PGS.TS DOÃN HỒNG NHUNG: LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) – SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ QUAN TRỌNG

13/12/2022

Theo Chương trình Phiên họp thứ 18, chiều 13/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm đến nội dung này, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng. Do đó, việc lấy ý kiến phải được tiến hành rộng rãi, đảm bảo tính thực chất, khách quan.

TỔNG THUẬT SÁNG 13/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ ĐIỀU TẠI PHÁP LỆNH (SỬA ĐỔI) VỀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TAND

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: PHÁT HUY DÂN CHỦ, TRÍ TUỆ, THỰC CHẤT NHẤT, HIỆU QUẢ NHẤT TRONG LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN

Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng 13/12

Sáng 13/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 18. Một trong những nội dung quan trọng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần này là nội dung về việc tổ chức  lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trước đó, thực hiện Kế hoạch số 329/KH-UBTVQH15 ngày 30/9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự kiến, thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03 tháng 01 đến ngày hết ngày 28 tháng 02 năm 2023. Đối tượng lấy ý kiến là: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Các cơ quan nhà nước, tổ chức ở trung ương; Các cơ quan nhà nước ở địa phương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu.

Quan tâm tới nội dung này, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng. Do đó, việc lấy ý kiến phải được tiến hành rộng rãi, đảm bảo tính thực chất, khách quan.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội

Phóng viên: Thưa PGS.TS Doãn Hồng Nhung, tại Phiên họp thứ 18 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Vậy, PGS.TS có nhận định như thế nào về sự cần thiết phải lấy ý kiến Nhân dân đối với dự luật này?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội: Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng. Theo tôi, việc tổ chức lấy kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật là vô cùng cần thiết. Bởi đây, là dự án luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai; có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đến toàn bộ người dân.

Thông qua việc lấy ý kiến Nhân dân sẽ phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật; tạo sự đồng thuận của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Bên cạnh đó, cũng giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật.

Đây là tiền đề sẽ tạo cơ sở pháp l‎ý cho người dân trực tiếp tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện ý chí và thực hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước cụ thể là quyền đối với đất đai. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Ngoài ra, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai còn thể hiện sự tôn trọng quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Đây là vấn đề có tính cấp thiết, tính thời sự và ý nghĩa khoa học về quyền dân chủ đối với tài sản là đất đai của Nhân dân.

Phóng viên: Theo quan điểm của PGS.TS nội dung lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần tập trung, chú trọng vào những vấn đề trọng tâm nào?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội: Để đảm bảo hiệu quả trong việc lấy ý kiến Nhân dân thì vấn đề xác định nội dung, phương thức lấy ý kiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nội dung lấy ý kiến Nhân dân cần phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án Luật, Đất đai các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Những vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến của người dân bao gồm 12 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai

Thứ hai, quy định về các quyền của người sử dụng đất, việc khai thác và sử dụng hiệu quả đất đai

Thứ ba, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tính liên thông của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch kiến trúc, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.

Thứ tư, về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất.

Thứ năm, về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Thứ sáu, về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; điều tiết quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội. Bỏ khung giá đất, giữ bảng giá đất và khai thác hiệu quả đất đai.

Thứ bảy, về phát triển quỹ đất, thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản. Tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật như Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch,…

Thứ tám, về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; giải quyết những tồn tại hạn chế trong quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường

Thứ chín, quy định về quản lý, sử dụng đất đa mục đích

Thứ mười, quy định về chuyển đổi số và cải cách hành chính

 Mười một, quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai

Mười hai, vấn đề bảo vệ quyền sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc lấy ý kiến Nhân dân chỉ phát huy ý nghĩa và tác dụng khi ý kiến đóng góp của Nhân dân được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và báo cáo Quốc hội. Do đó, trong quá trình triển khai, các cơ quan có trách nhiệm cần đặc biệt chú trọng quan tâm tới công đoạn này, tránh bỏ sót các ý kiến góp ý của người dân.

Phóng viên: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai. Vậy để đảm bảo hiệu quả, cần tổ chức các hình thức lấy ý kiến Nhân dân ra sao để tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, thưa PGS.TS?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội: Có thể khẳng định, hình thức tổ chức lấy ý kiến là điều kiện tiên quyết quyết định việc thành công của công tác  tổ chức lấy ý kiến Nhân dân.

Đối tượng lấy ý kiến là: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Các cơ quan nhà nước, tổ chức ở trung ương: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước. Các cơ quan nhà nước ở địa phương: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu. Vì vậy, tùy vào đối tượng lấy ý kiến để có hình thức tổ chức lấy ý kiến phù hợp, hiệu quả.

Trong đó, cần lưu ý lựa chọn các hình thức lấy ý kiến đa dạng, người dân dễ tiếp cận và góp ý. Thông qua các hình thức góp ý cơ bản như : góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các các cơ quan thông tấn báo chí; Điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật; và các hình thức khác phù hợp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các cơ quan chức năng có thể tổ chức lấy ý kiến Nhân dân thông qua hình thức góp ý trực tuyến, sử dụng công nghệ 4.0 cần được khuyến khích. Cụ thể: Khai thác và sử dụng mã QR để lập bảng hỏi và lấy thông tin người chịu tác động của Luật Đất đai xuất phát từ hoạt động giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất. Đối tượng tham gia khảo sát thông qua mã QR sẽ được thực hiện một cách toàn diện, thống nhất, bảo mật thông tin người khảo sát không quan trọng vị trí địa lý, thời gian tham gia khảo sát, lấy ý kiến.

Việc lấy ý kiến Nhân dân cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trong trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến tham gia của Nhân dân; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến Nhân dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Doãn Hồng Nhung!

Lê Anh

Các bài viết khác