THẢO LUẬN TỔ 6: ĐẢM BẢO QUYỀN CÓ NƠI Ở HỢP PHÁP CHO CÔNG DÂN THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP

05/06/2023

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 05/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại phiên thảo luận của tổ 6, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần cụ thể hóa hơn nữa các nội dung bảo vệ quyền lợi của công dân theo quy định của Hiến pháp, trong đó đặc biệt cần lưu ý đến việc bảo đảm quyền có nơi ở hợp pháp cho người dân.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 6: CẦN CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ ĐỂ THU HÚT NHÂN TÀI, PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TINH HOA

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 6 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Phú Thọ, Đắk Nông, Trà Vinh.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở, trong đó cần quan tâm vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, bảo đảm rành mạch, rõ trách nhiệm và điều kiện bảo đảm thực hiện.

Nhiều đại biểu cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, liên quan chặt chẽ, mật thiết tới lợi ích của người dân, phạm vi của luật có mối quan hệ mật thiết với nhiều luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng..., trong đó, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản cũng đang được Quốc hội xem xét, sửa đổi.

Các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ để tránh chồng lấn, xung đột về phạm vi điều chỉnh, ví dụ như quy định của dự thảo Luật về nhà ở có mục đích hỗn hợp, dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào mục đích khác không phải để ở với dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); hoạt động “phát triển nhà ở” theo dự thảo Luật với hoạt động xây dựng trong Luật Xây dựng...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, được quy định từ Điều 25 đến Điều 31 của dự thảo Luật, hiện đang có hai loại ý kiến. Đại biểu cho rằng không nên xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, mà nên tích hợp nội dung vào quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để giảm chi phí, công sức bỏ ra, tránh chồng chéo giữa các quy hoạch.

Đối với việc xây dựng, cải tạo nhà chung cư cũ, đại biểu cho rằng đây là vấn đề gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ các bất cập về trình tự, thủ tục di dời cư dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ; lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; thống nhất phương án bồi thường, tái định cư sau khi lựa chọn được chủ đầu tư; trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đại biểu cho rằng cần chú ý đến việc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan đến đất đai, xây dựng, kinh doanh thương mại, đầu tư, đấu thầu…

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, trong vấn đề phá dỡ nhà chung cư, hiện nay đang có chồng chéo giữa dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 72 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ mà theo quy hoạch được xây dựng lại thì các chủ sở hữu được bố trí tái định cư tại chỗ và phải đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, điểm a khoản 3 Điều 79 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn giữa 02 luật.

Cùng với đó, các đại biểu cho rằng, các cơ quan soạn thảo của 2 dự án luật này cần phối hợp rà soát, đề xuất phương án xử lý thống nhất nội dung nêu trên trong 02 dự thảo Luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư đối với đất ở ổn định, lâu dài.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Tham gia đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, theo khoản 1 Điều 22 của Hiến pháp, một trong những quyền rất quan trọng của công dân là công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Việc ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) phải tạo lập được cho công dân có chỗ ở hợp pháp, đảm bảo thực hiện quyền của công dân như đã quy định. Tuy nhiên, về tổng thể, Luật Nhà ở mới đang tập trung chủ yếu vào sở hữu nhà ở, xử lý những vấn đề liên quan đến nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng hơn nữa để cụ thể hóa nội dung Hiến pháp cũng như Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đối với việc mở rộng loại hình nhà ở, bảo vệ quyền có nơi ở hợp pháp của người dân.

Liên quan đến nhà ở kết hợp với mục đích thương mại, đại biểu phản ánh, hiện nay trong dự thảo luật chưa tách bạch được mục đích thương mại với mục đích ở. Khi Nhà nước giao đất cho chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại, luôn có sự kết hợp giữa mục đích ở và các mục đích khác, khiến giá nhà ở bị đẩy lên cao. Đại biểu cho rằng cần có sự phân biệt, tách bạch rõ ràng về mục đích sử dụng đất để có những quy định phù hợp với thực tiễn.

Về xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội không do Nhà nước đầu tư xây dựng, các đại biểu cơ bản tán thành với quy định tại Điều 84 trong dự thảo luật, theo đó, các chi phí được tính đủ vào giá bán để thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu làm rõ “các chi phí hợp lý khác” được tính vào giá bán hoặc quy định các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý khi tính vào giá bán.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tham gia thảo luận

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo luật cần thể chế hóa đầy đủ hơn nữa nội dung của Hiến pháp, đặc biệt là quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác, quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế hợp pháp được pháp luật bảo hộ. Đại biểu đề xuất cần điều chỉnh, bổ sung thêm các quy định để cụ thể hóa nội dung này.

Về các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án nhà ở quy định tại Điều 36 của dự thảo luật, đại biểu cho rằng, đây là vấn đề còn bất cập, cần khắc phục. Đại biểu phản ánh, trong quá trình đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan đến xây dựng theo luật định như thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, đánh giá tác động môi trường, thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy... Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này cần bổ sung Điều, khoản sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng theo hướng rút ngắn cơ chế thực hiện thủ tục xây dựng cho chủ đầu tư để giúp chủ đầu tư có thể rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục xây dựng.

Một số hình ảnh phiên họp:

Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh nên tích hợp nội dung vào quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để giảm chi phí, công sức bỏ ra, tránh chồng chéo giữa các quy hoạch

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng hơn nữa để cụ thể hóa nội dung Hiến pháp cũng như Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đối với việc mở rộng loại hình nhà ở, bảo vệ quyền có nơi ở hợp pháp của người dân

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này cần bổ sung Điều, khoản sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng theo hướng rút ngắn cơ chế thực hiện thủ tục xây dựng cho chủ đầu tư

Các đại biểu cho rằng luật cần thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, bảo đảm rành mạch, rõ trách nhiệm và điều kiện bảo đảm thực hiện./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác