THẢO LUẬN TỔ 15: QUY ĐỊNH RÕ HƠN VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA NGƯỜI DÂN TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

09/06/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 9/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tổ 15 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Khánh Hòa, Bình Phước.

CHỈ CỤ THỂ HÓA TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) NHỮNG NỘI DUNG ĐÃ ĐỦ RÕ

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi), qua thực tiễn cho thấy, luật hiện hành đã mang lại rất nhiều giá trị trên thực tế đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước cũng như trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, luật hiện hành cũng bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại trong thực tiễn. Do đó, hiện nay là thời điểm rất cần thiết trên thực tiễn phải có những quan điểm mới của Đảng để thể chế hóa và đưa vào dự thảo Luật. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể hiện được cơ bản những tư tưởng mới của Đảng. Nếu Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành sẽ góp phần giải quyết một cách đồng bộ về các thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nếu đối chiếu với Nghị quyết 18-NQ/TW, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra rằng, nội dung liên quan đến vai trò của Nhà nước trong bảo đảm nguồn lực để xây dựng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch của các ngành, các lĩnh vực có sử dụng đất chưa được thể chế hóa trong dự thảo Luật. Đây là nội dung rất quan trọng đã được Trung ương thảo luận và cho ý kiến. Trên thực tế, khi thực hiện luật hiện hành, việc lập quy hoạch tại các địa phương dựa vào nguồn lực của Nhà nước, nhưng đồng thời cũng cho phép sử dụng các nguồn lực của xã hội theo hình thức xã hội hóa để đảm bảo việc lập các quy hoạch sử dụng đất ở các cấp cũng như các quy hoạch ở từng lĩnh vực.

Thế nhưng, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã khẳng định, công tác lập quy hoạch rất quan trọng, là nền tảng đảm bảo cho các quy hoạch định hướng không gian phát triển khác. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất cũng như các quy hoạch liên quan đến sử dụng đất phải được đảm bảo bằng vai trò của Nhà nước, nguồn lực của Nhà nước phải đảm bảo cho vấn đề này để tránh những yếu tố có thể dẫn đến không có sự tường minh cũng như đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của quy hoạch. Trước tầm quan trọng như vậy, nhưng dự thảo Luật không đề cập đến, đại biểu cho rằng các địa phương và các ngành sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực của Nhà nước phục vu cho việc quy hoạch đất.

Quan tâm tới quy định tại Điều 14 dự thảo Luật, đại biểu cho biết, khoản 9 có quy định điều tiết thị trường sử dụng đất theo quy luật cung cầu của thị trường, đây là yếu tố rất quan trọng nhưng trong dự thảo lại không quy định rõ yếu tố, tiêu chí để xác định hình thành quy luật cung cầu của thị trường. Đại biểu nhấn mạnh, vấn đề này rất quan trọng để đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng trong việc tổ chức áp dụng, do đó cần làm rõ hơn nữa trong dự thảo Luật.

Liên quan tới quyền của công dân đối với đất đai tại Điều 24 dự thảo Luật, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần làm rõ hơn nội dung này bằng các hướng dẫn cụ thể, nội dung cụ thể liên quan tới cơ chế giám sát và tham gia thực hiện quản lý nhà nước tại khoản 1 và khoản 5. Bởi, Hiến pháp năm 2013 quy định sở hữu đất đai là sở hữu của toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu. Do đó, vai trò của từng người dân trong việc giám sát và tham gia quản lý Nhà nước như nào cũng cần quy định rõ hơn nữa trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu rõ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này đã có sửa đổi rất nhiều nội dung so với dự thảo trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Để đạt được những kết quả đó đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cũng như sự vào cuộc rất tích cực của hệ thống chính trị trong việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật. Việc lấy ý kiến Nhân dân cũng được tổ chức bằng nhiều hình thức, tạo sự phấn khởi trong Nhân dân. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng rất kịp thời trong việc tổng hợp nội dung, các ý kiến từ cơ sở để hoàn thiện, chỉnh lý để trình tại kỳ họp lần này.

Quan tâm tới quy định trưng dụng đất, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, đại biểu cho biết, dự thảo Luật đã liệt kê rất kỹ về những vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi dự thảo đã liệt kê rất cụ thể, chi tiết nhưng nếu liệt kê quá kỹ sẽ dễ bị thiếu, dẫn đến không đầy đủ và quá trình tổ chức triển khai thực hiện có thể gây khó cho các địa phương. Do đó, đại biểu cho rằng cần những quy định cụ thể, nhưng cũng phải linh hoạt vì có những trường hợp vừa phải đảm bảo theo quy định và đảm bảo hợp tình, hợp lý.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Còn theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, qua tiếp xúc cử tri nổi lên là vấn đề đất ở nông, lâm trường. Trước đây, Quốc hội khóa XIII đã giám sát tối cao việc quản lý thực hiện chính sách, pháp luật đất đai tại nông, lâm trường. Hội đồng Dân tộc cũng đã tổ chức giám sát lại chuyên đề này nhưng những bất cập, hạn chế đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hầu hết, đất nông, lâm trường thuộc địa bàn dân tộc thiểu số còn khó khăn và đặc biết khó khăn. Đại biểu chỉ ra rằng, đất này có những họ dân sống gần 30 năm, thủ tục, do đó đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét về vấn đề này để đảm bảo được chính sách để người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng cũng phải chia sẻ, không nên tạo áp lực với chính quyền địa phương và đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu nêu rõ, Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng”. Trong Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; các loại dự án được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Tuy nhiên, quy định này lại không làm rõ nội hàm của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Do đó, đại biểu đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định về nội hàm của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và giao Chính phủ quy định các loại dự án cụ thể. Bổ sung quy định dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích phát triển hạ tầng phục vụ công cộng và vì lợi ích phát triển quốc gia dựa vào vốn đầu tư công, vốn đầu tư tư nhân hoặc vốn đầu tư đối tác công tư. Giao Chính phủ quy định các loại dự án cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Góp ý đối với nội dung về thu hồi đất, trưng dụng đất, đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho biết, tại điểm a khoản 3 Điều 79 quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác, đại biểu đề nghị bổ sung thêm “các dự án khu đô thị do tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện”.

Theo đó, hiện nay trong dự thảo chỉ quy định các dự án khu dân cư nông thôn do Tổ chức Phát triển quỹ đất thực hiện. Nhưng trên thực tế ở các địa phương, có thể là ở các thị trấn cũng là đô thị hay các phường có các quỹ đất xen kẹt quy mô không lớn có thể là giao Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện dự án khu đô thị chứ không chỉ có khu dân cư nông thôn như trong dự thảo hiện nay, như thế sẽ bị vướng. Bởi như thế, dù diện tích lớn, nhỏ đều loại trừ trường hợp Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện cũng không thật sự phù hợp.

Đối với quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Đỗ Đức Duy cho biết, dự thảo có quy định các khoản hỗ trợ bao gồm hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tái định cư… Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ có quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm nhưng chưa có quy định về việc hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất và hỗ trợ tái định cư. Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định về hỗ trợ cho nhóm người bị hạn chế khả năng lao động như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân, hộ gia đình nghèo, người già neo đơn,…

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; về phát triển quỹ đất và việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất./.

Minh Thành

Các bài viết khác