CHỦ TỊCH HỘI LUẬT GIA TP.HÀ NỘI NGUYỄN HỒNG TUYẾN: QUY ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ ĐẤT NGAY TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

01/03/2023

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 03/01 đến hết ngày 15/3/2023. Góp ý vào Dự thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, phương pháp định giá đất phải quy định ngay trong Luật mới đảm bảo căn cứ cho các cơ quan định giá đất xây dựng bảng giá đất và giá đất cụ thể.

LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): TS. CHÂU HOÀNG THÂN ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ THUẾ ĐẤT TRỐNG, HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG ĐẦU CƠ, PHÂN LÔ BÁN NỀN

LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CHÍNH SÁCH VỀ TÀI CHÍNH ĐẤT ĐAI CHƯA PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

Chủ tịch Hội Luật gia Tp. Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến

Nghiên cứu về dự luật, Chủ tịch Hội Luật gia Tp. Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 16 chương, 236 điều được Ban soạn thảo xây dựng rất công phu, đã thể chế hóa 10 nhóm chính sách lớn theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam (118 luật có liên quan).

Đánh giá Dự thảo Luật có cấu trúc hợp lý, bố cục chặt chẽ; nội dung quy định cụ thể, chi tiết, sát thực tế,..., Chủ tịch Hội Luật gia Tp. Hà Nội khẳng định nội dung dự thảo Luật đã khá hoàn thiện, khi Luật được ban hành sẽ giải quyết cơ bản những bất cập vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng đất.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Luật gia Tp. Hà Nội cũng cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai vẫn là Luật khung, luật ống bởi dự thảo còn giao cho Chính phủ và chính quyền địa phương quy định chi tiết rất nhiều điều luật và những nội dung cụ thể  (Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết hơn 50 điều/236 điều).

Nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, Chủ tịch Hội Luật gia Tp. Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến kiến nghị nhiều nội dung cụ thể liên quan đến: Giải thích từ ngữ, Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tài chính về đất đai, giá đất;...

Đặc biệt quan tâm tới quy định tài chính về đất đai, giá đất, Chủ tịch Hội Luật gia Tp. Hà Nội nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã xây dựng chế định giá đất khá hoàn thiện (bỏ khung giá đất của Chính phủ, chỉ sử dụng bảng giá đất và giá đất cụ thể để điều tiết nguồn lợi từ đất đai, định giá đất được tiệm cận gần hơn với nguyên tắc thị trường, nâng cao chất lượng công tác định giá đất). Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa thể chế đầy đủ chính sách giá đất theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, đặc biệt là vấn đề định giá đất, tính độc lập và nâng cao năng lực của Hội đồng thẩm định giá đất, tổ chức tư vấn xác định giá đất; định giá viên. Nhằm hoàn thiện quy định về tài chính đất đai, Chủ tịch Hội Luật gia Tp. Hà Nội kiến nghị:

Thứ nhất, tại điểm b khoản 1 Điều 153 cần phải làm rõ tiêu chí các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất là yếu tốt gì? Nếu quy định mang tính định tính như dự thảo Luật sẽ rất khó thực hiện, áp dụng không thống nhất.

Thứ hai, phương pháp định giá đất phải quy định ngay trong Luật mới đảm bảo căn cứ cho các cơ quan định giá đất xây dựng bảng giá đất và giá đất cụ thể. (Khoản 1 Điều 154 quy định căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất). Vì vậy phương pháp định giá đất giao cho Chính phủ quy định không đáp ứng yêu cầu thực tiễn về định giá đất.

Thứ ba, bảng giá đất (Điều 154), Giá đất cụ thể (Điều 155) đề nghị: Tổ chức tư vấn xác định giá đất có vai trò rất lớn trong xây dựng chính sách pháp luật đất đai trong đó có chính sách định giá đất. Theo quy trình định giá đất quy định trong dự thảo Luật, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất tham gia vào 2 giai đoạn định giá đất: (1) Tham gia xây dựng bảng giá đất; (2) Tham gia Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể. Việc tham gia của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất vào quy trình định giá đất tăng thêm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, khách quan của kết quả định giá đất. Cho nên, không thể quy định Sở Tài nguyên và Môi trường khi xây dựng bảng giá đất; Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường khi xác định giá đất cụ thể “được thuê” tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất” mà phải quy định “Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường phải thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất khi xây dựng bảng giá đất, khi xác định giá đất cụ thể”.

Thứ tư, để tăng tính dân chủ và độc lập tương đối của Hội đồng thẩm định bảng giá đất, giá đất cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo rà soát giảm bớt thành viên Hội đồng thẩm định bảng giá đất, giá đất cụ thể là đại diện các Sở ở cấp tỉnh và các phòng ở cấp huyện; bổ sung vào Hội đồng thẩm định bảng giá đất và giá đất cụ thể một số thành viên đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của MTTQ như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân…

Thứ năm, đối với tư vấn xác định giá đất, tổ chức có chức năng tư vấn xác định gia định: Đề nghị không giao cho Chính phủ quy định điều kiện hoạt động của tư vấn xác định giá đất, hành nghề tư vấn xác định giá đất mà nội dung này phải quy định ngay trong Luật./.

Lê Anh