GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2013 (SỬA ĐỔI): QUY ĐỊNH QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT CẦN CỤ THỂ, TRÁNH HÌNH THỨC

02/03/2023

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những vấn đề trọng tâm đang được lấy ý kiến tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Góp ý về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, mặc dù đã có nhiều bổ sung, sửa đổi nhưng một số quy định tại dự thảo vẫn còn chung chung, thiếu chi tiết,…

CHỦ TỊCH HỘI LUẬT GIA TP.HÀ NỘI NGUYỄN HỒNG TUYẾN: QUY ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ ĐẤT NGAY TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại Chương V (từ Điều 60 - Điều 76) với các nội dung về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; …

Để tiếp tục hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Dự thảo, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến góp ý cụ thể vào từng điều, khoản như sau:

(1) Về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 70):

Thứ nhất, khoản 6 quy định một trong những nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là: “Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”. Quy định này là cần thiết nhưng chưa đủ; bởi lẽ, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm phân bổ đất đai hợp lý cho các nhu cầu sử dụng đất khác nhau của xã hội mà nội dung khoản 6 này chưa thể hiện được hết tinh thần này.

Đề nghị bổ sung về khoản 6 như sau: “Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; phân bổ quỹ đất đai hợp lý cho các nhu cầu sử dụng đất của xã hội” .

Thứ hai, khoản 8 quy định một trong các nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là: “Dân chủ, công khai, minh bạch”. Đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung của khoản này là “Dân chủ, công khai, minh bạch, khoa học, khả thi” để nhấn mạnh tính khoa học, tính khả thi trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khắc phục từng bước tình trạng quy hoạch treo.

(2) Về các điều quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh:

 Ban Soạn thảo chưa làm nổi bật tính đặc thù hay nói cách khác là sự khác biệt cơ bản về nội dung giữa các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh.

Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, cân nhắc, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, lưu ý về: Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải thể hiện được tính đặc thù, tiềm năng, thế mạnh về đất đai của từng địa phương gắn với những lợi thế về vị trí địa lý, địa hình,..; Đặc trưng cơ bản nhất của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là phải thể hiện chi tiết đến từng thửa đất; Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đảm bảo bí mật quốc gia;…

(3) Về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 86):

Thứ nhất, để tránh tính hình thức và không hiệu quả trong việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đề nghị Ban Soạn thảo cần quy định rõ cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thuộc đối tượng được lấy ý kiến trong Điều luật này là những cơ quan, tổ chức cụ thể nào; cộng đồng, cá nhân có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay những người nằm trong hay bên ngoài khu vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ hai, nguyên tắc đồng thuận tương đối không được thể hiện trong nội dung của Điều này. Có nghĩa là Điều 68 không quy định tỷ lệ bao nhiều % ý kiến góp ý không tán thành với dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì được xác định là không đồng thuận và ngược lại. Trong trường hợp, các ý kiến không đồng thuận với dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền lập có sửa đổi nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay không (sửa đổi toàn bộ hay sửa đổi một phần nội dung). Trong trường hợp bảo lưu dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì trách nhiệm giải trình được thực hiện như thế nào? Chế tài xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền không thực hiện việc giải trình ra sao? … Nếu những vấn đề này không được quy định đầy đủ, chi tiết thì nội dung của Điều luật này chỉ mang tính hình thức và việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không hiệu quả, mất thời gian và gây tốn kém nguồn lực của xã hội.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cũng đề nghị bổ sung điều khoản xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; không thực hiện việc xử lý “quy hoạch sử dụng đất treo” với những chế tài xử lý nghiệm khắc, đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm,…/.

Lê Anh