Hội nghị tập huấn nhằm thông tin về tiến độ, kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2022, những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện; đồng thời cung cấp kỹ năng thu thập thông tin, phân tích, đánh giá chính sách trong tổ chức hoạt động giám sát, mục đích, yêu cầu và kế hoạch thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội nghị tập huấn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát tổng hợp cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình này đều đang trong quá trình thực hiện. Do vậy, chuyên đề giám sát này đặt ra những yêu cầu mới đối với nội dung và phương thức tiến hành giám sát. Ông Nguyễn Lâm Thành cũng cho biết, chuyên đề giám sát của Quốc hội sẽ tập trung đánh giá chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý, điều hành từ Trung ương xuống địa phương, qua đó làm rõ trách nhiệm của Trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện; đánh giá tác động, hiệu quả của việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đã thông tin tổng quan tới các đại biểu về việc triển khai và kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong hai năm 2021 – 2022. Theo đó, đến thời điểm này, việc triển khai các Chương trình vẫn rất chậm. Hầu hết các dự án, tiểu dự án mới bắt đầu được tổ chức thực hiện. Tính đến tháng 10.2022, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương vẫn đang hoàn thiện thủ tục phân bổ vốn, giao dự toán và phê duyệt kế hoạch chi tiết, thẩm định dự toán để tổ chức thực hiện. Cũng trong tháng 10/2022, văn bản hướng dẫn của Trung ương mới cơ bản hoàn thành.
“Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không phát huy được hiệu quả vốn đầu tư năm 2022, khó hoàn thành các mục tiêu của Chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra”. Nhấn mạnh điều này, bà Đinh Thị Phương Lan cũng lưu ý, đây là vấn đề các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cần quan tâm, yêu cầu các cơ quan làm rõ trong quá trình giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.