Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhất trí với chủ trương phát triển nguồn năng lượng

08/11/2009

*Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dân và môi trường *Đề nghị QH giám sát công tác di dân tái định cư ngay khi bắt đầu dự án

(SGGPO).- Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng nay, 7-11 về dự án thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, các ĐBQH đều nhất trí với chủ trương tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, đa số ý kiến ĐBQH nhấn mạnh yêu cầu dảm bảo an toàn tuyệt đối cho cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Hướng tới các mục tiêu này, ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) đề nghị Chính phủ xây dựng và báo cáo QH những giải pháp cụ thể về phòng ngừa và xử lý khủng hoảng trong trường hợp xảy ra sự cố đáng tiếc. “Không ai mong muốn sự cố xảy ra cả, chính vì thế mà phải chuẩn bị trước những phương án hữu hiệu để quản lý nó”, ông nói.

 

Xuất phát từ thực tế là hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia vừa qua đều bị “đội” vốn lên rất lớn so với mức phê duyệt ban đầu, ĐB Dũng để nghị Chính phủ tính toán kỹ quy mô đầu tư giai đoạn 1 của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, vừa để “đủ lực làm đến nơi đến chốn, đồng thời tích lũy kinh nghiệm làm tốt hơn ở những giai đoạn tiếp theo”.

 

Chia sẻ mối quan ngại về đảm bảo an toàn cho các dự án năng lượng quan trọng này, ĐB Nguyễn Văn Bé (TPHCM) nhận xét, báo cáo Chính phủ nêu còn nhẹ về mặt trái của các dự án này. ĐB dẫn chứng, trên sông Đồng Nai có tới 15 dự án thủy điện, sông Ba có 9 dự án, sông Đà có 3 dự án, chưa kể các dự án ở phía thượng nguồn của nước khác.

 

Các dự án thủy điện có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ lưu vực sông nói riêng và môi trường sinh thái nói chung, vì vậy “phải có cái nhìn toàn diện với tầm nhìn xa để đánh giá khách quan tác động của những dự án tới môi trường sinh thái, như vậy mới đảm bảo phát triển bền vững”.

 

Đây cũng là quan điểm của ĐB Dao Nhiễu Linh  khi bà thẳng thắn phát biểu: “ĐBQH không thể am tường tất cả mọi vấn đề, nhất là những vấn đề có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Khi trình bày với QH, đại diện Chính phủ không nên đọc lại báo cáo (đã phát tận tay cho ĐB) mà phải có sự giải thích, mô hình hóa, nêu rõ mặt tích cực, tiêu cực của từng dự án. Với cung cách cung cấp tài liệu như hiện nay, ĐBQH khó đưa ra được những ý kiến đóng góp xác đáng”.

 

ĐB Đặng Ngọc Tùng nhất trí với chủ trương đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, nhưng đặc biệt lưu ý Chính phủ tìm giải pháp năng lượng từ các nguồn khác rất “sạch và an toàn” như từ gió, mặt trời, sóng biển…... Trong khi đó, ĐB Trần Đông A đề cao yêu cầu chuẩn bị nhân lực, cụ thể là đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tế để xây dựng và vận hành dự án.

 

Nhóm ý kiến quan trọng khác của các ĐBQH là về công tác di dân tái định cư (DDTĐC). Rút kinh nghiệm từ công tác DDTĐC dự án thủy điện Sơn La, ĐB Triệu Thị Nái (Hà Giang), Tất Thành Cang (TPHCM) yêu cầu QH giám sát chặt chẽ ngay từ đầu công tác thực hiện DDTĐC đối với các dự án này để đảm bảo cho người dân trong vùng phải di dời, nhường chỗ cho dự án thực sự có được cuộc sống ổn định “bằng, hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

ANH PHƯƠNG

(http://www.sggp.org.vn)