LUẬT SƯ GIANG VĂN QUYẾT: VIỆC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) NÊN THỰC HIỆN THEO NHIỀU ĐỢT, NHIỀU TẦNG LỚP

13/12/2022

Theo Chương trình Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm đến nội dung này, Luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư Tp. Hà Nội - Giám đốc Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật cho rằng, việc lấy ý kiến của Nhân dân nên thực hiện theo nhiều đợt, nhiều tầng lớp để việc tổng hợp, đánh giá, ghi nhận được chính xác và hiệu quả hơn.

TỔNG THUẬT SÁNG 13/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ ĐIỀU TẠI PHÁP LỆNH (SỬA ĐỔI) VỀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TAND

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: PHÁT HUY DÂN CHỦ, TRÍ TUỆ, THỰC CHẤT NHẤT, HIỆU QUẢ NHẤT TRONG LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN

Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến Nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5.

Đối tượng lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Các cơ quan nhà nước, tổ chức ở trung ương; Các cơ quan nhà nước ở địa phương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu.

Quan tâm đến nội dung này, Luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư Tp.Hà Nội - Giám đốc Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật cho rằng, việc lấy ý kiến của Nhân dân nên thực hiện theo nhiều đợt, nhiều tầng lớp để việc tổng hợp, đánh giá, ghi nhận được chính xác và hiệu quả hơn.

Phóng viên: Thưa ông, tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Vậy, ông có nhận định như thế nào về sự cần thiết phải lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo luật này?

Luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư TP. Hà Nội - Giám đốc Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật: Luật đất đai là một trong những luật đặc biệt quan trọng gắn liền với đời sống mọi mặt của người dân cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Tôi cho rằng, việc lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy Nhà nước muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ, trí tuệ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng các quy định pháp luật đất đai – ảnh hưởng “sát sườn” nhất đền quyền lợi của Nhân dân.

Thông qua việc lấy ý kiến Nhân dân, các nhà làm luật có thể truyền tải vào các quy định pháp luật những vấn đề nhân sinh nhất, bức thiết nhất được gợi mở từ Nhân dân và phát sinh trong đời sống xã hội liên quan đến việc quản lý sử dụng đất đai. Như vậy, sau khi xây dựng Luật sẽ có sức sống lâu dài, mang “hơi thở” của xã hội. Qua đó, người dân cũng nâng cao trách nhiệm, nhận thức của mình đối với chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phóng viên: Theo quan điểm của ông nội dung lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo luật lần này cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm như thế nào?

Luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư TP. Hà Nội - Giám đốc Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật: Việc xây dựng Luật đất đai phải hướng tới đảm bảo công bằng xã hội từ đó hóa giải được các tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Xây dựng luật cũng tạo cơ chế để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí liên quan đến đất đai. Ngoài ra, Luật sửa đổi lần này cũng phải đáp ứng được kỳ vọng, phát huy được nguồn lực, giá trị của đất đai đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung.

Về cơ bản theo tôi, việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm như các quy định liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về đất đai trong đó đặc biệt các quy định liên quan đến chính sách sử dụng đất; chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; việc thu hồi đất để thực hiện các dự án. Ngoài ra, cần lấy ý kiến của Nhân dân về các vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về giá đất, khung giá đất…

Phóng viên: Để đảm bảo hiệu quả việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cần tổ chức các hình thức lấy ý kiến Nhân dân ra sao nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, thưa ông?    

Luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư TP. Hà Nội - Giám đốc Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật: Việc lấy ý kiến của Nhân dân khi thực hiện các dự thảo luật không phải là mới. Tuy nhiên, với một Luật có ý nghĩa quan trọng và “sát sườn” với mọi mặt đời sống nhân dân như Luật đất đai nhằm đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực, theo tôi cần tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo từng cụm vấn đề, kèm theo việc lấy ý kiến cần có các tài liệu giải trình, báo cáo, đánh giá về nội dung cần lấy ý kiến để nhân dân tham khảo, nghiên cứu và cho ý kiến.

Tôi cho rằng, việc lấy ý kiến của Nhân dân nên thực hiện theo nhiều đợt, nhiều tầng lớp để việc tổng hợp, đánh giá, ghi nhận được chính xác và hiệu quả hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Ánh Nguyệt