THẢO LUẬN TẠI TỔ 6: ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI, HỖ TRỢ VỀ GIÁO DỤC, Y TẾ, VIỆC LÀM

09/06/2023

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 09/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát các giải pháp để thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; đồng thời cần đánh giá kỹ tác động chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ về giáo dục, y tế, việc làm để đảm bảo tính phù hợp, khả thi.

THẢO LUẬN TỔ 6: ĐẢM BẢO QUYỀN CÓ NƠI Ở HỢP PHÁP CHO CÔNG DÂN THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP

Qua thảo luận tại phiên họp tổ, các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Theo các đại biểu, công trình quốc phòng và khu quân sự có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc cả thời bình và thời chiến. Việc quản lý, bảo vệ có hiệu quả công trình quốc phòng và khu quân sự góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhiều đại biểu tán thành quan điểm, việc ban hành Luật trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định. Đồng thời, ban hành luật cũng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của Luật với pháp luật có liên quan; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có hiệu lực, hiệu quả.

Toàn cảnh phiên họp

Đối với việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, một số đại biểu cho rằng, việc phân loại, phân nhóm có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ để quy định các nội dung, hình thức quản lý, bảo vệ cho phù hợp với tính chất, mục đích của từng loại công trình quốc phòng và khu quân sự. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu để phân loại này bao quát các công trình quốc phòng và khu quân sự theo khái niệm tại dự thảo Luật, nhất là các công trình lưỡng dụng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình quốc phòng và khu quân sự, các cơ sở nghiên cứu của Bộ Quốc phòng.

Về phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về phá dỡ công trình quốc phòng để phù hợp và thống nhất với quy định của Luật Xây dựng năm 2014; Luật Phòng cháy và chữa cháy về việc phá dỡ công trình trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn cháy. Bên cạnh đó, các trường hợp được phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự phải đảm bảo bao quát đối với trường hợp cụ thể như trụ sở các ban chỉ huy quân sự cấp huyện được địa phương cấp đất để xây dựng trụ sở mới, nhưng trụ sở cũ vẫn còn giá trị sử dụng để phục vụ mục đích chung của cộng đồng hoặc để phát triển kinh tế xã hội theo kế hoạch đã được duyệt.

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ về giáo dục, y tế, lao động, việc làm, sản xuất kinh doanh tại khoản 2 Điều 26, cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo tính phù hợp, khả thi. Tại Hồ sơ dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo nên giải thích rõ căn cứ, lựa chọn quy định chính sách nêu trên, cách xác định, phạm vi đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ, bởi việc quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị tác động, ảnh hưởng là rất chung chung, khó xác định.

Về chính sách đối với các địa phương, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo nên giải thích rõ các căn cứ, lý do quy định các chính sách ưu tiên đối với địa phương cấp thôn, xã trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu vực quân sự nhóm đặc biệt, ví dụ như ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, cân nhắc tính phù hợp, cần thiết của chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo nguồn phát triển cán bộ tại chỗ. Đại biểu cũng cho rằng, nội hàm cán bộ cơ sở và chính sách tạo nguồn phát triển cán bộ tại chỗ chưa đảm bảo rõ ràng, có thể cân nhắc, chỉnh lý nội dung này cho phù hợp hơn.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, nội dung về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự được thể hiện tại Điều 11, điểm a khoản 3. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác, bao gồm cả chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND cấp tỉnh phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước với đất quốc phòng, an ninh thuộc địa bàn quản lý hành chính của địa phương. Đồng thời, UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức.

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu cho rằng, quy định trong dự thảo luật chưa phù hợp với quy định của luật đất đai, vì vậy cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ vấn đề này. Đại biểu cho rằng, nếu Thủ tướng quy định việc chuyển đổi mục đích đất quốc phòng, công trình quốc phòng, khu vực quân sự thì cần làm rõ quy mô ở cấp nào, công trình ở mức độ nào thì thuộc Thủ tướng, công trình ở quy mô nào thì thuộc phạm vi của cấp tỉnh sau khi có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Bên cạnh đó, đối với việc xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự một số đại biểu phân tích, phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự liên quan đến việc xác định trách nhiệm bảo vệ của các chủ thể và xác định các hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, nhất là các hành vi xâm phạm khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự, vành đai an toàn kho đạn dược.

Do đó, cơ quan soạn thảo làm rõ thêm về các quy định này, các căn cứ xác định phạm vi khu vực cấm, phạm vi khu vực bảo vệ, phạm vi vành đai an toàn, phạm vi vành đai an toàn; những nguyên tắc, tiêu chí, yêu cầu cụ thể về phạm vi, ranh giới của khu vực cấm, khu vực bảo vệ và vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định về chiều cao không gian, chiều sâu dưới mặt đất, trên mặt nước, dưới mặt nước các công trình dân dụng liền kề phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ về áp dụng pháp luật. Theo đó, cần rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật và các luật có liên quan để quy định cụ thể trường hợp nào áp dụng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và trường hợp nào áp dụng luật có liên quan như Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ về giáo dục, y tế, lao động, việc làm, sản xuất kinh doanh cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo tính phù hợp, khả thi.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, nội dung về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự không phù hợp với Luật Đất đai, vì vậy, cần nghiên cứu, rà soát kỹ quy định này

Các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ về áp dụng pháp luật, cần rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật và các luật có liên quan để quy định cụ thể trường hợp nào áp dụng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và trường hợp nào áp dụng luật có liên quan./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác