TỔNG THUẬT SÁNG 14/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) VÀ ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15

13/12/2022

1763 lượt xem

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 18, tại Nhà Quốc hội, 8h00 sáng 14/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.

TỔNG THUẬT CHIỀU 13/12: UBTVQH XEM XÉT CHO Ý KIẾN, QUYẾT ĐỊNH VIỆC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

UBTVQH THÔNG QUA PHÁP LỆNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN (SỬA ĐỔI)

UBTVQH NHẤT TRÍ TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) TỪ 30/01/2023 ĐẾN 15/3/2023

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp

Tại Phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày báo cáo, đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường.

Cũng tại Phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế. Trước khi tiến hành thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.

11h37: Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung thảo luận việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội; đánh giá cao tinh thần cầu thị, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo, tờ trình, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Đối với báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt, kiên trì, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện các cái biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cùng đông đảo các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19. ...(còn tiếp)

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện có lúc, có nơi còn chậm. Y tế cơ sở, y tế dự phòng bộc lộ những mặt yếu, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19 còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động chưa bao quát hết các đối tượng bị ảnh hưởng. Còn có hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch; một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo trên cơ sở ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến nêu trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội. Các nội dung báo cáo, kiến nghị của Chính phủ phải có căn cứ thuyết phục Quốc hội xem xét, quyết định. 

Đối với nội dung đề xuất việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của đề xuất nhằm giải quyết tồn đọng, xử lý hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

11h31: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến chỉ đạo 

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp bất thường giải quyết một số việc cụ thể và đều có nghị quyết riêng. Ví dụ về quy hoạch tổng thể quốc gia có Nghị quyết về phê duyệt quy hoạch, nếu Luật Khám chữa bệnh được thông qua có Nghị quyết thông qua, các vấn đề về tài chính, ngân sách được gom vào 1 tờ trình, 1 báo cáo thẩm tra, 1 nghị quyết. Tương tự, với vấn đề này cũng cần có báo cáo tổng kết Nghị quyết 30, trong đó có Tờ trình về một số vấn đề đề xuất, có báo cáo thẩm tra, có dự thảo nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, đối với một số việc dở dang thanh toán, Chính phủ đề xuất cho thanh toán là phù hợp, nhưng cần thống nhất giữa Chính phủ và Ủy ban Xã hội về thời hạn, chứ không thực hiện thanh toán cho đến khi kết thúc, sẽ không tạo được áp lực để chúng ta giải quyết thanh toán. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối với các chính sách đã rõ thì ban hành, một số chính sách chưa rõ  chưa nên ban hành. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp bất thường, các nội dung Quốc hội cho ý kiến đều ban hành nghị quyết riêng, nên không cần thiết phải ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp. Dù có nghị quyết chung hay nghị quyết riêng cũng phải thực hiện; nếu có quy phạm pháp luật đều phải áp dụng theo trình tự quy phạm pháp luật. Trên quan điểm này, các cơ quan liên quan cần phối hợp xây dựng dự thảo, tờ trình, báo cáo thẩm tra đảm bảo sự thống nhất.

11h18: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực Ủy ban Xã hội và các cơ quan để cho ý kiến về nội dung này, nhiều ý kiến đã được Ủy ban Xã hội tiếp thu, thể hiện trong báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị tổng kết sâu sắc hơn về nội dung về việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống COVID-19 và vấn đề thực hiện phân cấp cho địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 trong bối cảnh đặc biệt trong 2 năm vừa qua. 

Về kiến nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ nhất trí với kiến nghị về Quốc hội ghi nhận những cũng nỗ lực, cố gắng của ngành y tế, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 thời gian qua và tuyên bố là các chính sách là hết hiệu lực vào 31/12/ 2022 theo đúng tinh thần của Nghị quyết. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị có thuyết minh làm rõ hơn và như ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội về việc nên có tờ trình riêng để trình Quốc hội quyết nghị và quy định cụ thể việc thực hiện 4 chính sách này nếu được Quốc hội chấp nhận mà không xác định đây là chuyển tiếp chính sách. 

Về chính sách đình chỉ hoạt động của các cơ sở tạm ngừng hoạt động các cơ sở dịch vụ trong bối cảnh đặc biệt dịch cấp độ 3, cấp độ 4 và hạn chế đi lại, cấm tập trung đông người là những biện pháp hết sức đặc biệt chỉ được áp dụng trong bối cảnh hết sức đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp nêu rõ về nguyên tắc các biện pháp hết sức đặc biệt này phải do Quốc hội quyết định. Do đó, nếu cần phòng ngừa, để chủ động linh hoạt thì cần có cơ chế như Quốc hội cho phép ủy quyền đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ áp dụng thì phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Liên quan đến miễn kê khai và công bố giá đối với vaccine được mua sắm từ ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc và làm rõ có nhất thiết phải tiếp tục áp dụng chính sách này trong bối cảnh bình thường mới hiện nay khi chúng ta đã kiểm soát cơ bản, kiểm soát được dịch và cũng đã cơ bản tiêm chủng vaccine phổ rộng được khá tốt rồi không?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, nếu được Quốc hội chấp nhận những chính sách này nên được quy định riêng, không coi đây chuyển tiếp chính sách mà là những biện pháp mà Quốc hội cho phép tiếp tục để thực hiện để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh bình thường mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý thực tế, để thực hiện Nghị quyết 30 thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương ban hành rất nhiều những văn bản quy phạm pháp luật, thông báo, chỉ thị…Đến nay khi tuyên bố những chính sách theo Nghị quyết 30 hết hiệu lực thì về nguyên tắc pháp lý là các văn bản hướng dẫn, các quy định cụ thể hay các quy định triển khai thực hiện cũng sẽ hết hiệu lực cần phải tuyên bố một cách rành mạch.

11h15: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng bổ sung danh mục, tài liệu, số liệu, thông tin toàn diện, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, thời gian kết thúc, tiếp tục tổng kết đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện Nghị quyết 30 và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá tác động các ý kiến của Chính phủ có căn cứ thuyết phục để Quốc hội xem xét quyết định.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, thời gian qua, Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế đã chủ động họp, bàn, tiếp thu chỉnh sửa cơ bản những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến tập trung vào các vấn đề Chính phủ đã trình.

11h03: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra việc việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, bám sát thực tiễn, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết 30. Đây là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết. 

Việc ban hành Nghị quyết 30 được Nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, củng cố niềm tin với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Từ khi được ban hành, Nghị quyết 30 được triển khai khẩn trương cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác nhằm kiểm soát dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia...

Thường trực Ủy ban Xã hội về cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao tinh thần cầu thị, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá sâu và rộng hơn để thấy tác động của Nghị quyết 30 đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đến ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong đại dịch và là tiền đề để phục hồi kinh tế - xã hội hậu đại dịch; bổ sung và rà soát số liệu để bảo đảm thống nhất, nhất là số liệu về nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn ché và có giải pháp thực hiện cho giai đoạn tới; Bổ sung bài học kinh nghiệm rút ra qua quá trình phòng chống đại dịch COVID-19 để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện.

Với 4 kiến nghị của Chính phủ đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với kiến nghị thứ 4 về việc đưa các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch khi kết thúc việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30 vào Nghị quyết kỳ họp tới của Quốc hội; đồng thời tán thành với kiến nghị thứ nhất của Chính phủ, đề nghị Quốc hội ghi nhận các kết quả đã triển khai thực hiện trong thời gian qua và kết thúc thời hạn hiệu lực của các chính sách này đến hết ngày 31/12/2022 theo đúng quy định của Nghị quyết 30...

Về việc kiến nghị quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, ảnh hưởng tới công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, Bộ Y tế với những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc nhân dân và thể hiện nội dung này tại Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban thấy rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ gia hạn thuốc. Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng bản chất các nguyên nhân và tập trung giải quyết các vấn đề nội tại, tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời giải quyết các hồ sơ gia hạn đăng ký lưu hành thuốc; đánh giá kỹ lưỡng nguồn lực thực hiện để bảo đảm không lặp lại tình trạng tồn đọng một lượng lớn hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được giải quyết như hiện nay.

Về cơ bản, Thường trực Ủy ban thấy rằng, Hồ sơ Tờ trình của Chính phủ đã đầy đủ theo quy định, tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ vẫn chưa thực hiện đúng theo quy định, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, bổ sung minh chứng cụ thể, rõ ràng, bảo đảm tính thuyết phục của các nhận định, phương án đề xuất cụ thể trong báo cáo đánh giá tác động chính sách.

10h58: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm lắng nghe, chủ động phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Xã hội, Chính phủ, Bộ Y tế trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân rất quan tâm. Quá trình chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật đã được thống nhất, quy định cụ thể, nhiều vấn đề quan trọng của dự thảo Luật đã được bổ sung vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thêm nhiều ý kiến về các nội dung liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong hướng dẫn thực hiện quy định về chức danh chuyên môn, lộ trình thực hiện để Hội đồng y khoa quốc gia vận hành, phân cấp chuyên môn kỹ thuật, tài sản vật tư y tế. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các cơ quan có liên quan, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, gửi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản, nếu đảm bảo yêu cầu thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

10h47: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một dự án Luật lớn, có liên quan trực tiếp đến người dân, có nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ cũng đang chỉ đạo các cơ quan triển khai, hoàn hiện rất kỹ đối với các nội dung của dự án Luật này. 

Cảm ơn những ý kiến góp ý rất xác đáng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Chính phủ sẽ cố gắng chuẩn bị để trình được dự án Luật này ở Kỳ họp bất thường sắp tới để có nhiều thời gian để xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn… 

Liên quan đến nội dung về Hội đồng Y khoa Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, cả thế giới chỉ còn vài nước chưa làm, mặc dù mô hình khác nhau, không nước nào, giống nước nào. 

Sau khi nghiên cứu và thảo luận với các đồng chí ở Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Y học Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tinh thần với điều kiện của Việt Nam vẫn cần vẫn phải thành lập tổ chức mới. Trong đó, Tổng hội Y học Việt Nam sẽ là cơ quan phối hợp. “Hội đồng này không thể làm hết mọi việc. Cho nên tổ chức này chỉ làm đầu mối chủ trì và đảm nhiệm một số việc thôi” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết. 

Về vấn đề về thời hạn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, ở các nước đều có quy định về thời hạn. Cụ thể có như Campuchia là hằng năm nhưng thủ tục đơn giản. Theo kinh nghiệm quốc tế, việc này cũng giống như cấp giấy phép lái xe.

Về phân tuyến kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, quy định này liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế, nếu không phân cấp kỹ thuật sẽ dẫn tới tình trạng người bệnh dồn lên tuyến, không khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến dưới. 

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về quy định về tự chủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát và có quy định về nguyên tắc tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Liên quan tự chủ không trực tiếp đang có nhiều ý kiến khác nhau, qua tham khảo ý kiến của các Giám đốc bệnh viện cho rằng, cần quy định cơ chế quản lý tập thể để giám sát đối với bệnh viện thực hiện thu dịch vụ.

Đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc thiết kế luật phải tiến tới giữ được mức độ bao phủ bảo hiểm y tế; bảo hiểm y tế có nhiều mức và tăng quỹ bảo hiểm để giảm sức ép trong việc thanh toán khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

10h43: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu ý kiến 

Phát biểu giải trình, làm rõ những ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, ngay sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp làm việc ngay với cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách kỹ lưỡng.

Việc tiếp thu chỉnh lý sẽ theo hướng giải quyết những vấn đề lớn rồi đến rà soát cụ thể từng điều, khoản. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội kỳ vọng dự thảo Luật lần này đáp ứng yêu cầu đặt ra bảo đảm chặt chẽ, logic, kỹ thuật lập pháp và mong muốn sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay tại kỳ họp bất thường tới đây.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nhấn mạnh với tinh thần cầu thị, lắng nghe, cơ quan thẩm tra sẽ cùng cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý và theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quôc hội “mọi ý kiến đều phải được giải trình, tiếp thu”.

10h37: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tiếp thu, giải trình

Phát biểu giải trình ý kiến các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện, tiếp thu nghiêm túc những ý kiến của đại biểu Quốc hội và cố gắng thể hiện tối đa trong dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, Bộ Y tế đã tập trung vào những nội dung chính liên quan đến việc hoàn thiện các quy định về việc kiểm soát, nâng cao chất lượng của người hành nghề, chất lượng của công tác khám, chữa bệnh và hoàn thiện các quy định liên quan đến việc quản lý các cơ sở khám, chữa bệnh và đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện. Đồng thời làm rõ, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến các điều kiện đảm bảo hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh như các vấn đề liên quan đến tự chủ, giá, xã hội hóa và các nội dung để đảm bảo các hoạt động khác...(còn tiếp)

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là luật rất quan trọng, quy định những nội dung khung, nguyên tắc chung liên quan tới công tác khám, chữa bệnh là hoạt động xương sống của ngành y tế. Luật khám bệnh, chữa bệnh đã được ban hành từ năm 2009, đến nay đã hơn 13 năm và đã bộc lộ nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, hiện nay đã có cơ sở là cụ thể hóa những ý kiến, chỉ đạo, chủ trương trong các Nghị quyết của Trung ương, tiếp thu những vấn đề hội nhập quốc tế và giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn.

Khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 đã đưa ra nhiều nội dung đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, giải trình và bổ sung thêm. Điều đó cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế có khung năng lực pháp lý để triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau này. Với tinh thần đó, Bộ Y tế đã cố gắng cụ thể hóa trong dự án luật trình với Quốc hội. Tuy nhiên, đây là luật chuyên ngành, chịu sự tác động chung của hệ thống pháp luật với định hướng của các văn bản chỉ đạo của Trung ương cũng như hệ thống văn bản pháp luật khác. Đặc biệt, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng liên quan tới nhiều quy định tại các luật chuyên ngành. Do đó, cơ quan soạn thảo đã cố gắng rà soát lại các Nghị định Chính phủ đã ban hành để đưa vào nội dung cơ bản nhất trong dự án luật để đáp ứng yêu cầu và những nguyên tắc trong quá trình xây dựng luật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ sẽ tiếp tối đa các ý kiến của các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để cố gắng hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội trong Kỳ họp bất thường lần thứ hai tới đây.

10h32: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu ý kiến

Phát biểu giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Chính phủ đã lấy phiếu biểu quyết, nghiên cứu ý kiến về nội dung này, ủy quyền Bộ trưởng Bộ Y tế ra báo cáo số 47 ngày 07/12/2022. Theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị năm 2015, Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6, Nghị quyết 56 của Quốc hội năm 2017, cần hạn chế tối đa việc quy định về tổ chức, bộ máy, chế độ, chính sách trong pháp luật chuyên ngành.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, về chính sách tiền lương, sắp tới sẽ có chính sách tổng thể, nếu quy định cụ thể trong pháp luật chuyên ngành thì sau đó sẽ rất khó triển khai đề án cải cách tiền lương. 

Về việc thực hiện tự chủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, các quy định của pháp luật đã có tương đối đầy đủ, rõ ràng về tự chủ tài chính, về bộ máy, về nhân sự và đã đưa vào thực hiện trong hơn 2 năm qua. Chính phủ cũng đã rất chú trọng chỉ đạo về vấn đề này, đảm bảo khả thi trong quá trình áp dụng luật.

10h30: Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu ý kiến

Liên quan đến nội dung tiếp thu giải trình của Bộ Y tế về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế các nội dung liên quan đến tài chính, thuế trong các điều khoản của dự án Luật. Chính phủ cũng đã có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó Bộ Tài chính không có ý kiến gì thêm.

Trên cơ sở kết luận của lãnh đạo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu rõ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Y tế để hoàn thiện các quy định liên quan đến tài chính, thuế, các lĩnh vực quản lý giá trong dự thảo.

10h13: Phó Chủ tịch Quốc hội  Trần Quang Phương phát biểu ý kiến

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc tích cực tiếp thu, chỉnh lý để kịp thời trình thông qua tại Kỳ họp bất thường tới đây là cần thiết nhưng cũng đòi hỏi sự cố gắng của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, bởi vẫn còn một số vấn đề chưa được giải trình, tiếp thu cụ thể.

Về sự đồng bộ với hệ thống pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật, trong đó có Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, trong đó có quy định về khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 4 về sự chồng chéo, trùng lặp, chưa thống nhất giữa dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân vẫn chưa được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. 


Liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trong Luật Quốc phòng quy định tình trạng chiến tranh, tình trạng thiết quân luật, giới nghiêm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết đặt câu hỏi có quy định hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong các điều kiện này hay không, trong các trường hợp đó, hoạt động khám, chữa bệnh được tiến hành như thế nào? 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, hiện nay Quốc hội đang cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự, trong đó tại Điều 56 liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế về thông báo tình hình dịch bệnh, xây dựng, huấn luyện, huy động ngành y tế, phối hợp với Bộ Quốc phòng quy hoạch hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh quân dân y ở khu vực biên giới, biển đảo… Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định rõ, nhất là quy hoạch phòng thủ dân sự.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tên của Điều 4 trong dự thảo luật chưa đủ bao quát về vai trò chủ đạo của Nhà nước trong quản lý, phát triển hoạt động khám, chữa bệnh.

Góp ý về chính sách ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, ngân sách nhà nước chỉ là một nguồn lực, ngoài ra còn nhiều nguồn lực khác và quan trọng hơn như chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ hành nghề khám, chữa bệnh.

Về nội dung xã hội hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề có cần thiết phải quy định rõ về các chính sách ưu tiên đất đai, thuế, tín dụng và đào tạo hay quy định theo pháp luật hiện hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho ý kiến về quy định Hội đồng Y khoa quốc gia và phân cấp chuyên môn kỹ thuật, tự chủ tài chính đối với cơ sở y tế.

10h02: Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn thiện nhiều quy định trong dự thảo Luật để chuẩn bị báo cáo tại Kỳ họp bất thường.

Về giải thích từ ngữ, khoản 8 Điều 2 dự thảo Luật quy định về khái niệm “Lương y”. Theo đó, Lương y là người đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận có kiến thức về lý luận y dược học cổ truyền, có kinh nghiệm, kỹ năng khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng phần giải nghĩa cần thể hiện theo tính nguyên tắc để bao hàm những chức danh chuyên môn như dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu, tâm lý lâm sàng… đảm bảo thống nhất với quy định của khoản 5 Điều 86 về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế trong quy định nội dung chuyên môn, nghiệp vụ để đào tạo và việc xác nhận lương y. 

Về chính sách đối với người hành nghề, khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật quy định Nhà nước có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề. Ngoài ra, dự thảo Luật không đề cập trực tiếp đến những chính sách đãi ngộ đặc biệt, không nêu rõ việc thực hiện chính sách đãi ngộ này là giao cho Chính phủ hay cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể, nên chưa rõ để thực hiện, triển khai khi Luật được ban hành. Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng Luật cần quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định chi tiết đối với nội dung này.

Ngoài ra, về Hội đồng Y khoa, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị thiết kế nội dung quy dịnh cho rõ chức năng nhiệm vụ, trong đó cần quy định rõ hơn nữa vai trò của các Hội chuyên ngành trong việc tham gia đánh giá năng lực cấp giấy phép hành nghề theo thông lệ quốc tế.

9h57: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết nếu hoàn chỉnh dự thảo Luật theo những ý kiến đóng góp tại phiên họp thì sẽ đủ điều kiện để trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khoá XV. ..

Đóng góp ý kiến cụ thể liên quan tới Điều 114 dự thảo luật Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ việc đảm bảo an ninh, trật tự cho cơ sở khám, chữa bệnh không chỉ cho người hành nghề và người làm việc trong cơ sở khám, chữa bệnh mà còn phải đảm bảo an toàn cho người dân đến khám, chữa bệnh. Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho rằng, đối tượng về đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự là địa bàn và khu vực cơ sở khám, chữa bệnh; đối tượng cần bảo vệ là người hành nghề, người làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh, người dân và các đối tượng liên quan khác...

Từ thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị khoản 3 Điều 114 dự thảo luật cần bổ sung đối tượng là người dân đến khu vực khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều biện pháp đảm bảo an ninh, trật tư nhưng chưa rõ đối tượng thực hiện. Do đó đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh cần phải có lực lượng bảo vệ chuyên trách để thực hiện những biện pháp đó. Đồng thời phải quy định trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở khám, chữa bệnh và hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng chuyên môn

9h41: Nghỉ giải lao

8h36: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến chỉ đạo 

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội linh động, ưu tiên bố trí thời gian tập trung thảo luận, cho ý kiến cho nội dung của dự án Luật này. 

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra; cho rằng dự thảo Luật trình lần này đã có sự tiếp thu và cải thiện chất lượng rõ rệt…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu đóng góp ý kiến tối đa và tiếp tục trình được tại Kỳ họp bất thường sắp tới là tốt nhất. Nếu được thông qua, các văn bản hướng dẫn sẽ có hẳn thời gian một năm để xây dựng.

Về giải thích từ ngữ quy định tại Điều 2 có quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định này sẽ khó thực hiện. “Sau khi chúng ta thành lập hội đồng quản lý các bệnh viện, rất nhiều giám đốc, không biết ai là gười đứng đầu, ai là người có người có trách nhiệm cao nhất đối với cơ sở khám, chữa bệnh”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Dự thảo Luật đưa ra một định nghĩa chung chung theo hướng người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. “Vậy người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh có được không? Đó là giám đốc hay Chủ tịch Hội đồng quản lý ?” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Liên quan đến quy định về giấy phép hành nghề, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, bắt đầu từ Điều 21 dự thảo Luật nói đến giấy phép hành nghề, sau đó đến Điều 28 về thừa nhận giấy phép hành nghề, Điều 29 lại mới uy định về cấp mới giấy phép hành nghề, Điều 30 là cấp lại giấy phép hành nghề, Điều 31 là gia hạn giấy phép hành nghề, Điều 32 là điều chỉnh giấy phép hành nghề, Điều 33 là đình chỉ hành nghề, Điều 34 là thu hồi giấy phép hành nghề. Chủ tịch Quốc hội cho rằng bố cục dự thảo Luật chưa hợp lý cần thảo luận thêm để thiết kế phù hợp. 

Bày tỏ băn khoăn về quy định tại khoản 3 Điều 21 quy định "Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp mới, cấp lại, gia hạn và điều chỉnh", cho rằng quy định này về mặt luật pháp là không hợp lý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định là "Mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề. Thời hạn có giá trị chỉ có 5 năm" sau đó cấp lại,  gia hạn thì cũng là 5 năm. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghề rà lại quy định của dự thảo Luật về thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề…

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ băn khoăn việc quy định cấp giấy phép hành nghề có thời hạn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải làm rõ, quy định tường minh vấn đề này; nhấn mạnh việc chữa bệnh cứu người liên quan đến tính mạng, sức khỏe người dân phải hết sức kỹ lưỡng, hết sức thận trọng nhưng phải đúng quy luật khách quan và phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế.

Về việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý phải quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia, làm rõ mô hình, quy định về việc thành lập, ai thành lập…Một tổ chức quyết định sinh mạng có đến hàng vạn người thì việc hành nghề về lĩnh vực không thể quy định mù mờ được, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề giấy phép hành nghề của nước ngoài vào Việt Nam thế nào. Đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định về đình chỉ giấy phép hành nghề,  thu hồi giấy phép hành nghề.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại quy định về từ chối khám bệnh và chữa bệnh để tránh vi phạm quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân theo quy định của Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên có quy định các giải pháp nâng cao năng lực phòng vệ, phòng ngừa đến mức độ nào và theo cách như thế nào thì được quyền từ chối khám, chữa bệnh và quyền từ chối này là ai quyết định…

Về đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tham khảo kinh nghiệm đánh giá kiểm định về chất lượng giáo dục. Theo đó, nếu muốn đánh giá thì phải có tổ chức kiểm định.

Về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Chương 10 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh vẫn là vấn đề lớn. Vấn đề quan tâm nhất là khái niệm về cấp chuyên môn kỹ thuật và mối quan hệ giữa các cấp, cách thức đảm bảo điều kiện hoạt động của các cấp này hiện dự thảo Luật quy định chưa rõ cần được tiếp tục rà soát, làm rõ.

Về các điều kiện đảm bảo về tài chính, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ nội dung này trong dự thảo Luật còn lúng túng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nội dung này nên quy định thuần túy về tự chủ tài chính, luật hóa một số quy định của Nghị định 60. Về vấn đề tài chính, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại Điều 118 dự thảo Luật, nên quy định theo hướng tự chủ hoàn toàn về tài chính tức là cả chi thường xuyên, chi đầu tư, chi thường xuyên thì được thực hiện các tự chủ khác về tổ chức bộ máy nhân sự theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định thêm cơ quan nào đã tự chủ hoàn toàn về tài chính thì phải thực hiện kế toán và kiểm toán, công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các nội dung về xã hội hóa được quy định tiến bộ hơn, quy định nhiều vấn đề để làm, đồng ý Chính phủ quy định vấn đề này để nghị định minh bạch và để bảo vệ cho các thầy thuốc, cho các cơ sở khám, chữa bệnh yên tâm làm việc. 

Về giá dịch vụ khám bệnh và chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tập trung một số vấn đề lớn, trong đó đặc biệt cân nhắc khi quy định về giá trị vô hình của thương hiệu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tiếp cận theo hướng, quy định giá dịch vụ y gồm những gì; phải tính đúng tính đủ; nhà nước, cụ thể là Chính phủ hay Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đối với các dịch vụ về khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. 

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật có thể trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp gần nhất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần tiếp tục rà soát giải quyết được trước mắt và lâu dài.

8h30: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế trong việc kịp thời nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuẩn bị hồ sơ nghiêm túc, đầy đủ đối với những vấn đề rộng và phức tạp của dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để thông qua tại Kỳ họp bất thường sắp tới. 

Đóng góp ý kiến hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị báo cáo giải trình thêm việc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến cơ chế quản lý tài sản trong khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, về quy định tại Điều 24 liên quan đến Hội đồng Y khoa quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần giải trình chi tiết, rõ ràng hơn nữa.

Đồng thuận với tầm quan trọng của việc cập nhật kiến thức y khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đặt câu hỏi, việc cập nhật kiến thức y khoa và việc phát triển nghề nghiệp viên chức có khác nhau không, khi nội hàm của việc phát triển nghề nghiệp viên chức là rộng hơn, khi phải phát triển về 03 nội hàm gồm: kiến thức, kỹ năng và y đức. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc cập nhật kiến thức y khoa chỉ bao gồm 1 nội hàm trong 3 nội hàm trên.

8h15: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao và thống nhất với nhiều nội dung chỉnh lý dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).

Góp ý về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định về các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề quyết định tại Điều 20 của dự thảo luật, theo đó, khoản 1 quy định 10 chức danh chuyên môn khám, chữa bệnh phải có giấy phép hành nghề. Luật quy định rất cụ thể điều kiện cấp phép hành nghề, cũng như thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, cũng như thu hồi giấy phép.

Khoản 2, Điều 20 giao Chính phủ thẩm quyền quyết định bổ sung chức danh chuyên môn, điều kiện, thẩm quyền cấp giấy phép, thu hồi giấy phép đối với các chức danh chuyên môn cần thiết bổ sung nếu thời điểm ban hành Luật Khám, chữa bệnh chưa chưa có chức danh chuyên môn đó, nhưng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và quá trình hoạt động có những chức danh chuyên môn cần được cấp giấy phép. Dự thảo luật quy định giao Chính phủ quy định. 

Đối với quy định trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình với nguyên tắc giao Chính phủ quy định, nhưng các chức danh chuyên môn hành nghề khám, chữa bệnh là vấn đề rất quan trọng liên quan đến bảo vệ tính mạng, sức khỏe vì thế đề nghị có một quy trình chặt chẽ hơn. 

Liên quan đến quy định về Hội đồng y khoa quốc gia quy định tại Điều 24, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thống nhất cần quy định về Hội đồng y khoa học quốc gia ở trong luật. 

Đây cũng là nội dung để thể chế hóa chủ trương của Đảng được xác định trong Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong Báo cáo giải trình của Thường trực Ủy ban Xã hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo cũng khẳng định đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, chưa có hoạt động trong thực tiễn. Điều 24 của dự thảo luật quy định khái quát, xác định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nếu quy định như dự thảo chưa rõ về địa vị pháp lý, trực thuộc ai, quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về y tế như thế nào. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu để quy định cụ thể hơn làm cơ sở Chính phủ quy định chi tiết.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng quy định lộ trình thực hiện Hội đồng Y khoa quốc gia là 5 năm (bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2029) để đủ thời gian xây dựng năng lực hoạt động và tổ chức bộ máy, điều kiện đảm bảo cho Hội đồng Y khoa quốc gia… Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, lý do này không thỏa đáng, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về quy định Hội đồng Y khoa quốc gia và cân nhắc thêm lộ trình hợp lý, đủ thời gian để Hội đồng Y khoa quốc gia đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình quy định về phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh. Sau Kỳ họp thứ 4, dự thảo đã quy định cụ thể hơn về nguyên tắc phân cấp chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn và cũng rất quan trọng khi chuyển đổi từ phân tuyến theo 4 cấp như hiện nay sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định như dự thảo chưa đầy đủ cơ sở để giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn, quy định đầy đủ hơn tiêu chí, điều kiện, các yêu cầu bảo đảm khác đối với từng cấp chuyên môn kỹ thuật, làm căn cứ để đánh giá các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, cũng như y tế tư nhân vào từng cấp chuyên môn kỹ thuật tương ứng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng góp ý về quy định liên quan đến hiệu lực thi hành luật. Dự thảo luật quy định lộ trình để thực hiện một số những quy định trong dự thảo. Đại biểu khẳng định, lộ trình thực hiện trong một số trường hợp cần thiết nhưng lộ trình lên tới 10 năm là khoảng thời gian rất dài. Đề nghị cân nhắc kỹ hơn về lộ trình,  nếu có quy định lộ trình thì cũng chỉ khoảng 3 năm, nếu quy định lộ trình dài sẽ giảm tính thời sự và không đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cần tăng cường và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, qua rà soát dự thảo luật còn tới 41 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết; một số nội dung giao cho Bộ Y tế cho thấy tính cụ thể hóa, tính chi tiết để thực thi luật ngay sau khi có hiệu lực cũng cần phải nghiên cứu thêm.

8h09: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, thống nhất chưa thoong qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của ngành y tế.

Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế đã tích cực, chủ động họp bàn, thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu chỉnh lý gồm 12 Chương, 123 Điều. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung như quy định đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép hành nghề… cùng các vấn đề các đại biểu quan tâm. Đặc biệt, cần cho ý kiến về việc dự án Luật có đủ điều kiện trình xin ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 hay không.

8h02: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và hồ sơ của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về bố cục của dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội đã rà soát các quy định của dự thảo Luật; hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính trong khám bệnh chữa bệnh làm căn cứ để thiết kế 01 mục riêng về các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Chương X về Các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh...

Về Hội đồng Y khoa quốc gia, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, do vậy, dự thảo Luật chỉ ghi nhận hình thức tổ chức này, nguyên tắc về vị trí pháp lý.

Về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý cụ thể hơn theo hướng hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân được chia thành 03 cấp chuyên môn kỹ thuật như sau: (i) Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; (ii) Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; (iii) Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. Về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng quy định nguyên tắc chung về vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, nội dung hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh như thể hiện tại Điều 67 dự thảo Luật và Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn dinh dưỡng… 

8h02: Phần 3 Về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại Điều 108 của dự thảo Luật. Về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật dự kiến bổ sung hình thức mua trả chậm, trả dần, thuê, muộn thiết bị y tế vào các các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trọng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như thể hiện tại điểm đ khoản 3 Điều 109 dự thảo Luật; bổ sung việc khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh vào nội dung của xã hội hóa như thể hiện tại khoản 2 Điều 109 dự thảo Luật.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài các vấn đề lớn nêu trên, trên cơ sở ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý tại hơn 50 điều khác của dự thảo Luật với 22 nhóm nội dung…

Về các điểm mới của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 123 điều, tăng 03 chương (Chương VI, VII, XI) và 32 điều so với Luật hiện hành, trong đó, quy định 01 mục riêng về các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Chương X của dự thảo Luật. 

Dự thảo Luật có 8 nhóm điểm mới liên quan đến người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật; hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung quy định về hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

8h00: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu Phiên họp

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận sáng ngày 14/12, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 nội dung: việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Võ Anh Thơ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội