cần phải đổi mới thì phải đổi mới một cách toàn diện và thực chất, còn nếu chưa đủ điều kiện, tính khả thi thì nên giữ như quy định của luật hiện hành.

 Về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, đại biểu, đại biểu cho biết qua tổ chức lấy ý kiến góp ý còn hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất bày tỏ lo ngại việc giao cho người dân, đương sự tự thu thập và cung cấp chứng cứ như vậy sẽ rất khó thực hiện, bởi vì hiện nay ngay cả Tòa án thu thập chứng cứ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan, đơn vị chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu hoặc cung cấp không đầy đủ, thậm chí không cung cấp mặc dù đã có văn bản yêu cầu của Tòa án. Nếu giao cho người dân trách nhiệm này thì sẽ còn gặp khó khăn hơn, từ đó, dẫn đến chậm trễ cho việc giải quyết, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện trình độ dân trí, sự am hiểu pháp luật của người dân như hiện nay thì nên giữ như quy định Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần khẳng định việc thu thập và cung cấp chứng cứ trong vụ án dân sự là trách nhiệm của các bên tham gia tố tụng, không phải là trách nhiệm của Tòa án, Tòa án của nhiều quốc gia trên thế giới đều thực hiện như vậy. Trước đây, trách nhiệm thu thập, cung cấp chứng cứ là của người tham gia vụ kiện, nhưng đến Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 lại quy định giao về cho Tòa án. Từ khi thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ Tòa án gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, có trường hợp những người có liên quan chống đối, không cho thu thập chứng cứ, gây nguy hiểm cho sự an toàn của cán bộ, trong khi cán bộ của Tòa án đã phải giải quyết rất nhiều công việc tại Tòa. 

Hơn nữa, việc Tòa án thu thập chứng cứ rồi đánh giá chứng cứ sẽ không đảm bảo tính khách quan. Pháp luật cũng đã có quy định về việc các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ xét xử, do đó, cần xử lý nghiêm các cơ quan chậm cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, chứ không lấy việc các cơ quan chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm lý do giao trách nhiệm này cho Tòa án, vì nhiệm vụ của Tòa án là xét xử, còn trách nhiệm này là của đương sự, muốn bảo vệ quyền lợi của mình, muốn thắng kiện thì phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ để chứng minh.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi khẳng định, đây là nội dung rất quan trọng và có tác động rất lớn trong lần sửa đổi này. Vì vậy đề nghị TANDTC có báo cáo đánh giá tác động, giải trình làm rõ thêm vấn đề này để ĐBQH và người dân có thể an tâm hơn.

14h10: Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cân nhắc thêm việc đổi tên Tòa án

Đại biểu Mai Văn Hải thống nhất cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, thống nhất sự cần thiết sửa đổi luật với đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn.
Về tổ chức và thẩm quyền thành lập tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm, tòa sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng cần cân nhắc thêm việc đổi tên Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân huyện thành Tòa án phúc thẩm , Tòa án sơ thẩm, cũng như là việc thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt.

Đại biểu cũng cho rằng cần đánh giá kỹ tác động khi thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt. Trên thực tế những vụ việc khó, phức tạp trong lĩnh vực liên quan phá sản, thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ … cũng không nhiều, bình quân 8 năm thi hành Luật, mỗi năm có khoảng 200 vụ việc cả nước. Do đó, đề nghị nên nghiên cứu, nếu thành lập thì nên quy định cụ thể việc thành lập Toà sơ thẩm chuyên biệt có thể theo lãnh thổ tùy tình hình và nhu cầu thực tế.

Về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, nếu chỉ yêu cầu, hướng dẫn đương sự cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc hành chính, dân sự thì đây là gánh nặng cho người dân trong việc thu thập tài liệu, nhất là các tài liệu liên quan đến các vụ việc hành chính, các tài liệu liên quan đến vụ việc dân sự. Nếu quy định chỉ yêu cầu đương sự cung cấp thông tin, tài liệu thì sẽ có nhiều vụ việc đương sự cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ, nhất là các tại liệu thuộc các cơ quan quản lý, dẫn đến kết quả xét xử sẽ bị sai lệch. Theo đại biểu Mai Văn Hải nên nghiên cứu quy định có trách nhiệm của đương sự và trách nhiệm của Toà án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ vụ việc hành chính, dân sự.

Về lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị làm rõ: Cơ chế để thực hiện phân công ngẫu nhiên như thế nào? Phương thức, cách thức thực hiện phân công ngẫu nhiên? Yêu cầu nào để đảm bảo được thực hiện nguyên tắc vô tư, khách quan trong phân công xét xử. Phân công ngẫu nhiên sẽ xảy ra có trường hợp vụ án khó mà giao cho thẩm phán, hội thẩm năng lực hạn chế thì sẽ không thể có chất lượng xét xử tốt được. Đại biểu đề nghị nên quy định căn cứ vào tính chất vụ án, năng lực của thẩm phán, hội thẩm để Chánh án phân công cho phù hợp.

Về phương thức tổ chức xét xử tại toà án, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần đánh giá lại việc tổ chức phiên toà trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội, trên cơ sở đó cần cụ thể hoá hơn nữa điều kiện tổ chức phiên toà trực tuyến và cũng chi nên quy định đối với những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, không liên quan đến bí mật nhà nước.

14h16: Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Cần cân nhắc kỹ quy định về thẩm quyền giải thích pháp luật

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, đại biểu bày tỏ đồng tình với những quy định về trách nhiệm thực hiện quyền tư pháp của Tòa án như trong dự thảo luật để thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 27 đã đề ra, xác định thẩm quyền của Tòa án là thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp, đồng thời cũng là để cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, điểm d khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật quy định: Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ làm phát sinh một số vấn đề.

Theo đại biểu, cơ quan làm ra luật thì mới có thể giải thích đúng đắn tinh thần pháp luật. Quốc hội ban hành luật, thì chỉ Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới được giải thích luật. Chính phủ, các bộ, ngành ban hành Nghị định, Thông tư chỉ để hướng dẫn thi hành, hoặc quy định chi tiết. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ ban hành Nghị quyết để hướng dẫn đường lối xét xử. Đại biểu cho rằng hệ thống quy định như vậy đã đảm bảo hợp lý.

Đại biểu đặt vấn đề, kết quả giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử đó có là một trong những nguồn tham chiếu để giải quyết các vụ án, vụ việc khác hay không? Hay chỉ phục vụ xét xử vụ án cụ thể đó? Trong trường hợp là nguồn tham chiếu thì giá trị của việc giải thích đó như thế nào trong hệ thống pháp luật? Có mâu thuẫn, xung đột gì với chức năng giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan khác? Nếu có mâu thuẫn thì nên áp dụng theo nguồn nào?

Đại biểu đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo, hoặc quy định lại theo hướng “giải thích lý do áp dụng quy định pháp luật” để đảm bảo rõ ràng về nghĩa, nhất quán và đồng bộ trong triển khai thực hiện.

14h23: Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Khẳng định địa vị pháp lý của Tòa án trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức TAND đã nêu tại Tờ trình. Việc sửa đổi luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời các nghị quyết, văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết số 27.

Góp ý về việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy, quy định này nhằm thể chế hóa nhiệm vụ “Bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Đồng thời cũng phù hợp với Điều 102 Hiến pháp 2013.

Quy định này sẽ góp phần mạnh mẽ vào việc khắc phục những hạn chế trong thực tiễn xét xử của Tòa án, đặc biệt là tình trạng cho rằng Tòa án là một cơ quan thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, việc đổi mới tổ chức như vậy là sự khẳng định rõ nét nguyên tắc các Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, việc đổi mới này tuy có thể phát sinh chi phí do phải điều chỉnh tên gọi, thay đổi con dấu nhưng vì lợi ích lâu dài, vì sự phát triển của hệ thống Tòa án và sự thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách tư pháp mà Đảng ta đã đề ra, theo đại biểu, cần thiết phải thực hiện bước đi đầu tiên trong việc đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, hình thành tư duy về Tòa án được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử chứ không theo cấp hành chính; làm cơ sở để có những bước đổi mới tiếp theo về sau này; bảo đảm tốt hơn độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Do đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà tán thành với việc đổi mới TAND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử như đã quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật.

14h29: Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Toà án nhân dân

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho biết, Luật Tổ chức Toà án nhân dân được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 24/11/2014. Tuy nhiên, trải qua gần 10 năm cùng với sự thay đổi đất nước, nhiều quy định không còn phù hợp. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới đã xác định cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tư pháp, sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng, yêu cầu cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án là rất cần thiết....

Quan tâm tới việc thu thập chứng cứ, đại biểu nhận thấy, quy định tại dự thảo là nội dung hoàn toàn mới so với Luật hiện hành. Lý giải việc nhất trí với quy định này, đại biểu cho biết, việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành. 

Bên cạnh đó, tòa án thu thập tài liệu cho đương sự vô hình chung đã làm thay cho việc đương sự khiến họ trông chờ vào toán, lâu dài dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Việc đương sự tự thu thập, giao nộp chứng cứ phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đã đề cao vai trò bên nhân sự trong việc chứng minh sự việc. Việc thu thập, giao nộp chứng cứ của đương sự vẫn đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ.

Như vậy, dự thảo Luật, đương sự còn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với luật hiện hành. Tuy nhiên, theo luật hiện hành và thực tiễn hiện nay, có một số trường hợp khi Tòa án yêu cầu thu thập, giao nộp tài liệu liên quan đến một số cơ quan nhà nước và tổ chức còn gặp nhiều khó khăn. Nếu để đương sự tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến cơ quan, tổ chức này thì sẽ gặp khó khăn hơn nữa. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung Tòa án hỗ trợ đương sự trong việc xác minh, thu thập tài liệu do các cơ quan nhà nước, tổ chức đang lưu giữ, quản lý hồ sơ.

14h36: Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng cho biết, sau khi nghiên cứu Tờ trình, hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra, đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật…

“Sau hơn 8 năm thi hành, Luật Tổ chức tòa án nhân dân đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của nền tư pháp nước nhà. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặc biệt những vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy, thẩm quyền của Tòa án, thẩm phán, hội thẩm, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với thẩm phán và cán bộ, công chức tòa án…”, đại biểu Thắng nêu rõ. 

Đại biểu cho rằng, các điều kiện bảo đảm hoạt động của Tòa án cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc sửa đổi luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

14h41: Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu tranh luận

Tranh luận với đại biểu Bùi Sỹ Hoàn về vấn đề giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, nhiều luật sư tranh tụng cùng cá nhân đại biểu đồng tình với quy định trong dự thảo luật. Theo đó, giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử thực chất là công việc tòa án đã và đang làm từ trước tới nay, không phải là hoạt động mới khi xét xử các vụ án, nhưng chưa được ghi nhận bằng một điều khoản cụ thể trong luật về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án. Do đó, việc luật hóa hoạt động giải thích pháp luật trong xét xử là cần thiết.

Bên cạnh đó, chỉ có Tòa án mới có quyền ra bản án, tuyên một người là có tội hay không có tội, tử hình hay không tử hình, như vậy, phán quyết của tòa án liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của con người, do đó, tòa án giải thích rõ trong bản án là rất cần thiết, để tất cả những người tòa đã tuyên đều phải tâm phục, khẩu phục. 

Ngoài ra, việc bổ sung quy định này không trùng với thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích nội dung quy định của luật, pháp lệnh, còn Tòa án giải thích việc áp dụng pháp luật trong từng vụ án cụ thể. Việc giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử có ý nghĩa trong phạm vi bản án, quyết định của Tòa án về một vụ việc cụ thể, chỉ có tình bắt buộc đối với các vụ việc trong phạm vi xét xử, không được ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật.

14h44: Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận

Tranh luận với ý kiến đại biểu về việc Tòa án có nên chủ trì thực hiện thu thập chứng cứ hay không, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, người dân không có hiểu biết sâu do vậy cần thiết quy định Tòa án thực hiện thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo sự khách quan của vụ án, để ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên.

Phân tích vì sao đặt vấn đề Tòa án nhân dân thực hiện thu thập chứng cứ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, Việt Nam theo hệ dân luật, trong hệ dân luật, Tòa và thẩm phán chủ trì trong việc đánh giá xem xét và cần thiết thì thu thập chứng cứ.

Hơn nữa, tên gọi Tòa án nhân dân có ở Việt Nam, trong khi ở các nước không có tên là Tòa án Nhân dân; điều kiện của Việt Nam có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về dân trí, về văn hóa, giữa thành thị và nông thôn. Do đó rất nhiềungười dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ và do những khoảng cách ấy, nếu khoán cho các bên sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế.

Đại biểu cho rằng, Tòa án chủ trì việc thu thập chứng cứ không mâu thuẫn với các bên tự thu thập chứng cứ nhưng mỗi bên đều thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ bất lợi cho mình. Vì vậy, Tòa án là tìm đến “ông Bao công” để ra phán quyết công bằng cho các bên.

Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân thì không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án.

14h56: Đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận

Tranh luận về vấn đề đồng ý bỏ thu thập chứng cứ tại tòa, đại biểu Nguyễn Thanh Sang - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhận thấy, Điều 15 khoản 1 quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Đại biểu cho rằng, quy định không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Đại biểu nêu rõ các lí do sau: Thứ nhất, điều kiện kinh tế - xã hội nước ta chưa cho phép điều này. 

Thứ hai, trình độ dân trí, ý thức pháp luật và hiểu biết pháp luật, nhất là người lao động hiện nay còn nhiều hạn chế. 

Thứ ba, cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết yêu cầu của người dân. Theo báo cáo của Tòa án, hiện nay chỉ có 8,15% các vụ có người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi

Thứ tư, việc để người dân tự thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, cá nhân, là một thách thức với người dân, vì người dân không đủ điều kiện, năng lực, cơ chế yêu cầu cơ quan nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang chia sẻ thêm, cơ quan Nhà nước không tự cung cấp chứng cứ nếu không có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. (Còn tiếp)

14h47: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần có sự điều chỉnh một cách toàn diện, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài

Nêu rõ việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân là cần thiết, đúng đắn, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cơ bản thống nhất với dự án Luật và cho rằng cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu bám sát tình hình thực tế, rà soát kỹ lưỡng các văn bản pháp luật có liên quan, khắc phục các nhược điểm, thiếu sót của pháp luật hiện hành. 

Cho ý kiến về đổi tên Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng quy định này khắc phục được tình trạng có nhận thức cho rằng Tòa án là một cơ quan hành chính thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc đổi tên; số lượng các tòa án vẫn gắn liền với địa giới hành chính; cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa này không thay đổi thì vẫn chưa thể hiện được đặc thù của mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh một cách toàn diện, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài. 

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cũng đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể về việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (Điều 4, Điều 62 Dự thảo Luật).

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị thay thế cụm từ “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” bằng cụm từ “Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ theo quy định” tại khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật. Đại biểu lý giải trên thực tiễn trình độ nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nếu Tòa án không hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thực tế, hầu hết các vụ việc đều do Tòa án “hỗ trợ” các đương sự và Điều luật mới này của dự thảo cũng không thay đổi bản chất so với các quy định của Luật Tố tụng hành chính và Bộ luật Tố tụng dân sự. Từ đó, cũng cần có hướng dẫn cụ thể và có chế tài hơn đối với các cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ mà các đương sự yêu cầu sao chụp nhưng từ chối cung cấp. 

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng dự thảo Luật quy định: Tòa án có thẩm quyền xét xử các vi phạm hành chính theo quy định của luật tại khoản 4 Điều 26 dự thảo là cần thiết và phù hợp với thực tiễn xét xử. Tuy nhiên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi theo hướng: “Tòa án có thẩm quyền xét xử các vi phạm hành chính khác, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng quy định về nhiệm kỳ của thẩm phán là chưa phù hợp do các cơ chế về miễn nhiệm, bãi nhiệm Thẩm phán chưa thật sự chặt chẽ, rõ ràng nên mỗi khi tiến hành bổ nhiệm lại theo quy định hiện nay (05 năm, 10 năm) là một lần có thể đánh giá kỹ càng các Thẩm phán trong một quá trình thực hiện nhiệm vụ (xem xét lại toàn bộ quá trình giải quyết chuyên môn, tỷ lệ hủy, sửa…) và có phương án xem xét, bố trí sắp xếp phù hợp nếu không đủ điều kiện làm Thẩm phán. Hạn chế những Thẩm phán có tư tưởng an phận làm việc cầm chừng khi được giữ ngạch Thẩm phán trọn đời đến lúc nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thư ký Tòa án quy định tại Điều 117 dự thảo Luật là người đã được đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều Trường Đại học đào tạo chuyên ngành Luật nhưng chỉ có duy nhất Học viện Tòa án là có đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án. Vậy điều kiện bổ nhiệm này có công bằng với các đối tượng khác ở các Trường Đại học khác có nguyện vọng tham gia tuyển dụng công chức ngành Tòa án hay không? Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại cho phù hợp.

14h52: Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Cần cơ chế hữu hiệu để bảo đảm an ninh, trật tự tại tòa án

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, cần có cơ chế hữu hiệu để bảo đảm an ninh, trật tự tại tòa án, đảm bảo an toàn cho các hoạt động của tòa án. 

Theo đại biểu, thực tiễn công tác của tòa án cho thấy, bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự của tòa án đang là yêu cầu cấp thiết. Trụ sở các tòa án thường là nơi tập trung đông người, đặc biệt khi có phiên tòa. Người tham gia phiên tòa thường là những người nhà của bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án, khi đến phiên tòa dễ có tâm lý căng thẳng với nhau.

Đại biểu phản ánh, có nhiều trường hợp đã xảy ra xô xát tại phiên tòa, thậm chí người tham gia phiên tòa chống đối sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, hoặc tấn công người tiến hành tố tụng tại phiên tòa, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm hoạt động bình thường của tòa án và trật tự pháp luật chung. 

Theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mới có lực lượng cảnh sát bảo vệ. Đại biểu cho rằng, trụ sở của các tòa án là nơi quản lý, lưu giữ các tài liệu giải quyết vụ án, đây đều là những tài liệu liên quan đến việc quyết định sinh mạng, tự do, quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ việc, vì vậy, trụ sở các tòa án cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn nữa.

Nhiều trường hợp, các đối tượng, phần tử tiêu cực chống đối nhà nước Việt Nam đã lợi dụng việc nhà nước xét xử công khai để lôi kéo, dụ dỗ, kích động người dân, người thân của bị can, bị cáo gây rối, làm mất trật tự tại phiên tòa, thậm chí kích động gây nên khiếu nại, khiếu kiện đông người, gây rối tại trụ sở tòa án. 

14h56: Đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận

Tranh luận về vấn đề đồng ý bỏ thu thập chứng cứ tại tòa, đại biểu Nguyễn Thanh Sang - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhận thấy, Điều 15 khoản 1 quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Đại biểu cho rằng, quy định không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.

“Tòa án là cơ quan quyền lực mà thu thập chứng cứ còn khó khăn, huống hồ giao cho người dân. Hiện chúng ta chưa có cơ chế để người dân tự thu thập chứng cứ”, đại biểu nêu rõ.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng, theo quy định, Tòa án đã thu thập chứng cứ từ Pháp lệnh giải quyết các thủ tục dân sự từ năm 1989, đến Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đến nay, đây là quy định rất nhân văn và đã đi vào thực tiễn 3-5 năm nay. Bởi vì một năm Thẩm phán đã giúp cho người dân thu thập chứng cứ một cách trọn vẹn nhất, chính xác nhất với khả năng và năng lực của Thẩm phán.

15h00: Đại biểu Mai Khanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tranh luận

Trao đổi về việc thu thập chứng cứ của Toà án, đại biểu Mai Khanh cho biết, về chủ trương, Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 và Nghị quyết 27 đều xác định trong hoạt động tư pháp lấy Tòa án làm trung tâm và xét xử làm trọng tâm. Trong công tác xét xử đề cao việc tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo cho tất cả các phán quyết của Tòa án chủ yếu dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Đại biểu cho rằng, việc quy định cho Toà án thu thập chứng cứ từ Pháp lệnh năm 1989 đến nay là một tồn tại chưa giải quyết được...

Thực tế hiện nay, khi các đương sự gửi đơn đến Toà án, đa phần việc thu thập chứng cứ đều dựa vào Toà án. Chính vì vậy đã nảy sinh ra một số hệ luỵ như tình trạng nghi ngờ việc thu thập chứng cứ của thẩm phán; khiến cho cá nhân và tổ chức "quên" nhiệm vụ cung cấp chứng cứ cho các đương sự, người dân. Chính vì vậy, đã dẫn tới các cơ quan, đơn vị trên lấy lý do khi Toà án yêu cầu mới cung cấp chứng cứ cho người dân. Đại biểu nhấn mạnh, hiện nay là thời điểm phù hợp và cần thiết để thay đổi vấn đề này. Nếu tiếp tục quy định như hiện nay thì việc phấn đấu hướng đến nền tư pháp văn minh, phục vụ người dân sẽ dồn lên Toà án mà bỏ qua vai trò của các cơ quan khác nắm giữ chứng cứ trong việc cung cấp cho người dân.

15h03: Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Tán thành quan điểm cần Luật hóa giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử

Phát biểu ý kiến tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đánh giá cao Tòa án nhân dân tối cao về việc xây dựng dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này…

Bày tỏ tán thành với việc cần Luật hóa giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, chỉ duy nhất Tòa án có quyền phán quyết một người là có tội hay không, thậm chí là tử hình hay không tử hình. Như vậy, phán quyết của Tòa án liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của một con người. 

Đại biểu nêu rõ, một người chỉ bị coi là có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Kể cả khi đã có kết luận điều tra hay cáo trạng của Viện kiểm sát thì người này vẫn chưa được coi là có tội. Do đó Tòa án phải giải thích rõ trong bản án, vì sao toán lại tuyên bị cáo có tội, vì sao là tội này mà không phải là tội khác? Vì sao là 5 năm mà không phải 10 năm tù? Vì sao lại chấp nhận ý kiến của Viện kiểm sát mà không chấp nhận ý kiến của luật sư. 

Đại biểu Thủy nhấn mạnh, Tòa án cần phải giải thích rõ trong bản án về việc áp dụng pháp luật gắn với những tình tiết, tình huống cụ thể của vụ án và có giải thích một cách rõ ràng, thấu đáo để thuyết phục được xã hội cũng như tội phạm.

15h09: Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Đảm bảo quy định hợp lý, phù hợp, không mâu thuẫn, bất cập trên thực tiễn

Phát biểu về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân khi thực hiện quyền tư pháp, đại biểu Đỗ Văn Yên cho biết dự thảo luật quy định bổ sung 2 quyền hạn mới, đó là giải quyết vi phạm hành chính theo quy định của luật và giải thích áp dụng pháp luật khi xét xử. Đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã sửa đổi căn bản nhiều nội dung có liên quan trong luật hiện hành. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, kế thừa những quy định hợp lý, phù hợp, không mâu thuẫn, bất cập trên thực tiễn.

Đại biểu đề nghị quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân khi thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm tính kế thừa, khả thi khi áp dụng luật.

Về mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, đại biểu cho biết, dự thảo luật đổi tên Tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Đại biểu cho rằng, việc thay đổi tên gọi này mà không đi kèm với sự thay đổi nào về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tòa án để đáp ứng với chủ trương của Đảng như trong Nghị quyết số 27 là chưa đồng bộ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ, có lộ trình thay đổi cho phù hợp.

15h14: Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu tranh luận

Trao đổi với ý kiến đại biểu về quan điểm không nên đổi tên tòa án thành Tòa án nhân dân sơ thẩm và Tòa án nhân dân phúc thẩm, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, độc lập trong xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính mới đảm bảo độc lập, khách quan. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về nội dung này.

Đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh, việc điều chỉnh tên sơ thẩm và phúc thẩm thay cho cấp huyện, cấp tỉnh là một nội dung khó và thực hiện Nghị quyết số 49 năm 2005 của Bộ Chính trị và mới đây nhất là Nghị quyết 27 của Trung ương Đảng. Đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh nhằm đảm bảo độc lập về xét xử theo thẩm quyền của cơ quan tòa án, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, có như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh, công minh của tòa án, mới thực hiện được nhiệm vụ của Hiến pháp giao cho tòa án là bảo vệ công lý.

Theo đại biểu, Ban soạn thảo nên đưa vào các nội dung một cách cụ thể hơn, đó là sửa thẩm quyền của tòa án trong các luật tố tụng dân sự, hành chính và hình sự. Riêng hình sự không sửa thẩm quyền của Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra. Đồng thời, lập Toản sơ thẩm không theo địa giới hành chính trên cơ sở tổng kết, đánh giá và xem xét lại hệ thống của tòa án cấp huyện hiện nay. Ngoài ra, tỉnh ủy, thành ủy thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với tòa án sơ thẩm; Tòa án nhân dân Tối cao vẫn quản lý tòa án địa phương về toàn bộ các công việc liên quan tới nhiệm vụ và vấn đề về tổ chức. 

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định theo hướng tập trung năng lực cho xét xử sơ thẩm của tòa án sơ thẩm; không phân biệt thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp mà chỉ là thẩm phán.

15h17: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu tranh luận

Cho ý kiến về tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm, tòa án chuyên biệt không phụ thuộc vào địa giới hành, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng xác định trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và tòa án sơ thẩm chuyên biệt quy định tại Điều 4, Điều 23, Điều 24, Điều 62 và Điều 63. Liên quan đến việc Tòa án nhân dân phúc thẩm xét xử sơ thẩm một số vụ việc theo thẩm quyền, đại biểu cho rằng phải có lộ trình chuyển xét xử sơ thẩm một số loại vụ việc chuyển cho Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, cũng như định hướng tiến tới bảo đảm xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân tương đương. 

Mặt khác, Điều 153 về điều khoản chuyển tiếp cũng có quy định khi Luật có hiệu lực thì quy định về thẩm quyền xét xử của tòa án phúc thẩm và sơ thẩm. Do đó, điều quan trọng là có lộ trình và có thời gian thực hiện chuyển đổi từ các loại vụ việc trước đây Tòa án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm thì chuyển hẳn về cho tòa án sơ thẩm.

Song đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng việc nghiên cứu thành lập tòa án khu vực là tốt nhất để tập trung nguồn lực vừa tập trung nhân lực và cải thiện được vị trí xét xử và khẳng định vị trí xét xử.

15h21: Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Cần thiết quy định về quyền, nhiệm vụ xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của VBQPPL trong xét xử

Góp ý về quyền, nhiệm vụ xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của VBQPPL trong xét xét xử nêu tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, quy định này là cần thiết với các lý do sau:

Một là, nội dung này đã kế thừa tại khoản 7, Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Điều 265 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Điều 221 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, các Điều 111,112, 113, 114 của Bộ luật Tố tụng hành chính năm 2015. 

Về cơ bản, hiện nhiệm vụ này đã và đang được Tòa án thực hiện nhiều năm qua và chưa phát sinh vướng mắc liên quan đến hệ quả pháp lý quy định này. Thực tiễn hệ thống pháp luật của chúng ta từ Hiến pháp, luật đến nghị định, thông tư liên đến các văn bản dưới luật có thể có nội dung thu hẹp quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân xong quy định tại Hiến pháp, luật là hoàn toàn có thể xảy ra.

Hai là, theo quy định tại Khoản 2, Điều 119 Hiến pháp năm 2013, chủ thể bảo hiến ở nước ta bao gồm nhiều cơ quan, trong đó các Tòa án nhân dân. Đại biểu cho rằng, nhiệm vụ này được thực hiện thông qua chức năng chính của Tòa án và xét xử của Tòa án. Tòa án chỉ xem xét tính hợp hiến của các VBQPPL trong điều kiện một vụ án cụ thể khi tính hợp hiến của văn bản luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và cần thiết cho việc giải quyết vụ án.

Ba là, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Phạm Văn Thịnh nhận thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giao chức năng bảo hiến cho Tòa án thông qua nhiệm vụ xem xét, quyết định tính hợp hiến, hợp pháp với VBQPPL.

Bốn là, dự thảo đề xuất nhiệm vụ xem xét, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của VBQPPL trong xét xử của Tòa án là phù hợp và không chồng chéo với chức năng của Quốc hội.

Do đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, việc xem xét văn bản pháp luật khi xét xử cũng chính là nâng cao trách nhiệm của cơ quan tư pháp, tạo sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử của thẩm phán, tạo nên sự cân bằng, thúc đẩy tích cực quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước.

15h24: Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Cần thể hiện rõ không chỉ Toà án nhân dân thực hiện quyền tư pháp

Góp ý về việc quy định Toà án thực hiện quyền tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nhận thấy việc quy định cụ thể về nội hàm của quyền tư pháp mà Tòa án nhân dân thực hiện là cần thiết, nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nội dung này và phân định rõ phạm vi quyền tư pháp Tòa án nhân dân thực hiện với quyền tư pháp các cơ quan khác trong hệ thống bộ máy nhà nước thực hiện. 

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần quy định chặt chẽ, tránh dẫn đến những cách hiểu khác nhau; cần thể hiện rõ trong hệ thống tổ chức bộ máy của nhà nước không chỉ có Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp...

Về việc bổ sung nhiệm vụ, thẩm quyền xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, đại biểu chỉ rõ, hiện nay các quy định này còn rất chung chung, chưa cụ thể các loại văn bản nào thuộc thẩm quyền Tòa án có thể xem xét, phán quyết về tính hợp hiến, hợp pháp. Có bao gồm luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hay không? Thẩm quyền của Tòa án mỗi cấp như thế nào và quy định thực hiện quy trình thực hiện cụ thể của thẩm quyền này ra sao? 

Hiện nay, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đang được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng mới ban hành Nghị quyết 560 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc việc quy định thẩm quyền này trong dự thảo Luật.

15h27: Nghỉ giải lao (20 phút)

15h50: Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tranh luận

Tranh luận về quy định liên quan đến giải thích áp dụng pháp luật, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dự thảo luật đã quy định, tòa án làm rõ trong bản án quyết định về nội dung được áp dụng trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể, và tòa án phải giải thích cả những tình huống pháp lý nếu có tranh chấp mà chưa có luật quy định.

Đại biểu cho rằng, nếu có tranh chấp mà chưa có pháp luật quy định, khi người dân đề nghị tòa án giải quyết thì tòa án không được từ chối yêu cầu này. Như vậy, thẩm quyền giải thích áp dụng pháp luật của tòa hoàn toàn khác với thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tòa án chỉ giải thích những tình huống pháp lý, đưa ra xét xử. Tòa án có trách nhiệm phải giải thích cho người tiến hành, người tham gia tố tụng biết vì sao sử dụng luật nào, điều nào…

Về việc thu thập tài liệu, chứng cứ cho tòa án, đại biểu cho rằng, để giải quyết một vụ việc, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án không chỉ có nghĩa vụ, mà còn có quyền của đương sự. Việc đảm bảo quyền của đương sự, tôn trọng quyền định đoạt của đương sự là một nguyên tắc không nên bị lãng quên. 

Về đổi mới tòa sơ thẩm, phúc thẩm, đại biểu cho rằng việc thay đổi này đã đảm bảo nguyên tắc xét xử phúc thẩm, sơ thẩm. Ngay khi xét xử, tòa án nhân danh Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phải tòa án riêng của tỉnh hay huyện nào. Đại biểu cho rằng việc đổi mới tòa án theo sơ thẩm, phúc thẩm là hoàn toàn phù hợp, không có xung đột, mâu thuẫn gì với các quy định có liên quan.

15h53: Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu tranh luận

Quan tâm đến quy định về Tòa án thực hiện thu thập chứng cứ, về tổ chức xét xử theo cấp xét xử hay địa giới hành chính, về tính độc lập trong xét xử…. đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng đây là những vấn đề lớn, ban soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tổ chức hội thảo chuyên sâu, bởi đây là một trong 3 yếu tố cấu thành thực hiện quyền tư pháp.

Đại biểu cho rằng, những vấn đề nêu trên liên quan đến mô hình tổ chức từ trên xuống dưới, do vậy cần rà soát những vấn đề lớn để thảo luận chuyên sâu.

15h56: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tòa án cần có trách nhiệm tham gia thu thập chứng cứ

Phát biểu ý kiến tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa bày tỏ quan tâm đến nội dung quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp tại Khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật…

Cụ thể, khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.  Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề về rất lớn, phức tạp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án và các cơ quan tư pháp khác nhưng chưa có sự thống nhất chung. Do vậy, đề nghị không quy định nội dung này vào trong dự thảo Luật. 

Đặc biệt, liên quan đến nội dung về việc điều chỉnh nhiệm vụ của Tòa án trong thu thập chứng cứ mà rất nhiều đại biểu đã phát biểu, đại biểu Hòa  bày tỏ thống nhất với quan điểm Tòa án cần có trách nhiệm tham gia thu thập chứng cứ với những trường hợp các bên không thu thập được.

16h03: Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Nghiên cứu quy định nhiệm kỳ của thẩm phán hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tế

Tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc sửa đổi luật Tổ chức Tòa án nhân dân lần này là bước đi căn bản hướng tới mục tiêu tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Về vấn đề sửa đổi quy định liên quan đến nhiệm kỳ của thẩm phán, đại biểu cho biết, Điều 100 của dự thảo luật có quy định, Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm; Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Đại biểu cho rằng, quy định này là khả thi, hoàn toàn phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay. Trước hết, quy định này hoàn toàn phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng. Thẩm phán là một chức danh nghề nghiệp, chuyên môn, cũng giống như bác sĩ, sĩ quan, không giống như chức danh lãnh đạo, nên việc quy định nhiệm kỳ là không phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế. 

Đại biểu cũng cho biết, việc sửa đổi quy định về nhiệm kỳ thẩm phán góp phần giảm bớt thủ tục xem xét, bổ nhiệm lại thẩm phán, khắc phục tình trạng án tồn đọng khi thiếu thẩm phán do một số thẩm phán hết nhiệm kỳ không được tham gia xét xử, quy trình tái bổ nhiệm kéo dài, gây lãng phí nguồn lực của tòa án. 

Trường hợp thẩm phán có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, thẩm phán có thể bị bãi miễn. Hiện nay, quy định ràng buộc trách nhiệm của thẩm phán đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Pháp luật cũng đã đặt r cơ sở để xử lý, kỷ luật, xử lý hình sự, bãi nhiệm thẩm phán nếu có vi phạm.

Từ những lý do này, đại biểu cho rằng, quy định nhiệm kỳ của thẩm phán theo dự thảo luật đã thể hiện sự cẩn trọng của cơ quan soạn thảo, vừa đảm bảo tính rèn luyện, ý thức trau đồi phẩm chất, năng lực của thẩm phán, đảm bảo tính độc lập trong xét xử để thẩm phán yên tâm công tác.

16h11: Đại biểu Lê Thanh Phong - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận

Phát biểu tranh luận về vấn đề thu thập chứng cứ, đại biểu Lê Thanh Phong đồng tình với dự thảo Luật. Đại biểu cho biết hiện nay chưa có một văn bản là chính thức xác định mô hình tố tụng của ta là theo dân luật hay thông luật, mà trong quá trình nghiên cứu đổi mới theo xu thế hệ quốc tế chúng ta áp dụng những tinh hoa, những vấn đề có lợi và những vấn đề phù hợp với thực tiễn của mình để áp dụng. Do đó, Nghị quyết 49 của Quốc hội trong việc cải cách tư pháp cũng khẳng định rõ là xét xử và nâng cao tính tranh tụng và lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa là cơ sở để phán quyết tiếp. Sau đó để Kết luận số 84 ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị cũng khẳng định tiếp tục cải cách pháp theo hướng tranh tụng. Và gần đây Nghị quyết 27 cũng đã có nói tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Lê Thanh Phong thấy rằng việc hướng tới nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa người dân cần phải thực hiện theo đúng các quy định pháp luật. Và bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý để bảo vệ cho quyền lợi của mình. Đây là một sự đổi mới căn cơ mà tôi thấy rằng cần thiết phải là mạnh dạn áp dụng. 

Theo đại biểu Lê Thanh Phong, đây không phải là việc đẩy khó cho người dân, mà đây là một cơ chế tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình trong điều kiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực thế, trong quá trình xét xử Tòa án cũng dựa trên các chứng cứ của các bên đương sự thu thập để đi thẩm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ của các bên đương sự cung cấp, lời bào chữa của luật sư… Đây là nhiệm vụ xuyên suốt của thẩm phán, hội đồng xét xử và không thể nhầm lẫn là tòa thu thập chứng cứ.

Ngoài ra đại biểu Lê Thanh Phong cho rằng sửa đổi luật này là tiền đề để sửa các bộ luật tố tụng về tăng thẩm quyền cho các tòa quận, huyện và sửa đổi về thẩm quyền trong các luật về tố tụng thì sẽ hoàn thiện phân định rõ giữa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

16h14: Đại biểu Cao Mạnh Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tranh luận

Quan tâm đến ngạch, bậc thẩm phán, đại biểu Cao Mạnh Linh cho rằng các quy định trong dự thảo chưa thể hiện hết được các yêu cầu đề ra. Quy định như dự thảo, một thẩm phán sẽ trải qua 3 lần thi nâng ngạch từ sơ cấp lên cao cấp; trải qua 8 lần xét để lên bậc cao nhất là bậc 9. 

Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi thành hai ngạch là thẩm phán tòa án tối cao và thẩm phán thẩm phán, trong đó thẩm phán chia thành 9 bậc, trong khi việc nâng bậc thẩm phán lại gắn chặt chẽ với các điều kiện liên quan đến năng lực, trình độ chuyên môn, kết quả công việc, thâm niên. Đại biểu cho rằng, việc phân bậc không khác gì so với phân ngạch hiện nay, tương tự quy định trong Luật Cán bộ công chức, viên chức, như vậy liệu có giảm thời gian, chi phí cho việc xét nâng bậc hay không, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

16h17: Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Cần điều chỉnh quyền tư pháp Toà án theo chức năng, nhiệm vụ 

Đại biểu Khang Thị Mào bày tỏ thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân để khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian vừa qua như đã nêu trong Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao; bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung như đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. 

Quan tâm tới việc thực hiện quyền tư pháp của Toà án nhân dân, đại biểu thống nhất với việc bổ sung một số quy định về việc Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Về việc không quy định Tòa án có nhiệm vụ ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa, bày tỏ thống nhất với quy định này của dự thảo Luật, tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo thống kê, báo cáo thực trạng việc Hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa để các đại biểu Quốc hội có thêm thông tin. 
Ngoài ra, nếu quy định Tòa án không có nhiệm vụ ra quyết định khởi tố tại phiên tòa, đề nghị bổ sung nội dung quy định Tòa án kiến nghị khởi tố trên cơ sở kết quả xét xử và tranh tụng tại phiên tòa.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quyền tư pháp hiện nay được trao cho nhiều cơ quan khối tư pháp bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan thi hành án. Vì vậy, quyền tư pháp của Tòa án quy định tại luật này nên điều chỉnh theo hướng là quyền tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, chủ yếu là quyền tư pháp trong hoạt động xét xử và giải quyết các vụ án, vụ việc theo luật định....

16h22: Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Đề nghị bổ sung đối tượng thừa phát lại vào khoản 3 Điều 17 để đảm bảo thống nhất giữa các VBQPPL

Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương góp ý vào quy định tại khoản 3 Điều 17 dự thảo Luật còn mâu thuẫn, bất cập với khoản 4 Điều 3 của Nghị định 08 ngày 8/1/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại. 

Theo khoản 4 Điều 3 của Nghị định 08 quy định công việc Thừa phát lại được làm là tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Đại biểu nhận thấy, điều này đồng nghĩa với việc không chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật bảo đảm thi hành các bản án quyết định dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động mà còn có Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị sửa đổi, bổ sung đối tượng Thừa phát lại vào khoản 3 Điều 17 dự thảo luật để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật. 

Ngoài ra, khoản 4, Điều 17 dự thảo luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan không thi hành bản án, quyết định của Tòa án tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xét xem xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng quy định này chỉ phù hợp đối với các bản án, quyết định về hình sự và hành chính. Đối với các bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động là chưa phù hợp. Do đó, việc quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan không thi hành bản án, quyết định của Tòa án tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, xử và vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa thể hiện được tính bao quát và chủ động trong lĩnh vực thi hành án dân sự. 

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định này thành: Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan không thi hành bản án, quyết định của Tòa án hoặc bản án, quyết định của Tòa án mà đã có đơn yêu cầu thi hành án tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

16h29: Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tranh luận
 
 
Tranh luận về nội dung liên quan đến Tòa án thực hiện quyền tư pháp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, Nghị quyết 27 của Trung ương đã yêu cầu xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp. Một trong những nội dung cơ bản của dự thảo luật lần này là giải thích phạm trù thực hiện quyền tư pháp thông qua việc xác định phạm vi thực hiện quyền tư pháp tại khoản 1 và 7 nhiệm vụ cụ thể của tòa án tại khoản 2, Điều 3.

Đại biểu cho rằng, đây là một điểm tiến bộ lớn, là bước đột phá trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, Nghị quyết số 27 cũng yêu cầu, cần bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. 

Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa thực hiện quyền tư pháp với thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp ra sao để đảm bảo sự liên thông, đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước. Việc thể chế hóa Hiến pháp về quyền lực nhà nước sẽ theo mô hình nào? Thứ tự ra sao? Phải chăng chúng ta xác định thực hiện quyền tư pháp trước, sau đó đến quyền hành pháp, rồi đến quyền lập pháp, hay theo thứ tự ngược lại? Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ những nội dung này để đảm bảo sức thuyết phục của những quy định trong dự thảo luật.

16h32: Đại biểu Dương Ngọc Hải - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh tranh luận

Phát biểu tranh luận tại hội trường , đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải bày tỏ đồng tình với quan điểm cần luật hóa giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử…
 
Đại biểu cho biết, hiện nay thực tiễn tại các phiên xét xử, Hội đồng xét xử vẫn thực hiện việc giải thích áp dụng pháp luật. “Phải nhìn nhận rằng, thời gian vừa qua trong các phiên xét xử, có nhiều trường hợp Hội đồng xét xử đã thực hiện tốt việc giải thích áp dụng pháp luật, nhưng bên cạnh đó cũng có một số Hội đồng xét xử chưa thực hiện tốt việc giải thích áp dụng pháp luật. Do đó dẫn đến có nhiều trường hợp không đảm bảo rõ ràng, chưa thuyết phục, khó thi hành trong thực tiễn”, đại biểu Hải dẫn chứng. 
 
Do đó đại biểu cho rằng, việc luật hóa việc Hội đồng xét xử giải thích áp dụng pháp luật là rất cần thiết, bởi đây là hoạt động áp dụng pháp luật mang tính chuyên biệt, mang tính chuyên nghiệp của Tòa án và qua đó góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong các phán quyết của mình.
 
16h34: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Cần xác định rõ và đúng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật

Cơ bản đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, đối với quy định về thẩm phán, nội dung này đã được đề cập trong các phần “các chức danh khác”, không nên nhắc lại. Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm việc tổ chức xét xử vào phạm vi điều chỉnh, và được điều chỉnh lại như sau: “Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về tổ chức xét xử bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân”.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, đại biểu cho biết, khoản 1 Điều 3 của dự thảo luật có quy định: Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. 

Đại biểu cho rằng quy định như vậy là phù hợp, bởi Hiến pháp đã quy định, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, cần thiết phải cụ thể hóa nội dung thực hiện quyền tư pháp ở Tòa án nhân dân để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân với các cơ quan tư pháp khác. 

Về cung cấp chứng cứ trong vụ án hành chính, hình sự, Điều 15 quy định, tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay, bởi thực tế, trình độ dân trí, ý thức hiểu biết pháp luật của người dân, nhất là người lao động còn hạn chế, trong khi cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ quy định này, đánh giá kỹ thực trạng, tác động để có quy định phù hợp.

16h40: Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh tranh luận

Tranh luận với đại biểu liên quan đến thu thập chứng cứ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh các bên liên quan không thể thu thập chứng cứ, thì Tòa án mới thực hiện thu thập chứng cứ.

Về quy định Tòa án tham gia giải thích pháp luật, đã được quy định tại Điều 266 Bộ Luật Tố tụng dân sự khẳng định đây là nghĩa vụ của Tòa án. Do vậy, có ý kiến băn khoăn về quyền giải thích pháp luật, tuy nhiên quy định như dự thảo là phù hợp với pháp luật.

16h43: Đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh tranh luận

Phát biểu tranh luận về vấn đề ngạch bậc thẩm phán, đại biểu Nguyễn Thanh Sang - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhận thấy, quy định tại Điều 91 của dự thảo về thang bảng lương cho ngạch bậc thẩm phán là không phù hợp. Đại biểu cho rằng, trừ 17 vị của Hội đồng Thấm phán TANDTC thì còn lại hơn chục nghìn biên chế có một mức lương như nhau. Như vậy là không phù hợp vì không phân hóa được trình độ, kinh nghiệm của mỗi cấp xét xử.

“Quy định như vậy có phù hợp với vị trí việc làm hay không, phù hợp với động lực để Thẩm phán phán đấu hay không? Vì làm ở cấp quận, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp tối cao thì đều mức lương như nhau. Hiện thẩm phán sơ cấp còn nhiều thiệt thòi, nhất là ở cấp huyện”, đại biểu nêu rõ. Do đó không đảm bảo việc phân hóa về tiêu chuẩn, trình độ. 

Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang đề nghị sửa dổi lại và nâng quyền lợi của ngạch bậc của thẩm phán sơ cấp lên, qua đó phù hợp với việc cải cách tư pháp hơn, đồng thời tương quan với ngạch của các cơ quan tư pháp nói chung.

16h45: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ghi nhận các ý kiến của các đại biểu Quốc hội với nhiều ý kiến nghiên cứu sâu và nhiều ý kiến gợi mở để Ban soạn thảo tiếp thu nghiên cứu chỉnh sửa, đề nghị các đại biểu tiếp tục gửi ý kiến góp ý. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng trong quá trình đề xuất đổi mới có nhiều ý kiến khác nhau là điều tất yếu, trong đó có những nội dung cần có thêm thông tin, có những vấn đề cần giải trình và có những vấn đề cần lắng nghe đại biểu.

Cho rằng, thời gian vật chất không đủ để có thể trao đổi thấu đáo, cặn kẽ các vấn đề, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép, tạo điều kiện để tổ chức hội nghị để làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

Làm rõ về xét xử giải quyết các vi phạm hành chính theo Luật định, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết hiện Luật cho tòa án giải quyết 4 nhóm vi phạm hành chính là đưa người đi chữa bệnh bắt buộc, đưa người vào trường giáo dưỡng, vi phạm các quy định tố tụng…Trong tương lai, luật cho thêm việc gì thì Tòa làm thêm việc đó; không có nghĩa là mấy triệu vụ xử hành chính từ giao thông đến môi trường đến thuế đều dồn cho Tòa án. 

Về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, đây là áp dụng pháp luật trong xét xử, gắn với các tình huống pháp lý cụ thể, không phải giải thích điều luật. Đây là việc là đã ghi trong Bộ luật Tố tụng dân sự nên lần này sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định vào để thể hiện rõ đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của thẩm phán phải làm. Theo đó, trong một vụ án tòa án vận dụng điều luật nào thì phải giải thích tại sao lại áp dụng điều đó.

Về việc thu thập chứng cứ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết điều Nhân dân chờ đợi phán quyết công tâm, khách quan, công bằng chứ không phải là chờ đợi việc thu thập chứng cứ xong xét xử trên các chứng cứ do mình thu thập mà xem nhẹ các chứng cứ của các bên khác. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết sẽ chỉnh lý quy định theo hướng khi có yêu cầu của người dân, cả bên nguyên và bên bị khi không thể thu thập chứng cứ thì Tòa án hỗ trỡ bằng các quyết định giao nộp chứng cứ mà các cơ quan Nhà nước và tổ chức cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân. Nếu các bên không chấp hành lệnh của Tòa án thì sẽ bị xử phát theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành.

Về tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết đây là nội dung nhằm thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW, làm cơ sở trong tương lai tiếp tục làm tốt hơn. Về tòa phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm, Chánh án cho biết thực tế nhiều nước Tòa án tối cao vẫn xử sơ thẩm. Tên gọi là tòa án phúc thẩm hay sơ thẩm là nhiệm vụ chính yếu, chủ yếu là xử sơ thẩm thì gọi là tòa sơ thẩm; chủ yếu xử phúc thẩm thì là tòa án phúc thẩm.

Về ngạch bậc thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết thực tế ở tòa án cấp huyện có gần 6000 thẩm phán, trong đó từ khi vào tòa án đến khi về hưu đều chỉ được là thẩm phán sơ cấp dù giỏi, có khả năng làm rất nhiều việc, nhưng suốt cuộc đời chỉ được là sơ cấp nên rất thiệt thòi. Quan tâm đến thẩm phán, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của quân đội, để từ khi vào ngành thì thẩm phán có động viên phấn đấu lên từng bậc.

Về tòa sơ thẩm chuyên biệt, Nghị quyết Đại hội 13, Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội đều đề cập về xây dựng tòa án chuyên nghiệp. Dự kiến ban đầu Ban soạn thảo thiết kế 3 loại tòa án sơ thẩm chuyên biệt là tòa hành chính, hai là tòa phá sản, ba là tòa sở hữu trí tuệ là 3 loại án rất khó, chuyên môn cao. Tiếp thu thẩm tra của Ủy ban Tư pháp dành quyền quy định cụ thể cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, dự thảo Luật quy định chung về thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt, còn địa hạt pháp lý đến đâu, thẩm quyền như thế nào thì Tòa án nhân dân tối cao làm hồ sơ báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định.

Về vấn đề thanh tra, kiểm tra trong quá trình tố tụng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết thời hạn tố tụng quy định rất khắt khe. Trường hợp Tòa án chỉ có thời hạn 1 tháng từ khi hồ sơ chuyển sang phải giải quyết, khi đó mà phát sinh thanh tra hay giám sát thì sẽ không đảm bảo được thời hạn tố tụng. Mặt khác tất cả những vi phạm do lỗi chủ quan ngay lập tức bị xử lý. Trong quá trình tố tụng có vi phạm thì Viện kiểm sát đến cơ quan điều tra sẽ làm ngay. Việc không quy định thanh tra, kiểm tra trong quá trình tố tụng để bảo đảm độc lập tư pháp, bảo đảm độc lập trong xét xử, tránh trường hợp cho thanh tra, kiểm tra cam thiệp vào hoạt động tư pháp.

17h01: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung phiên họp

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên thảo luận tại hội trường  về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã có 31 ĐBQH phát biểu ý kiến, trong đó có 14 ĐBQH tranh luận. Trong danh sách còn có 51 đại biểu đăng ký phát biểu và 1 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu gửi văn bản cho Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao để tổng hợp và tiếp thu, giải trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, không khí thảo luận tại Hội trường rất khẩn trương, dân chủ, ý kiến của các ĐBQH đều thể hiện sự nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đồng thời các ĐBQH cũng đã góp ý nhiều vấn đề hoàn thiện dự án Luật. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH và giao Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, hoàn thiện dự thảo Luật. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để cho ý kiến vào dự án Luật này trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7.