THẢO LUẬN TẠI TỔ 6: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG CÁC TRƯỜNG HỢP THU HỒI ĐẤT PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH CÔNG CỘNG

09/06/2023

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 09/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát các luật có liên quan, đánh giá tác động kỹ lưỡng; đồng thời cần rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất phục vụ mục đích công cộng để đảm bảo công khai, minh bạch, khả thi, hợp lý.

THẢO LUẬN TỔ 6: ĐẢM BẢO QUYỀN CÓ NƠI Ở HỢP PHÁP CHO CÔNG DÂN THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP

Tổ 6 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Phú Thọ, Đắk Nông, Trà Vinh.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đánh giá Dự thảo luật trình lần này đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ cụ thể hóa tại Luật những nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chín, đã đủ rõ. Tuy nhiên, đối với những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều kiện thực tiễn chưa cho phép quy định ngay tại Luật để trình Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Các đại biểu cho rằng, đối với các dự án Luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định có liên quan và đề xuất chỉnh sửa tại Luật Đất đai (nếu có) theo nguyên tắc bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh tại mỗi Luật, không nhắc lại tại Luật này nội dung quy định của Luật khác và ngược lại mà có quy định dẫn chiếu việc thực hiện theo quy định của Luật khác có liên quan; trình Quốc hội xem xét theo quy định.

Toàn cảnh phiên họp

Đi vào một số nội dung cụ thể liên quan đến nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các đại biểu đề nghị hoàn thiện quy định theo hướng các quy hoạch sử dụng đất có thể lập đồng thời; quy hoạch sử dụng đất cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch cấp thấp hơn để bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu các loại đất do quy hoạch sử dụng đất cấp trên phân bổ cho quy hoach cấp dưới. Đồng thời, để tránh xảy ra tình trạng quy hoạch cấp trên hoàn thành chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành quy hoạch cấp dưới như thời gian qua, Chính phủ cần có các giải pháp chỉ đạo điều hành theo lộ trình phù hợp ngay trong bước lập quy hoạch để tránh lặp lại vướng mắc nêu trên.

Nhiều đại biểu tán thành việc không lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đối với quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng cần làm rõ hơn sự cần thiết phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đối với các khu vực này.

Liên quan đến vấn đề điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, các đại biểu đề nghị bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013, không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải được quy định trong Luật (luật định) gắn với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường hợp “thật cần thiết”. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung quy định điều kiện về nguồn lực, tình hình địa phương trong từng thời kỳ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, Điều 79 trong dự thảo Luật đã quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát, đặc biệt với các trường hợp thu hồi đất để cung ứng dịch vụ công như các cơ sở y tế, dịch vụ xã hội, dưỡng lão, phòng chống dịch bệnh, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành, cơ sở đào tạo, nhà trẻ, trường mẫu giáo, cơ sở thể dục thể thao. Đại biểu cho biết, nhiều dịch vụ công hiện nay đã được thực hiện xã hội hóa, nếu thu hồi đất để phục vụ tư nhân cung ứng dịch vụ này thì không hợp lý.

Bên cạnh đó, về vấn đề nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, đây là vấn đề đã được đề cập đến trong Luật Nhà ở (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Trường Giang cùng đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần xem xét lại tính hợp lý của nội dung này, tách bạch việc sử dụng đất phát triển công nghiệp với việc thu hồi đất làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tham gia phát biểu, đại biểu Ngô Chí Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, quy định tại Điều 5 về người sử dụng đất chưa thống nhất với các điều, khoản khác trong dự thảo luật. Cụ thể, Điều 5 quy định: Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này.

Đại biểu Ngô Chí Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu cho biết, quy định này không rõ ràng, khi hộ gia đình không được quy định, nhưng cụm từ “hộ gia đình” xuất hiện rất nhiều trong dự thảo luật, thậm chí chủ thể này còn tiếp tục được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như quy định tại Điều 137 trong dự thảo Luật. Như vậy, đối tượng “hộ gia đình” được xem là người sử dụng đất, nhưng lại không quy định cụ thể tại Điều 5. Đại biểu đề nghị cần làm rõ ngay trong dự thảo Luật rằng hộ gia đình là người sử dụng đất, để ngay khi luật này có hiệu lực, hộ gia đình có thể thực hiện các quyền được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, về các trường hợp cho thuê đất, một số ý kiến cho rằng nên xác định theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, cho nhà đầu tư được trả tiền một lần hoặc trả tiền hằng năm tương ứng với tính chất của hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên đất, thời hạn, mục đích sử dụng đất và khả năng tài chính của nhà đầu tư, mặt khác, giúp nhà đầu tư tính toán được chi phí đầu tư, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hình thành tài sản thế chấp có giá trị, không chỉ là tài sản đầu tư trên đất mà còn là giá trị gắn với quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cơ bản nhất trí việc xây dựng bảng giá đất hằng năm bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường. Tuy nhiên cần rà soát, nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến thời hạn ngày 01/01/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng Bảng giá đất hằng năm, nhất là đối với các địa phương có điều kiện khó khăn, không có nhiều dữ liệu để xây dựng bảng giá đất. Đồng thời, trong thiết kế quy định của luật cũng cần lưu ý quy trình điều chỉnh, sửa đổi cần quy định phù hợp để bảo đảm tính khả thi.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần xem xét lại tính hợp lý của nội dung về nhà lưu trú công nhân, tách bạch việc sử dụng đất phát triển công nghiệp với việc thu hồi đất làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Đại biểu Ngô Chí Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị cần làm rõ ngay trong dự thảo Luật rằng hộ gia đình là người sử dụng đất, để hộ gia đình có thể thực hiện các quyền được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Nhiều đại biểu tán thành việc không lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đối với quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương./.

Đại biểu Ngô Chí Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị cần làm rõ ngay trong dự thảo Luật rằng hộ gia đình là người sử dụng đất, để hộ gia đình có thể thực hiện các quyền được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác