Sáng nay, 6-11: Quốc hội nghe báo cáo về tình hình thực hiện 4 dự án trọng điểm quốc gia

07/11/2009

(SGGPO).- Trong phiên họp sáng nay, 6-11, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày tình hình thực hiện 4 dự án trọng điểm quốc gia gồm: Dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) số 1 Dung Quất, dự án Thủy điện Sơn La, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và dự án đường Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) Đặng Vũ Minh cũng đã trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra về các báo cáo nêu trên.

Đề nghị Quốc hội phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất

 

Theo Báo cáo của Bộ Công thương, hiện nay tình hình triển khai dự án NMLD Dung Quất cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, nhưng do xảy ra sự cố kỹ thuật tại cụm thiết bị tái sinh xúc tác phân xưởng cracking xúc tác RFCC nên tiến độ bàn giao NMLD bị ảnh hưởng. Hiện tại chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với nhà thầu khắc phục nhanh sự cố nhằm vận hành nhà máy đạt 100% công suất đúng tiến độ kế hoạch.

 

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày về dự án thủy điện Sơn La. Ảnh: Minh Điền

 

Sau khi tổ chức thẩm tra, UB KHCN&MT của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 để Quốc hội phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh NMLD Dung Quất và sớm chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu kỹ phương án mở rộng, nâng công suất nhà máy nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho dự án. UB KHCN&MT kiến nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp với địa phương đảm bảo phương án giữ gìn an ninh trật tự có hiệu quả; đồng thời giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ dân có đất trong khu vực mặt bằng của NMLD để nhà máy có thể vận hành ổn định, an toàn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tổng kết, rút kinh nghiệm trong các khâu như đấu thầu, lập dự án, khảo sát thiết kế…, đặc biệt là trong việc quản lý một dự án lớn, đảm bảo kỷ luật lao động.

 

Dự án đường Hồ Chí Minh không hoàn thành đúng kế hoạch

 

Kết quả giám sát của UB KHCN&MT về dự án này cho thấy, phạm vi, hướng tuyến và quy mô tiêu chuẩn của từng đoạn tuyến cơ bản thể hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội. Tuy nhiên, công tác quy hoạch vẫn còn một số bất cập như việc khảo sát thiết kế một số đoạn tuyến chưa phù hợp với thực tế, công tác lập, thẩm định và phê duyệt một số hạng mục bị chậm trễ. Bên cạnh đó, việc gắn kết giữa xây dựng tuyến đường này với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và mạng lưới giao thông chưa được thực hiện thống nhất giữa các địa phương mà tuyến đường đi qua.

 

Đáng lưu ý, ở giai đoạn 2 (2007 - 2010), theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải, mới chỉ có 1 dự án thành phần đã hoàn thành, 11 dự án dự kiến hoàn thành trước cuối năm 2010, 18 dự án phải kéo dài tiến độ. Điều này đồng nghĩa với việc không thể hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh đúng kế hoạch để nối thông toàn tuyến (từ Pắc Bó - Cao Bằng đến Đất Mũi - Cà Mau) vào năm 2010.

 

UB KHCN&MT của Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép giãn tiến độ, báo cáo dự kiến tổng mức đầu tư của dự án; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; bố trí vốn kịp thời cho các dự án đã đủ điều kiện đầu tư; nghiên cứu, cho phép áp dụng điều chuyển vốn giữa các dự án thành phần, bố trí vốn ưu tiên triển khai một số đường ngang nối thông đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 với Quốc lộ 1…

 

Dự án Thủy điện Sơn La vượt tổng mức dự toán 14.000 tỷ đồng

 

Một trong những nội dung được UB KHCN&MT của Quốc hội yêu cầu Chính phủ giải trình rõ về dự án Thuỷ điện Sơn La là việc tổng dự toán xây dựng trội lên 14.000 tỷ đồng (39%) so với dự toán ban đầu trình Quốc hội khóa XI tại kỳ họp thứ 2 (năm 2002). Bên cạnh đó, UB KHCN&MT yêu cầu Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giám sát nghiêm ngặt quy trình công nghệ đổ bê tông đầm lăn để khống chế hiện tượng nứt đập; phối hợp với các ngân hàng đảm bảo đủ vốn và thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu.

 

Theo thống kê mới nhất, các địa phương đã lập và phê duyệt phương án bồi thường cho gần 30.000 hộ dân (cả hộ tái định cư và hộ sở tại bị ảnh hưởng). Các hộ tái định cư ngoài xã, ngoài huyện cũ đã được giao đất theo hạn mức quy định và đang được hướng dẫn lồng ghép các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.

 

Sớm hoàn thành chính sách về xác định giá rừng

 

Báo cáo của Chính phủ về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghịêp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày trước Quốc hội sáng nay khẳng định hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của dự án. Thông qua việc thực hiện dự án, rừng nhiều nơi đã được cải tạo, nâng cao chất lượng và trữ lượng, có giá trị kinh tế cao. Tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đã đạt khoảng 38,7%.

 

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của UB KHCN&MT chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tiến độ trồng mới cũng như việc giao đất, giao rừng còn chậm. Đáng lưu ý, phương pháp và cách thức giao rừng, giao đất lâm nghiệp và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với các cơ chế hưởng lợi và chính sách hỗ trợ đi kèm chưa thực sự được công khai, dân chủ.

 

Mặt khác, cần sớm hoàn thiện khung chính sách pháp luật về xác định giá rừng, đặc biệt là giá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trước khi chuyển sang rừng sản xuất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng để tránh thất thoát tài nguyên rừng.  

ANH PHƯƠNG

(http://www.sggp.org.vn)