Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia

07/11/2009

(VOV) - Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất cơ bản đã hoàn thành; Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La mới giải ngân 14.800 tỷ đồng; Phát hiện, xử lý trên 42.500 vụ chặt phá rừng mỗi năm; Đường Hồ Chí Minh mang lại những tác động kinh tế - xã hội rõ rệt

Sáng nay (6/11), Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các công trình quan trọng quốc gia: Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, Dự án đường Hồ Chí Minh và Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; đồng thời nghe Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về các báo cáo trên.

 

Bể chứa Nhà máy lọc dầu Dung Quất

 

Cơ bản hoàn thành dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất

 

Dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 514/TTg ngày 10/7/1997 và điều chỉnh Dự án đầu tư tại Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 17/6/2005, giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam- PVN) làm Chủ đầu tư.

 

Cho đến nay, công tác xây lắp nhà máy đến nay đã cơ bản hoàn thành; tiến độ chạy thử và khởi động nhà máy đạt khoảng 99%. Ngày 11/7/2009 Nhà máy đã xuất bán 5.500m3 sản phẩm xăng A92 đầu tiên, đạt chất lượng theo quy chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia. Ban Quản lý dự án đã tuyển dụng trên 1.000 người, từng bước đảm nhận các khâu vận hành và bảo dưỡng nhà máy. Tình hình an ninh trật tự khu vực Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhìn chung được đảm bảo.

 

Về dự án Polypropylene, đến hết tháng 9/2009, dự án đã triển khai được 20/28 tháng, tiến độ tổng thể dự án đạt 93,59%, vượt 0,34%. Trong đó đã hoàn thành công tác thiết kế; công tác mua sắm đạt 97,8%; công tác xây dựng đạt 85,21%, vượt 1,31%. Đã tổ chức đào tạo ngắn hạn tại xưởng sản xuất của các nhà cung cấp thiết bị chính của dự án. Ban Quản lý dự án đã yêu cầu nhà thầu Hyundai đẩy nhanh tiến độ thi công một số hạng mục như hệ thống điện, lắp dựng kết cấu thép cho nhà kho... Theo kế hoạch, cuối tháng 10/2009 nhà máy sản xuất Polypropylene thực hiện công tác chạy thử.

 

Từ tháng 6/2009, Công ty Bảo vệ Dầu khí đã chính thức tiếp nhận công tác bảo vệ tại Nhà máy lọc dầu; Ban Quản lý Dự án tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết những vướng mắc còn lại trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2. Tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là hơn 3.053 triệu USD.

 

Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La đã giải ngân 14.800 tỷ đồng

 

Dự án thuỷ điện Sơn La được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và quy mô Đề án tại Nghị quyết số 44/2001/NQ-QH khóa X và số 13/2002/NQ-QH khóa XI với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào năm 2012 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2015.

 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đầu tư Dự án tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15/1/2004 bao gồm 3 dự án thành phần: Dự án xây dựng công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, Dự án di dân tái định cư do UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu làm chủ đầu tư và Dự án các công trình giao thông tránh ngập do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư; phê duyệt Tổng tiến độ Dự án tại Quyết đinh số 671/QĐ-TTg ngày 1/6/2007 với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2010 và hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2012.

 

Toàn cảnh Nhà máy thuỷ điện Sơn La nhìn từ phía hạ lưu

 

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tổng dự toán xây dựng công trình đã được Bộ phê duyệt là 26.475 tỷ đồng, trong đó: giá trị xây lắp 12.046 tỷ đồng, giá trị thiết bị 9.129 tỷ đồng, chi phí khác và dự phòng 5.300 tỷ đồng. Về cơ bản đã cân đối được vốn cho dự án theo Tổng dự toán được duyệt. Giá trị giải ngân 9 tháng đầu năm đạt 3.360,25 tỷ đồng, trong tổng số 4.800 tỷ đồng của kế hoạch năm 2009. Tổng giá trị giải ngân dự án công trình tới ngày 22/10/2009 đạt khoảng 14.800 tỷ đồng, trong tổng dự toán dự án công trình là khoảng 26.500 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2009, tất cả các hạng mục của Dự án xây dựng công trình đều được thi công đáp ứng tiến độ nút cống dẫn dòng tích nước hồ chứa vào tháng 5/2010, phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2010; công tác giám sát chất lượng và đảm bảo an toàn thi công được thực hiện chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu.

 

Về công tác di dân tái định cư, nhìn chung hiệu quả công tác tuyên truyền tương đối tốt. Tuy nhiên, hiện vẫn còn chờ 334 hộ của tỉnh Sơn La ký cam kết di chuyển đến nơi tái định cư mới. Nhìn chung việc thực hiện chi trả tiền chênh lệch và tiền bồi thường về đất, việc hoàn thành hồ sơ nghiệm thu theo quy định cũng như công tác thu hồi và giao đất sản xuất cho các hộ tái định cư vẫn còn chậm; tiến độ xây dựng cầu Pa Uôn phải lùi thời hạn hoàn thành đến tháng 4 sang năm; công tác đền bù giải phóng mặt bằng tuyến tránh nhập quốc lộ 12 trên địa bàn tỉnh Điện Biên và một phần trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.

 

Mỗi năm phát hiện, xử lý trên 42.500 vụ chặt phá rừng

 

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Đây là dự án đặc biệt trải khắp các địa phương trên cả nước, với đối tượng hưởng lợi chính là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Dự án được Quốc hội khoá X thông qua ngày 5/2/1997. Sau 10 năm triển khai đã đạt được những kết quả như: Công tác bảo vệ rừng và phòng chống chặt phá rừng trái phép được duy trì, hầu hết các địa phương đã quan tâm chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với lâm tặc, ngăn chặn phá rừng trái phép; đã khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bình quân gần 2,6 triệu ha/ năm; riêng năm 2008 đạt hơn 2,3 triệu ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh là 1,088 triệu ha; trồng mới gần 1,930 triệu ha.

 

Hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng tuy có giảm nhưng còn diễn biến gay gắt ở nhiều địa phương, bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý trên 42.500 vụ; tình trạng phá rừng trái phép còn xảy ra ở những địa phương có nhiều rừng tự nhiên, nhất là các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Quảng Nam, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra nghiêm trọng.

 

Đường Hồ Chí Minh mang lại những tác động kinh tế - xã hội rõ rệt

 

Dự án đường Hồ Chí Minh được Quốc hội khoá XI thông qua tại Kỳ họp thứ 6 về chủ trương đầu tư xây dựng. Ngày 15/2/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 242/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh với điểm đầu là Pắc Bó (Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (Cà Mau) với chiều dài 3.167km (tuyến chính dài 2667km, nhánh Tây dài 500km) được chia làm 3 giai đoạn đầu tư.

 

Cho đến nay, mặc dù chưa thông toàn tuyến, nhưng những đoạn tuyến đã hoàn thành đã cho thấy đường Hồ Chí Minh đã mang lại những tác động kinh tế xã hội rõ rệt, đặc biệt là đối với đời sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc, các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện phát triển kinh tế phía Tây của Tổ quốc, có ý nghĩa chiến lược góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.

 

Tuyến đường Hồ Chí Minh còn mở ra những triển vọng lớn trong việc khai thác tiềm năng du lịch của nước ta. Việc xây dựng mới và kết nối đường Hồ Chí Minh với hệ thống giao thông hiện có đang thúc đẩy sự phát triển mạng giao thông đường bộ thông suốt, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Giai đoạn 2 của dự án bao gồm 28 dự án thành phần. Đến nay đã hoàn thành 1 dự án thành phần, 17 dự án thành phần đang triển khai thi công hoặc đấu thầu và 10 dự án thành phần đang lập dự án đầu tư hoặc đang gọi vốn đầu tư ODA. Như vậy, so với yêu cầu nêu trong Nghị quyết của Quốc hội và Quy hoạch tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt, không thể hoàn thành Dự án đường Hồ Chí Minh đúng tiến độ để nối thông toàn tuyến từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) vào năm 2010. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện yêu cầu nâng cấp đường Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc giai đoạn năm 2010 - 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội.

 

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép giãn tiến độ nối thông toàn tuyến đến năm 2013. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét, cân đối bố trí bổ sung vốn cho các dự án thành phần thuộc giai đoạn 2. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh có đường Hồ Chí Minh đi qua đặc biệt quan tâm, tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và bảo vệ hành lang an toàn giao thông nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện của dự án.

 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ có Tờ trình chính thức báo cáo với Quốc hội về việc giãn tiến độ xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2007- 2010; báo cáo dự kiến tổng mức đầu tư của dự án và cho phép sử dụng 25.243 tỷ đồng vốn Trái phiếu Chính phủ trong thời gian giãn tiến độ, đồng thời trình Quốc hội xem xét quyết định những hạng mục ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2020 và một số cơ chế chính sách đặc biệt để thực hiện có hiệu quả dự án.

 

Thay mặt Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Uỷ ban đã trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm nói trên. Báo cáo đánh giá và nhận xét về tình hình thực hiện các dự án, đồng thời kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và địa phương các biện pháp thực hiện đối với Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và dự án đường Hồ Chí Minh.

 

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 với 85,4% ý kiến đại biểu thông qua.

 

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe các Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật thuế nhà, đất; về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đồng thời nghe các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về những dự án này./.

Thanh Hà-Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn)