CON NGƯỜI LÀ NGUỒN LỰC QUAN TRỌNG TRONG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

13/12/2022

Ngày 17/12 tới đây, Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ được tổ chức với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Quan tâm tới sự kiện quan trọng này, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia cho rằng, bên cạnh nguồn lực kinh tế, tài nguyên, tài chính… nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

CÔNG BỐ ''HỘI THẢO VĂN HÓA 2022'

Nguồn nhân lực có vai trò quan trọng, là mục tiêu và động lực phát triển

Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, cần huy động tổng hợp các loại nguồn lực, như nguồn lực địa - kinh tế, tài nguyên, nhân lực, tài chính…, trong đó, nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng. Bàn về vấn đề huy động nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, Việt Nam có nhiều nguồn lực đáp ứng cả trước mắt và lâu dài cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng đến nay, các ngành công nghiệp văn hóa mới chỉ tập trung khai thác các loại nguồn lực vật thể, như sức lao động, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý... Nhóm nguồn lực này tạo ra lợi thế tĩnh, lợi thế cấp thấp, dễ khai thác. Các lợi thế này sẽ không tồn tại lâu dài do sự hữu hạn của nó và trên thực tế nhiều nguồn lực tài nguyên thiên nhiên đã có dấu hiệu cạn kiệt, khai thác quá ngưỡng; gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, với đặc điểm của các ngành công nghiệp văn hóa là sử dụng sự sáng tạo là chủ yếu, cần quan tâm nhiều hơn tới những nguồn lực mới, bền vững hơn, hiệu quả hơn. 

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vững mạnh. Nguồn nhân lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam mới chỉ phát huy được lợi thế về số lượng và tiền lương thấp, do hạn chế ở trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng kinh doanh, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp. Việc thu hút, sử dụng, phát huy nguồn nhân lực người Việt Nam ở nước ngoài chưa có nhiều thành công đáng kể. Nguồn lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng chưa đóng góp nhiều cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa (Ảnh minh họa)

Bàn về vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực có tầm quan trọng bao trùm - bởi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Do đó, cần thực hiện hiệu quả chiến lược nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; kết hợp hài hòa giữa đào tạo trong nước và ngoài nước. Phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao có quy mô, cơ cấu hợp lý, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có ưu thế trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phát triển lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật, có sức cạnh tranh quốc tế. Chú trọng đến đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật, như đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ nhân dân gian - những báu vật sống của nền văn hóa nước nhà; có chế độ đặc thù cả về lương, thưởng và trao tặng danh hiệu để họ có thể tập trung nghiên cứu, truyền nghề cho thế hệ sau. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh, cả khu vực công và khu vực tư, cả về chuyên môn, ngoại ngữ lẫn kỹ năng quản trị trong thế giới luôn biến đổi.

Quan tâm tới vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, để phát huy hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các bộ, ngành về vai trò của nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Cần xác định nguồn lực bao gồm nguồn lực vật chất và phi vật chất; các nguồn lực này cần được quan tâm, phát huy đồng thời, đồng bộ và tối ưu hóa. Đồng thời, quan tâm cả nguồn lực bên trong và nguồn lực từ bên ngoài, nhưng cần xác định nội lực là chính, trước hết, từ nội lực mạnh để kết nối, phát huy ngoại lực, phải nội lực hóa các nguồn ngoại lực.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, để khai thác, phát huy, sử dụng các nguồn lực cần bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, nuôi dưỡng, trong đó, cần xác định rõ đâu là các nguồn lực trực tiếp, nguồn lực lâu dài, đâu là tiềm lực, tiềm năng. Có những nguồn lực mà chỉ cần đầu tư ngắn hạn đã mang lại hiệu quả ngay; nhưng cũng có những nguồn lực đòi hỏi phải đầu tư lâu dài, nuôi dưỡng. Do đó, khai thác nguồn lực một cách bền vững gắn với giữ gìn tài nguyên, nuôi dưỡng các nguồn lực và bảo vệ môi trường chính là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bền vững, hướng tới mục tiêu chung đã được ghi trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là “khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Tăng cường nguồn lực khoa học và công nghệ trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà cũng đề nghị hoàn thiện thể chế, rà soát, quy hoạch tổng thể nguồn lực; kết hợp định tính với định lượng trong đánh giá nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Có kế hoạch khai thác, sử dụng, dự trữ, tái tạo các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu trước mắt và lâu dài. Phát triển kết cấu hạ tầng và liên kết vùng phục vụ cho việc khai thác, bảo tồn nguồn lực tài nguyên một cách hợp lý. Phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế so sánh các nguồn lực của mỗi vùng/địa phương trong cả nước để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tránh tình trạng để các nguồn lực manh mún, bị xé nhỏ. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường nguồn lực khoa học và công nghệ trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần tăng cường nguồn lực tài chính cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là những ngành mang tính đặc thù, số lượng người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn thấp, do đó kinh doanh không có lãi, nhưng chúng ta cần bảo tồn, giữ gìn những ngành, nghề đó, như âm nhạc dân gian, thủ công mỹ nghệ…, bởi đây là một trong những phương thức bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, thứ mà chúng ta không thể đánh mất. Để làm được điều này, cần tăng ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cùng với một số lĩnh vực liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, từ các doanh nghiệp và cá nhân thông qua các cơ chế ưu đãi về đầu tư, vốn, thuế, lãi suất, hợp tác công - tư,… đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Một trong những vấn đề cần đặc biệt chú trọng là bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa, bởi đây là yếu tố cấu thành nguồn lực phi vật chất quan trọng của đất nước. Đó là các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc, các phong tục, tập quán, lễ hội dân gian… Để thực hiện được điều này, cần kiểm kê, khảo sát, đánh giá hệ thống di sản văn hóa; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ và giữ gìn các di sản; tôn tạo, trùng tu một cách khoa học những di sản văn hóa vật thể xuống cấp; hoàn thiện hệ thống các bảo tàng, nhà trưng bày; sưu tầm, bảo tồn, tạo không gian cho di sản văn hóa phi vật thể có thể tồn tại sống động trong đời sống; xây dựng cơ chế đặc thù để bảo vệ những di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; đẩy mạnh công tác giáo dục di sản cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ngoài ra, cần  đẩy mạnh hợp tác quốc tế, qua đó, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn các nguồn lực địa - kinh tế, tài nguyên, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện đang gây ảnh hưởng mạnh đến một số tài nguyên của nước ta; trao đổi kinh nghiệm trong việc tạo lập nguồn lực tài chính, phát triển nguồn lực con người; bảo vệ nguồn lực phi vật chất./.

Minh Hùng

Các bài viết khác