Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả là nhu cầu cấp bách

09/11/2009

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là một biện pháp hàng đầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra

(VOV) - Chiều nay (7/11), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dự án Luật Thi hành án hình sự; dự án Luật Trọng tài thương mại. Đồng thời nghe Báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban về những dự án Luật trên.

 

Tiết kiệm năng lượng nhằm phát triển bền vững

 

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm điều chỉnh toàn bộ hành vi phía sử dụng năng lượng tại thời điểm hiện nay là cần thiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu về quản lý và phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Luật cũng sẽ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, tiêu dùng, giảm mức đầu tư rất cao hiện nay cho sản xuất năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, tác động đến phong cách sống của mỗi người dân. Bên cạnh đó, Luật sẽ là một trong những căn cứ để cụ thể hoá mục tiêu tiết kiệm là quốc sách, tiết kiệm năng lượng đi cùng với phát triển năng lượng, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự dâng cao của nước biển.

 

Hiện nay, để tạo ra 1.000 USD GDP, ở Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 600 kg dầu quy đổi, con số này hiện đang cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan và gần gấp 2 lần so với mức bình quân chung của thế giới. Ngành điện Việt Nam mỗi năm phải tăng trưởng đến 15 - 17% mới đáp ứng được yêu cầu tăng 6 - 8% GDP, trong khi bình quân thế giới để tăng 1% GDP thì cũng chỉ tăng 1,2 - 1,5% năng lượng tiêu thụ.

 

Theo đánh giá của Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng tiết kiệm năng lượng đến 20%; ngành xây dựng dân dụng và giao thông vận tải có thể tiết kiệm tới 30%; sinh hoạt và dịch vụ cũng có tiềm năng tiết kiệm không nhỏ.

 

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được chứng minh là biện pháp đầu tư hiệu quả, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện năng ít hơn nhiều so với chi phí đầu tư để sản xuất ra 1 kWh trong các nhà máy điện.

 

Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 7 chương, 46 điều, bao gồm những quy định chung; Trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quản lý đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; Biện pháp khuyến khích, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

 

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một nhu cầu cấp bách, góp phần khắc phục những tồn tại nêu trên, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam. Ủy ban cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng để Luật có tính khả thi cao, Ban soạn thảo cần bổ sung, cụ thể hóa hơn nữa những quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân; quy trình và thủ tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ đó. Bên cạnh đó, cần tham chiếu văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, điện lực, giao thông, xây dựng và các văn bản pháp luật khác có liên quan để nâng cao tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; từ đó nâng cao tính khả thi của Luật.

 

Luật Trọng tài thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập

 

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh trình bày Tờ trình dự án Luật Trọng tài thương mại

 

Dự thảo Luật Trọng tài thương mại gồm 11 chương và 75 điều, được soạn thảo nhằm khắc phục những bất cập của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, cũng như đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao về hội nhập kinh tế quốc tế. Việc xây dựng Luật được xác định trên những nguyên tắc cơ bản  là: Phải phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hoạt động kinh doanh và thực tiễn giải quyết tranh chấp hiện nay và dự báo trong thời gian tới khi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam ngày càng mở rộng; Luật cũng phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế; Đảm bảo hơn nữa quyền tự định đoạt của các bên trong việc lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp.

 

Báo cáo thẩm tra do Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày thống nhất với phương án 1 Điều 2 của dự thảo Luật về phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại bao gồm các hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại, cũng như những trường hợp không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng được các luật khác điều chỉnh.

 

Theo Uỷ ban Tư pháp, khái niệm “hoạt động thương mại” theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 có phạm vi tương đối rộng, đã khắc phục được hạn chế về phạm vi thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Theo Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại quốc tế, thì phạm vi điều chỉnh cũng chủ yếu được áp dụng trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Vì vậy, trong giai đoạn trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài mà chỉ giới hạn thẩm quyền của Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật thương mại năm 2005 và các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại, cũng như một số trường hợp được các luật khác quy định.

 

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra cũng cho ý kiến về tiêu chuẩn của Trọng tài viên; hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đăng ký phán quyết Trọng tài vụ việc; về mô hình tổ chức của Trọng tài Việt Nam…

 

Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Thi hành án hình sự; nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

 

Ngày mai (8/11), Quốc hội nghỉ làm việc.

Mạnh Hùng - Thanh Hà

(http://vovnews.vn)