Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

09/11/2009

Chiều 7.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã nghe Chính phủ trình bày Tờ trình về các dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Dự án Luật trọng tài thương mại và Dự án Luật Thi hành án hình sự

* Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án nhà máy thủy điện Lai Châu và Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

* Chính phủ trình Dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Dự án Luật trọng tài thương mại và Dự án Luật Thi hành án hình sự.   

 

Sáng 7.11, QH làm việc tại tổ, thảo luận về chủ trương đầu tư dự án nhà máy thủy điện Lai Châu và dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

 

Đa số ĐBQH tán thành việc xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu để bổ sung cho lưới điện quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) đề nghị, cần tiếp thu nghiêm túc những bài học kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La… trong quá trình thực hiện dự án nhà máy thủy điện Lai Châu, bảo đảm nếu được QH phê chuẩn chủ trương đầu tư, dự án sẽ được triển khai hiệu quả nhất.

 

Đối với phương án giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, ĐB Trần Đình Long (Đăk Lăk) chỉ rõ: cơ chế tái định cư cho các dự án nhà máy điện không thể giống nhau do điều kiện đất đai, tiềm lực tại mỗi địa phương khác nhau; đề nghị, việc di dân, tái định cư cần gắn chặt chẽ với tổ chức tái sản xuất; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm để người dân có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới. Nhiều ĐBQH cũng kiến nghị, việc di dân, tái định cư phải được hoàn thiện trước khi xây dựng nhà máy điện; khu tái định cư phải bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ; chú trọng công tác bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình di dân, tái định cư. Bên cạnh đó, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công khai các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân; chủ động phòng chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quản lý sử dụng các nguồn vốn cho tái định cư.

 

Nhiều ĐBQH cũng cho rằng: cơ quan trình chưa đánh giá cụ thể các tác động tiêu cực đến môi trường, nhất là dự báo và định lượng những tổn thất nguồn gen và các loài động, thực vậy quý hiếm. Các ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), H’Luộc Ntơr (Đăk Lăk), Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau), Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn)… đề nghị: Chính phủ cần tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của sự thay đổi chế độ thủy văn do các công trình thủy điện lớn gây ra và đề xuất các giải pháp hạn chế, khắc phục đối với hệ thống sông Đà. Bởi những dự án thủy điện lớn thường làm thay đổi nghiêm trọng chế độ thủy văn của vùng hạ lưu. Việc xây dựng 3 dự án thủy điện lớn trên sông Đà có thể làm thay đổi mực nước ngầm tại một số khu vực dân cư thuộc đồng bằng Bắc bộ và vùng duyên hải, và gia tăng mức độ xâm nhập mặn của nước biển. Bên cạnh đó, cần có giải pháp cụ thể để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và phát triển rừng đầu nguồn; tính toán về việc xả nước, các yếu tố ảnh hưởng tới độ bền vững của nền móng công trình… Bởi nếu không quan tâm đến vấn đề này thì kinh phí khắc phục sẽ lớn hơn rất nhiều so với kinh phí xây dựng thủy điện Lai Châu – ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

 

 Chiều 7.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã nghe Chính phủ trình bày Tờ trình về các dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Dự án Luật trọng tài thương mại và Dự án Luật Thi hành án hình sự.

 

Tờ trình Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày. Dự thảo Luật đã thể chế hóa đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dự thảo Luật quy định nguyên tắc điều chỉnh các đối tượng sử dụng năng lượng, phối hợp đồng bộ giữa biện pháp tuyên truyền, khuyến khích và quản lý bắt buộc, đặc biệt đối với các đối tượng sử dụng nhiều năng lượng; tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trong công tác phối hợp, báo cáo hiện trạng sử dụng năng lượng, lập và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại đơn vị; khuyến khích hình thành mạng lưới các tổ chức dịch vụ để triển khai các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng tại các địa phương.

 

Trình bày Báo cáo thẩm tra của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh khẳng định: việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những biện pháp hàng đầu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện để chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra. Việc ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một nhu cầu cấp bách. Tuy nhiên, Dự thảo Luật còn thiếu vắng một số quy định về trách nhiệm của Nhà nước; các quy định về sử dụng hợp lý, hài hòa nguồn năng lượng không tái tạo và năng lượng tái tạo; các quy định nhằm khuyến khích hoạt động điều tra cơ bản về tiềm năng năng lượng tái tạo; đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo ở nước ta… còn chung chung. Dự thảo Luật cũng nên cân nhắc việc quy định cụ thể về chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong Luật. Bởi trên thực tế, việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, các chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thuế, đầu tư, doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan; tránh việc sử dụng sai mục đích gây thất thoát ngân sách.

 

Tiếp đó, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh đã trình bày Tờ trình Dự án Luật trọng tài thương mại. Theo Tờ trình, việc xây dựng Luật trọng tài thương mại phải phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hoạt động kinh doanh và thực tiễn giải quyết tranh chấp hiện nay cũng như dự báo tình hình sắp tới khi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta ngày càng mở rộng; phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm hơn nữa quyền tự định đoạt của các bên trong việc lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp. Dự án Luật Trọng tài thương mại quy định rõ phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại...

 

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trọng tài thương mại do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày, về phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại vẫn còn có  hai loại ý kiến khác nhau. Thứ nhất, đề nghị giới hạn phạm vi bao gồm các hoạt động thương mại theo quy định của Luật thương mại năm 2005 và có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại, cũng như những trường hợp không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng được các luật khác điều chỉnh. Ý kiến thứ hai đề nghị cần mở rộng thẩm quyền của Trọng tài cho tất cả các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng giữa các chủ thể dân sự, không phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự.

 

Đồng tình với ý kiến thứ nhất, Ủy ban Tư pháp khẳng định hoạt động thương mại theo quy định của Luật thương mại năm 2005 có phạm vi tương đối rộng, đã khắc phục được hạn chế về phạm vi thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Vì vậy, trong giai đoạn trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài mà chỉ giới hạn thẩm quyền của Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật thương mại năm 2005 và các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại, cũng như một số trường hợp được các luật khác quy định, là phù hợp. 

 

Về mô hình tổ chức của Trọng tài Việt Nam, Ủy ban Tư pháp tán thành ý kiến của Cơ quan soạn thảo cho rằng không nên chỉ có một tổ chức Trọng tài quốc gia để chỉ đạo các tổ chức Trọng tài địa phương mà phải xuất phát từ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để hình thành các Trung tâm Trọng tài. Do đó, dự thảo Luật nên quy định chặt chẽ các điều kiện để thành lập Trung tâm Trọng tài, tránh trường hợp sau khi Luật này có hiệu lực thì nhiều Trung tâm Trọng tài được thành lập nhưng lại không phát huy được hiệu quả của hoạt động Trọng tài.

P.Thủy – L.Hiển

(http://nguoidaibieu.com.vn)