THẢO LUẬN TỔ 4: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ BỀN VỮNG CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

09/06/2023

Chiều ngày 09/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Tổ 4 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và thành phố Hải Phòng.

THẢO LUẬN TỔ 2: CÂN NHẮC VIỆC BAN HÀNH BẢNG GIÁ ĐẤT HÀNG NĂM

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có bố cục gồm 06 chương, 34 điều quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ, chính sách; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Việc xây dựng Luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự; hống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nội dung của Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 04 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/02/2022, gồm: Chính sách về hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự; Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự …

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Qua thảo luận, các đại biểu trong Tổ cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng việc ban hành Luật trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 góp phần tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của Luật với pháp luật có liên quan; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có hiệu lực, hiệu quả.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc nâng Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 lên thành luật là cần thiết. Đối với dự án Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, Bộ Quốc phòng cũng đã tiếp thu nhiều nội dung. Đến nay, các nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với các Luật có liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, đây là một dự án Luật khó, một số nội dung quy định còn chung chung, do vậy Ban soạn thảo cần rà soát và quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi. Đặc biệt về nội dung liên quan đến phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, cần phân loại sao cho khoa học, đơn giản và dễ hiểu.  Đồng thời, cần chú ý quy định về điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai Luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Minh – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng

Cũng nhất trí cao với sự cần thiết của dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Minh – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng cho rằng, sau gần 30 năm triển khai, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời, một số nội dung quy định về trách nhiệm quản lý chưa rõ ràng, chưa đồng bộ với các Luật có liên quan và các Luật đang sửa đổi. Do đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng một đạo luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đại biểu Nguyễn Quang Minh cũng bày tỏ đồng tình với dự thảo Luật khi quy định cụ thể các trường hợp phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng

Nhấn mạnh việc xây dựng dự thảo Luật này là hết sức cần thiết, đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng cho rằng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý đối với việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sẽ đảm bảo được quy định pháp luật điều chỉnh có tính bền vững, lâu dài.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Chu Hồi chỉ ra, trong dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh nhưng lại chưa đề cập rõ đối tượng áp dụng. Do vậy, cần điều chỉnh lại để đảm bảo thống nhất với cấu trúc của các dự án Luật được ban hành. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đang sử dụng câu chữ quá dài, khó nhớ, cần điều chỉnh lại theo hướng đơn giản, chặt chẽ và khoa học hơn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị các chính sách đề cập trong dự thảo Luật cũng cần quy định cụ thể, gọn gàng hơn; rà soát từ ngữ sử dụng ở nhan đề các Điều sao cho thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật cũng như tương thích với các Luật khác có liên quan, đặc biệt là dự thảo Luật Phòng thủ dân sự…

Một số hình ảnh tại phiên họp: 

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 4 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và thành phố Hải Phòng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với các Luật có liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Qua thảo luận, các đại biểu trong Tổ cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật này, các đại biểu cũng đề nghị các chính sách đề cập trong dự thảo Luật cũng cần quy định cụ thể, gọn gàng hơn

Đồng thời, rà soát từ ngữ sử dụng ở nhan đề các Điều sao cho thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật cũng như tương thích với các Luật khác có liên quan, đặc biệt là dự thảo Luật Phòng thủ dân sự…

Thu Phương – Phạm Thắng

Các bài viết khác